CSSC dang phat trien tuoc bin gio lon nhat the gioi
Chính sách chuyển đổi xanh của một số doanh nghiệp nhà nước lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng của Trung Quốc đang giúp Bắc Kinh đạt được mục tiêu hướng tới độc lập về năng lượng đồng thời mở rộng vị thế dẫn đầu của đất nước về công nghệ sạch.
Trong nhiều thập niên, các doanh nghiệp nhà nước (SOE) khổng lồ của Trung Quốc được các chuyên gia ví von như những “con khủng long” đang rệu rã. Họ gọi như vậy với hàm ý các SOE sử dụng quá nhiều nguồn tài nguyên quí giá của đất nước nhưng tạo ra giá trị kinh tế không tương xứng.
Nhưng giờ đây, khi các SOE chuyển hướng chi tiêu vốn sang công nghệ sạch, Trung Quốc đã tăng tỷ trọng công suất sản xuất điện tái tạo, chủ yếu là năng lượng mặt trời, gió và thủy điện, lên khoảng 50% tổng sản lượng điện vào năm 2023. Con số này tăng từ 38% vào năm 2019 và 29% vào năm 2013, theo hãng tư vấn Rystad Energy.
Theo một phân tích gần đây của nhà phân tích Xuyang Dong của Climate Energy Finance (CEF), một tổ chức tư vấn của Úc, Trung Quốc đang trên đà vượt mục tiêu tăng 50% công suất lắp đặt năng lượng tái tạo trong kế hoạch hoạch 5 năm lần thứ 4, từ 2021 đến 2025.
Các nhà chính trị ở châu Âu và Mỹ chỉ trích sự trợ cấp hào phóng của Bắc Kinh cho hoạt động sản xuất các sản phẩm công nghệ sạch, gây bất lợi cho các công ty năng lượng của họ. Nhưng Xuyang Dong ghi nhận, cấu trúc chỉ đạo và kiểm soát mang tính tập trung cũng như tính liên tục trong quản trị của Trung Quốc đã giúp nước này đạt những tiến triển lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Bà nói, khi Bắc Kinh yêu cầu các SOE chuyển hướng sang năng lượng tái tạo, họ ngay lập tức tuân thủ. Bà cho rằng, các nước phương Tây vấp phải nhiều rào cản đối với quá trình khử carbon bắt nguồn từ “chủ nghĩa ngắn hạn thiển cận” của các thị trường tài chính, các cuộc tranh cãi gay gắt để thiết lập giá carbon và tình trạng gián đoạn chính sách khi chính phủ thay đổi.
Động lực đầu tư vào năng lượng tái tạo của các SOE của Trung Quốc được thúc đẩy bởi các cam kết về khí hậu vào năm 2020 của Chủ tịch Tập Cận Bình. Trung Quốc là nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 30% tổng lượng khí thải toàn cầu, nhưng Bắc Kinh cam kết đạt mức phát thải đỉnh điểm vào năm 2030 và đưa mức phát thải ròng carbon về zero vào vào năm 2060.
Các SOE là trụ cột của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đóng góp 66% GDP vào năm 2023, theo các chuyên gia chính sách công Zhang Fang và Zuo Jialu của Đại học Thanh Hoa. Và trong lĩnh vực năng lượng, tính quy mô đóng vai trò rất quan trọng. Các SOE có nguồn lực và sự hỗ trợ để phát triển các nguồn tài nguyên gió và mặt trời tốt nhất, với quy mô lớn ở vùng tây bắc xa xôi của Trung Quốc. Đây là những khu vực mà các doanh nghiệp tư nhân nhỏ hơn có thể gặp khó khăn để hoạt động.
Một đặc điểm khác trong việc hoạch định chính sách của Trung Quốc là các mục tiêu mà các nhà lãnh đạo đã công khai tuyên bố hiếm khi bị bỏ lỡ. Động lực đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo, cùng với tốc độ điện hóa giao thông nhanh chóng của Trung Quốc khiến nhiều chuyên gia dự báo đỉnh điểm phát thải của Trung Quốc có thể đến sớm hơn năm 2030.
Và ý nghĩa của cuộc chuyển đổi xanh của các SOE của Trung Quốc vượt xa các mục tiêu tham vọng về khí hậu. Khu vực SOE của Trung Quốc vốn nổi tiếng là bảo thủ, nhưng họ đang đầu tư nhiều hơn vào công nghệ mới, chưa được chứng minh, bao gồm cả các công ty khởi nghiệp. “Họ thực sự đang thử nghiệm các công nghệ mới và chuẩn đưa chúng vào sử dụng thương mại”, Yicong Zhu, nhà phân tích năng lượng tái tạo của Rystad Energy, nói.
Điều này đang thúc đẩy các nỗ lực nghiên cứu và phát triển của khu vực tư nhân vào thời điểm thị trường vốn suy yếu, đồng thời, có nghĩa là Trung Quốc có đủ điều kiện để nới rộng vị trí dẫn đầu toàn cầu về các công nghệ sạch quan trọng. Trong một ví dụ được CEF trích dẫn, Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc (CSSC) đang phát triển phiên bản tuốc-bin điện xa bờ lớn nhất thế giới, với chiều dài của cánh quạt là 128 mét, và đường kính của cánh quạt (chiều rộng của vòng tròn được quét bởi các cánh quạt) lên đến 260 mét. Tuốc-bin này cung cấp đủ năng lượng cho khoảng 40.000 hộ gia đình mỗi năm.
Với những cam kết về khí hậu của Chủ tịch Tập Cận Bình, các SOE có rất ít lựa chọn ngoài việc tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh. Và có những dấu hiệu cho thấy, họ đang nhận ra động thái xoay trục chiến lược mang lại hiệu quả kinh doanh tốt.
Năm ngoái, nhà phân tích Yicong Zhu và các đồng nghiệp đã nghiên cứu kỹ về hiệu quả tài chính của 14 SOE sản xuất điện của Trung Quốc trong vòng 3 năm tính, đến cuối năm 2022. Họ nhận thấy rằng, năng lượng tái tạo mới mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho các SOE, vốn trước đây chỉ dựa vào than và khí đốt để sản xuất điện.
Tuy nhiên, như Zhang Fang và Zuo Jialu của Đại học Thanh Hoa chỉ ra, tính thiếu minh bạch trong khu vực SOE vẫn còn là một vấn đề. Họ cho biết, rất ít SOE của Trung Quốc công khai số liệu phát thải chính xác. Hơn nữa, than vẫn cung cấp khoảng 60% sản lượng điện thực tế của Trung Quốc trong năm 2023.
Simeng Deng, nhà phân tích của Rystad Energy, cho rằng, nỗ lực bảo đảm nguồn cung điện và tránh tình trạng cắt điện vẫn là điều tối quan trọng đối với các SOE trong lĩnh vực năng lượng. “Độ tin cậy là điều quan trọng nhất. Họ không muốn khiến danh mục đầu tư trở nên quá rủi ro (nếu phụ thuộc vào năng lượng tái tạo). Đừng gọi họ là khủng long nữa”, Deng nói.
Theo Financial Times
Scroll to Top