Hoạt động kinh tế tại Eurozone đã khởi sắc sau chuỗi tháng giảm liên tiếp, nhưng ở Anh vẫn suy giảm…
Hoạt động kinh tế tại 20 quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu Euro đã tăng trong tháng 1, đánh dấu lần tăng đầu tiên trong vòng 8 tháng trở lại đây. Dữ liệu này được xem là bằng chứng mới nhất cho thấy nền kinh tế châu Âu có thể tránh được một cuộc suy thoái mà giới phân tích đã cho là gần như chắc chắn trong năm nay.
Trong khi đó, triển vọng của nền kinh tế Anh tiếp tục ảm đạm và nguy cơ suy thoái vẫn còn lớn.
“TIA SÁNG CUỐI ĐƯỜNG HẦM” CỦA KINH TẾ CHÂU ÂU
Số liệu sơ bộ của Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) khu vực Eurozone, công bố ngày 24/1, tăng lên mức 50,2 điểm trong tháng 1 từ mức 49,3 điểm trong tháng 12. Đây là chỉ số đo hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của khu vực, và mức trên 50 điểm thể hiện sự tăng trưởng. Trước đó, chỉ số đã có 7 tháng giảm liên tiếp kể từ tháng 6 năm ngoái.
Sự tăng trưởng khiêm tốn của tháng 1 là kết quả từ giá năng lượng sụt giảm và sức ép được giải toả trong chuỗi cung ứng. Những yếu tố này giúp kiềm chế sự gia tăng chi phí đầu vào đối với nhà sản xuất.
Bức tranh kinh tế của châu Âu khởi sắc trong bối cảnh giới chuyên gia kinh tế trở nên lạc quan về triển vọng nền kinh tế khu vực trong năm nay. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại gần đây đã giúp nâng niềm tin về kinh tế châu Âu lên mức cao nhất kể từ tháng 5 năm ngoái. Sự lạc quan này dựa trên cơ sở cho rằng người tiêu dùng Trung Quốc sẽ chi tiêu mạnh trở lại, phản ánh một phần qua việc hãng đồng hồ Swatch của Thuỵ Sỹ ngày 24/1 dự báo doanh số năm 2023 sẽ đạt kỷ lục.
“Một nền kinh tế Eurozone vững vàng ngay thời điểm đầu năm đã bổ sung thêm bằng chứng rằng khu vực này có thể thoát khỏi nguy cơ suy thoái”, chuyên gia kinh tế trưởng Chris Williamson của S&P Global Market Intelligence nhận định với trang CNN Business.
Ông Williamson nói thêm rằng vẫn còn đó khả năng nền kinh tế Eurozone lại trượt vào suy thoái vì lãi suất vay tiền đang tăng lên do các đợt tăng lãi suất để chống lạm phát của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Dù vậy, vị chuyên gia cho rằng bất kỳ một cuộc suy thoái nào nếu xảy ra ở Eurozone trong năm nay “cũng có thể ít nghiêm trọng hơn nhiều so với lo ngại lúc đầu”.
Chuyên gia kinh tế trưởng Holger Schmieding của Berenberg nhận định trong một báo cáo: “Niềm tin của người tiêu dùng còn thấp và ảnh hưởng có độ trễ của các đợt tăng lãi suất của ECB vẫn chỉ báo tới một sự suy giảm nhẹ của GDP ở Eurozone trong ngắn hạn trước khi sự phục hồi có thể diễn ra một cách vững chắc thực sự”.
Niềm tin người tiêu dùng ở Đức, nền kinh tế lớn nhất Eurozone, nhiều khả năng sẽ có tháng cải thiện thứ tư liên tiếp trong tháng 2 – theo kết quả một cuộc khảo sát khác do GfK công bố ngày 24/1.
KINH TẾ ANH VẪN “BẾT BÁT”
Tại Anh, bức tranh kinh tế ảm đạm hơn nhiều so với những gì ghi nhận ở châu Âu. Cuộc khảo sát PMI tháng 1 cho thấy sự sụt giảm hoạt động kinh tế mạnh nhất kể từ khi nước này phong toả để chống Covid cách đây 2 năm. Nguyên nhân của tình trạng này là lãi suất cao và niềm tin sa sút của người tiêu dùng gây áp lực lên các hoạt động, đặc biệt là trong ngành dịch vụ – lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế Anh.
Dữ liệu công bố ngày 24/1 cho thấy PMI của Anh giảm còn 47,8 điểm trong tháng 1, từ mức 49 điểm trong tháng 12, đánh dấu tháng giảm thứ 6 liên tiếp.
“Số liệu PMI yếu hơn dự báo trong tháng 1 phản ánh rủi ro nền kinh tế Anh rơi vào suy thoái. Các cuộc đình công của người lao động, thiếu nhân công, xuất khẩu suy giảm, chi phí sinh hoạt tăng, và lãi suất tăng. Tất cả đều có nghĩa là tốc độ suy giảm của nền kinh tế đã tăng lên ngay vào thời điểm đầu năm”, ông Williamson nhận định.
Theo số liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), nền kinh tế Anh gánh thiệt hại về số ngày làm việc do các cuộc đình công trong thời gian từ tháng 6-11/2022 nhiều hơn so với trong thời kỳ 6 tháng bất kỳ nào trong 30 năm trước đó.
Ông Williamson nhận định dữ liệu PMI công bố ngày thứ Ba phản ánh không chỉ những trở ngại ngắn hạn đối với tăng trưởng kinh tế Anh, như các cuộc đình công, mà cả “thiệt hại mà nền kinh tế đang phải hứng chịu từ những vấn đề mang tính cấu trúc dài hạn như thiếu lao động và khó khăn về thương mại do Brexit”.
Dù vậy, có một tin tốt là kỳ vọng của doanh nghiệp Anh về năm 2023 trong tháng 1 này đã đạt mức cao nhất trong 8 tháng, nhờ hy vọng về sự cải thiện của bức tranh kinh tế toàn cầu và lạm phát dịu đi.
Cũng theo dữ liệu do ONS công bố ngày 24/1, vay nợ của Chính phủ Anh trong tháng 12 vừa qua là 27,4 tỷ Bảng, tương đương đương 33,7 tỷ USD – con số kỷ lục của tháng 12 kể từ khi dữ liệu tháng bắt đầu được ghi lại vào năm 1993. Việc Chính phủ Anh vay nợ nhiều xuất phát từ việc gia tăng chi tiêu để trợ cấp năng lượng cho các hộ gia đình, cộng thêm số tiền trả lãi nợ chính phủ tăng mạnh khi lãi suất lên cao.
Theo Tạp chí Kinh tế Việt Nam