Anh man hinh 2023 06 28 luc 22.27.00

Cuộc chuyển dịch đầu tư và đa dạng hóa các cơ sở sản xuất nhằm thực thi Chính sách hướng Nam mới (New Southbound Policy) của Đài Loan được kỳ vọng sẽ mang đến một làn sóng tăng trưởng mạnh mẽ về thương mại và đầu tư tại các thị trường trọng điểm, trong đó có Việt Nam.

foxconn bacgiang
Nhà máy của Foxconn ở Khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang. Ảnh: website doanh nghiệp

Cuộc chuyển dịch mạnh mẽ dòng vốn đầu tư

Chính sách hướng Nam mới (NSP) với thời gian triển khai trong vòng 6 năm qua, được dự báo sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam khi các cơ sở sản xuất công nghiệp và công nghệ cao đang được dịch chuyển hoặc đa dạng hóa địa điểm khỏi Trung Quốc, theo thông tin từ bà Kao Shien-quey, Thứ trưởng Hội đồng Phát triển Quốc gia của Đài Loan tại cuộc gặp gỡ báo chí Đông Nam Á vào tuần qua tại Đài Bắc.

Dưới sự chỉ đạo về chính sách của chính phủ, quan hệ kinh tế – thương mại giữa Đài Loan và các nền kinh tế trong Chính sách hướng Nam mới đã mở ra cục diện mới, giúp cho các doanh nghiệp Đài Loan tiếp tục khai thác và mở rộng cơ hội kinh doanh tại các thị trường này.

Thứ trưởng Kao Shien-quey cho biết các ngành công nghiệp Đài Loan đang tìm kiếm sự hợp tác toàn cầu. Và điều này cũng xuất phát từ nhu cầu nội tại của nền kinh tế hơn 23 triệu dân này.

Một trong những thách thức lớn mà Đài Loan đang đối mặt, đó là nền kinh tế này hiện đang nhập khẩu 90% năng lượng cho nhu cầu của mình, và “mục tiêu của chúng tôi là giảm tỷ lệ này xuống, đồng thời nỗ lực đạt đến mức phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2050”, bà nói. Các nguồn tái tạo như nhà máy năng lượng gió ngoài khơi và năng lượng mặt trời có thể giúp Đài Loan đạt được cam kết net zero và tự cung tự cấp năng lượng cho mình.

Bên cạnh đó, từ mức tăng trưởng mạnh mẽ 6,5% vào năm 2021, GDP của Đài Loan đã giảm xuống 2,5% vào năm 2022 do “các vấn đề toàn cầu”. Đài Loan và Việt Nam đang có cùng một khó khăn rất lớn đó là xuất khẩu chậm lại do mối lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, trong khó khăn, các thị trường hướng Nam mới vẫn là điểm sáng nổi bật. Báo cáo của Cục Thương mại, Bộ Kinh tế Đài Loan cho biết, nhìn vào tổng thể kết quả kinh tế năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Đài Loan với 18 nước hướng Nam mới đạt 180,3 tỉ đô la Mỹ, lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay, vượt qua mức đạt được trước đại dịch năm 2019 (111,7 tỉ đô la) và đạt kết quả tốt nhất kể từ khi thúc đẩy Chính sách hướng Nam mới vào năm 2016 cho đến nay.

Trong đó, xuất khẩu vi mạch (IC) chiếm phần lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu từ Đài Loan sang các nước hướng Nam mới, tiếp theo là các ngành nghề như linh kiện và sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông, thiết bị bán dẫn và máy chế tạo chất bán dẫn, linh kiện quang học, sản phẩm dầu mỏ, sản phẩm thép cán nóng, nguyên liệu nhựa và cao su, hóa chất hữu cơ… cũng là những mặt hàng chính của Đài Loan xuất khẩu sang các nước hướng Nam mới.

Giao thương giữa Đài Loan với Singapore, Malaysia và Úc đã tăng thêm hơn 16 tỉ đô la, trong khi đó với Việt Nam, Indonesia và Thái Lan đã tăng thêm 4 tỉ đô la trong năm qua, và Việt Nam đang đứng thứ 4 về giá trị thương mại trong số 18 nền kinh tế hướng Nam mới làm ăn với Đài Loan.

Không chỉ xuất khẩu của Đài Loan sang các nước hướng Nam mới đạt được kết quả nổi bật, mà đầu tư hai chiều giữa Đài Loan và các thị trường này cũng tăng trưởng rõ rệt. Năm 2022, các doanh nghiệp Đài Loan đã đầu tư 5,27 tỉ đô la vào các quốc gia hướng Nam mới, trong khi dòng chảy vốn FDI từ các quốc gia này vào Đài Loan trong năm qua là 2,07 tỉ đô la, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ.

Dữ liệu của Trung tâm nghiên cứu ASEAN Đài Loan (TASC) – Viện nghiên cứu kinh tế Chung Hua cung cấp trong buổi trao đổi cùng báo chí Đông Nam Á, cho thấy trong giai đoạn 2010, chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm khoảng 80% vốn FDI ra nước ngoài hàng năm của Đài Loan. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 33,6% trong năm 2022, và trong năm nay, con số được dự báo là 10,8%.

Việt Nam được các doanh nghiệp Đài Loan đánh giá cao nhất về độ tiềm năng và triển vọng phát triển của thị trường. Ảnh minh họa là dây chuyền sản xuất xe máy Kymco. Ảnh: TL

Việt Nam là điểm đến đầy tiềm năng

Các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đang được hưởng lợi nhiều nhất từ sự thay đổi về dòng vốn ra nước ngoài của Đài Loan.

Bà Kristy Tsun-tzu Hsu, Giám đốc TASC, cho biết môi trường đầu tư ở Trung Quốc ngày càng trở nên kém thuận lợi hơn với doanh nghiệp Đài Loan, và khoảng 40% khoản đầu tư mới của Đài Loan là vào các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, và khoảng 30% là vào Mỹ.

Chia sẻ với báo giới, bà Kristy Hsu cho biết Việt Nam cũng đang thu hút sự quan tâm của các nhà sản xuất Đài Loan như là một trung tâm sản xuất ở Đông Nam Á, và cũng là một sự lựa chọn thay thế đáng tin cậy và chi phí rẻ hơn cho Trung Quốc.

Trong khu vực tư nhân của Đài Loan, nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng sau khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và đại dịch Covid ngày càng lớn, bà chia sẻ, và nói thêm rằng các công ty này có thể muốn quay trở lại Đài Loan hoặc chuyển sang Việt Nam, Ấn Độ hoặc các quốc gia hướng Nam mới khác.

Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Peter Wen-rong Huang, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà xuất nhập khẩu Đài Bắc (IEAT) – nghiệp đoàn thương mại lớn nhất Đài Loan – nhận định Việt Nam có nền kinh tế ổn định, lực lượng lao động đông đảo và cơ cấu dân số vàng, tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Từ 20 năm trước, Việt Nam đã thu hút nhiều doanh nhân Đài Loan trong các ngành truyền thống như dệt may, đóng giày, nội thất… đến đầu tư.

Theo số liệu của các cơ quan nghiên cứu, tính đến năm 2022, vốn đầu tư của doanh nhân Đài Loan chiếm khoảng 8% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư lũy kế là 36,4 tỉ đô la, trở thành đối tác đầu tư lớn thứ 4 tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu cộng thêm khoản đầu tư từ các nước thứ ba thì số vốn đầu tư thực tế của doanh nghiệp Đài Loan sẽ vượt quá 50 tỉ đô la.

Sau chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn của Đài Loan đã điều chỉnh sự phân bố trên thế giới. Nhờ những lợi thế sẵn có cộng thêm việc ký kết một số hiệp định thương mại tự do, Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng chuyển giao năng lực sản xuất từ Trung Quốc của ngành điện tử và chuỗi cung ứng của ngành này. Các nhà máy gia công hàng điện tử tiêu dùng lớn như Foxconn, Compal, Pegatron, Wistron, Qisda… đều đã đến Việt Nam để thành lập nhà máy hoặc mở rộng năng lực sản xuất. Trong tương lai, sẽ có thêm nhiều doanh nhân và doanh nghiệp Đài Loan lên kế hoạch thành lập nhà máy tại Việt Nam.

Số liệu thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết thương mại hai chiều Việt Nam – Đài Loan lập kỷ lục mới trong năm 2022, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều gần 28 tỉ đô la, nhập siêu cũng tăng lên 17,6 tỉ đô la.

Các nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường này bao gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; điện thoại các loại và linh kiện; hàng dệt may và xơ, sợi dệt các loại; giày dép và rau quả… Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập về máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; vải; chất dẻo nguyên liệu; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; hóa chất; sắt thép các loại; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; sản phẩm hóa chất; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày; điện thoại các loại và linh kiện.

Theo Kinh tế Sài Gòn

Scroll to Top