6a771035a87741291866

Để các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng diễn ra thuận lợi, các doanh nghiệp cần phải nhận thức tốt trách nhiệm của mình và có chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xây dựng các cơ chế phối hợp hỗ trợ các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hoạt động bảo vệ người tiêu dùng đang được chú ý trong những năm gần đây. Theo đó, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội. Điều này đồng nghĩa với đây không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước mà của tất cả cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tăng cường nâng cao nhận thức về pháp luật

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, việc doanh nghiệp tuân thủ pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước hết là một nghĩa vụ, đồng thời là một trong những công cụ hữu hiệu để khẳng định thương hiệu và nâng cao khả năng cạnh tranh của chính doanh nghiệp mình.

Do đó, doanh nghiệp cần phải có biện pháp trang bị và nâng cao kiến thức pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng cho cán bộ, nhân viên trong công ty, đơn vị, trước hết là bộ phận chăm sóc khách hàng, thực hiện bảo hành hàng hóa, giải quyết khiếu nại, thông qua cán bộ chuyên trách pháp luật của doanh nghiệp hoặc sự giúp đỡ của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và của các Hội Bảo vệ người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tích cực tham gia các cuộc hội thảo chuyên đề hoặc phối hợp với các doanh nghiệp chủ động đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức các hội thảo về các vấn đề doanh nghiệp cùng quan tâm, cần làm rõ, qua đó tìm ra cách thức thực hiện đúng nhất, phù hợp nhất với các quy định của pháp luật. Ngoài ra, định kỳ hàng quý hoặc hàng năm, doanh nghiệp có thể thuê các chuyên gia pháp luật về lĩnh vực chuyên môn để giảng dạy về các vấn đề quan tâm.

Sau khi xác định được tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp cần cụ thể hóa quy định của Nhà nước trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như một công cụ cạnh tranh sắc bén và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng được biết.

Ông Hùng cho rằng, chính sách của doanh nghiệp nên hướng tới các tiêu chí như cam kết thực hiện đúng các quy định pháp luật về thông tin, ghi nhãn, bảo đảm an toàn, chỉ dẫn, cân đong đo, đếm, cung cấp thông tin đúng đầy đủ chính xác cho người tiêu dùng; cam kết sẵn sàng bảo hành và đổi lại hàng, trả lại tiền nếu hàng hóa dịch vụ không đảm bảo chất lượng như thông tin, quảng cáo; cam kết giải quyết thỏa đáng các yêu cầu của khách hàng liên quan đến sản phẩm hàng hóa do mình cung cấp trong một khoảng thời gian cụ thể.

Cần xây dựng bộ phận chuyên trách đảm bảo thực thi pháp luật

Việc có được bộ phận chuyên trách thực thi các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một điều lý tưởng. Bởi lẽ, làm được như vậy doanh nghiệp sẽ giải đáp được các thắc mắc của người tiêu dùng liên quan đến sản phẩm dịch vụ của mình. Hơn nữa thông qua bộ phận này doanh nghiệp có thể khám phá nhu cầu tiềm ẩn của người tiêu dùng liên quan đến hàng hóa sản phẩm từ đó yêu cầu bộ phận nghiên cứu và phát triển cải tiến mẫu mã theo yêu cầu thị trường, từ đó sẽ thu hút thêm khách hàng tiềm năng, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bộ phận chuyên trách này chỉ phù hợp với quy mô các công ty lớn, hoặc các trung tâm thương mại, siêu thị, còn với các doanh nghiệp nhỏ, việc thành lập một bộ phận chuyên trách này sẽ lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp.

“Nói như vậy không có nghĩa các doanh nghiệp nhỏ không có cán bộ theo dõi các thắc mắc, khiếu nại của người tiêu dùng. Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến công tác giải quyết các thắc mắc, khiếu nại của người tiêu dùng, nên phân công một hoặc một số cán bộ theo dõi công tác này” – ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Bộ phận chuyên trách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, cần tập trung vào việc tiếp nhận và xử lý các yêu cầu của người tiêu dùng theo cam kết của doanh nghiệp đã công bố với cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan truyền thông báo chí, cũng như các thông tin về sản phẩm và dịch vụ do doanh nghiệp đã công bố hoặc quảng cáo. Bộ phận này cũng nên tham gia chương trình doanh nghiệp vì người tiêu dùng do Bộ Công Thương hoặc Sở Công Thương phát động.

Mặt khác, các doanh nghiệp cần xác định các Hội bảo vệ người tiêu dùng vừa là đối tác, cầu nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, vừa tham gia phản biện để hoàn thiện các chính sách của doanh nghiệp, cần mời các hội tham gia và giúp đỡ.

Ngoài ra, với các doanh nghiệp làm ăn chân chính, thực hiện chức năng tư vấn tiêu dùng, Hội Bảo vệ người tiêu dùng cũng là một kênh có khả năng tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ có chất lượng, có sức cạnh tranh của doanh nghiệp đến với người tiêu dùng. Các doanh nghiệp nên phối hợp chặt chẽ với các hội trong việc tuyên truyền kiến thức pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tư vấn hướng dẫn kiến thức tiêu dùng cho người tiêu dùng về ngành hàng của mình. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thể phối hợp chặt chẽ với hội trong việc giải quyết các yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng.

Theo congthuong.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top