Screenshot 2023 10 18 164929

Sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của châu Á và vị thế trung tâm sản xuất và thương mại thế giới mang lại cho châu Á vai trò quan trọng toàn cầu. Nhưng sau những hào quang rực rỡ đó, châu Á lộ nguyên điểm nhược không tự chủ được về mặt công nghệ, và cũng chưa khẳng định được vị trí dẫn đầu trong các công nghệ nền tảng quan trọng.

Giữa các năm 1989-2019, các nền kinh tế ở châu Á, trong đó có Việt Nam, đã nổi lên như một tổng thể kinh tế chiếm đa số mà người ta sử dụng để đo lường nền kinh tế thế giới. Châu Á hiện là khu vực nổi bật trong cả năm lĩnh vực: thương mại thế giới, nền tảng công nghệ, lực lượng nhân khẩu, hệ thống tài nguyên và năng lượng, và vấn đề vốn đầu tư.

Theo mckinsey.com, trong bài viết Asia on the cusp of a new era, người ta nhận ra kỷ nguyên châu Á nhờ chuỗi các đột phá ở cả năm lĩnh vực này. Mỗi giai đoạn đột phá đều gây ra sự khởi đầu cho một kỷ nguyên mới kéo dài tương đối ổn định trong các cấu trúc và chuẩn mực định hình nền kinh tế toàn cầu.

Kỷ nguyên châu Á được định hình như một thế giới đa cực, với các nền kinh tế nổi lên ở châu Á trở thành những trung tâm quyền lực mới, trong đó Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai, Nhật Bản thứ ba, và Ấn Độ thứ năm. Cuộc cạnh tranh trong thế giới đa cực sẽ căng thẳng hơn, phức tạp hơn, tạo ra nhiều mối lệ thuộc lẫn nhau hơn so với thời kỳ thế giới đơn cực do Mỹ dẫn đầu.

Châu Á: vị thế quan trọng toàn cầu về sản xuất, thương mại

Sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của châu Á và vị thế trung tâm sản xuất và thương mại thế giới mang lại cho châu Á vai trò quan trọng toàn cầu. Châu Á chiếm 57% tăng trưởng GDP toàn cầu giai đoạn 2015-2021.

Năm 2021, châu Á đóng góp 42% GDP thế giới (tính theo sức mua tương đương), nhiều hơn bất kỳ khu vực kinh tế nào khác. Khu vực này đã củng cố vị thế của mình bằng sự hiện diện quan trọng trong thương mại thế giới. Năm 2021, châu Á chiếm 53% thương mại hàng hóa toàn cầu, và từ 2001-2021, chiếm 59% tăng trưởng thương mại thế giới. Và, châu Á cũng là nơi có đến 18 trong số 20 hành lang thương mại phát triển nhất thế giới, trong đó hành lang Trung Quốc – Việt Nam tăng đến 16% mỗi năm, và Trung Quốc – Malaysia 13% mỗi năm.

Trong khi nền thương mại khu vực tỏ ra rất thuận lợi, thì nền tảng công nghệ sẽ tiếp tục là thách thức lớn đối với châu Á. Giá trị gia tăng của ngành sản xuất đã tăng từ 29% lên 53% tổng giá trị gia tăng toàn cầu từ 1992-2021, và GDP châu Á đang vượt lên dẫn đầu thế giới trong bốn lĩnh vực: điện tử tiêu dùng, điện tử công nghiệp, xe điện (EV) và chất bán dẫn.

Châu Á: không tự chủ được về mặt công nghệ

Nhưng vấn đề là châu Á lại là nơi tiêu thụ công nghệ cho nền sản xuất của mình hơn là nơi sản xuất ra những công nghệ. Châu Á không tự chủ được về mặt công nghệ, và cũng chưa khẳng định được vị trí dẫn đầu trong các công nghệ nền tảng quan trọng. Đơn cử, Hàn Quốc và Đài Loan nức tiếng toàn cầu về sản xuất chip tiên tiến nhưng Mỹ mới là nơi đạt tới 46% doanh thu toàn cầu về thiết kế chip và châu Á tiếp tục dựa vào nhập khẩu thiết kế phần mềm để tạo ra một trong những công nghệ quan trọng nhất của mình.

Thực ra châu Á đã bắt đầu tạo dựng được vị thế trong hai lĩnh vực công nghệ là năng lượng sạch và di động, cùng những hứa hẹn về AI và học máy, công nghệ thực tế ảo, công nghệ vũ trụ, công nghệ sinh học và Web3. Nhưng giá trị của công nghệ đang chuyển dịch từ giải pháp phần cứng sang phần mềm, và châu Á phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu kiến thức cốt lõi. Chẳng hạn, vào năm 2022, Trung Quốc và Ấn Độ đã nhập khẩu giá trị tài sản trí tuệ (IP) gấp 3 lần và 9 lần so với xuất khẩu kiến thức của họ.

Cuối cùng, không giống như thời kỳ trước, khi khả năng cạnh tranh về công nghệ chủ yếu đạt được thông qua chuyên môn hóa trong từng lĩnh vực riêng lẻ, công nghệ hiện đang thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực thông qua các công nghệ xuyên suốt, chẳng hạn như AI, điện toán lượng tử và đám mây. Và châu Á đang phải đắn đo giữa nhập khẩu hay sáng tạo công nghệ cho nền kinh tế mình.

Lúng túng chuyển đổi sang nền kinh tế năng suất cao

Câu “Nhân khẩu học là số phận” rất đúng với nền kinh tế Việt Nam cũng như khu vực châu Á. Bởi những làn sóng ồ ạt lao động từ nông thôn đổ ra thành thị đã nhanh chóng hình thành nơi đây các nền kinh tế giá rẻ, và châu Á đã dùng lực lượng nhân công giá rẻ đó để thúc đẩy nền kinh tế. Và như một quán tính, các doanh nghiệp mải mê khai thác lợi thế nhân công giá rẻ mà coi nhẹ việc nâng cao tay nghề, các đại học cũng không mặn mà với việc đào tạo con người có trình độ thời đại.

Hậu quả là khi cơn gió ngược diễn ra với tình trạng già hóa dân số lần lượt gay gắt ở mỗi nước thì chính lực lượng lao động và những con người được đào tạo hiện hữu không đáp ứng quy trình chuyển đổi từ nền kinh tế giá rẻ sang nền kinh tế năng suất cao.

Là công xưởng của thế giới, châu Á cần rất nhiều khoáng sản và năng lượng từ bên trong và bên ngoài khu vực, tạo nên mối quan hệ chằng chéo giữa các nước sở hữu những nguồn tài nguyên nhất định và những nước tiêu thụ nguồn tài nguyên, và giữa các nước mua tài nguyên để tạo ra những sản phẩm công nghiệp cũng như nông nghiệp nhất định với những nước tiêu thụ sản phẩm.

Các nước có sẵn nguồn năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo như Việt Nam có cơ hội phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, kỷ nguyên châu Á sẽ còn cần bổ sung rất nhiều năng lượng bởi nơi đây vẫn sẽ là công xưởng của thế giới. Và điều này có nghĩa là việc giảm thải carbon ở các nước châu Á sẽ rất khó khăn và tốn kém.

Thiếu thốn công nghệ để tạo ra sản phẩm, thiếu nguồn nhân lực để chuyển đổi sang nền kinh tế năng suất cao, và nhu cầu lớn về tài nguyên cùng năng lượng để duy trì lợi thế trung tâm sản xuất của thế giới đặt ra cho châu Á bài toán huy động vốn sao cho hiệu quả. Tỷ suất lợi nhuận vốn thấp mà châu Á được hưởng ngày nay sẽ không bền vững một khi nơi đây mỗi ngày một cần thêm nhiều, rất nhiều vốn để tăng trưởng.

Và đây chính là vấn đề cốt lõi mà mỗi quốc gia tại châu Á phải giải quyết bằng cả sự quyết tâm và khôn ngoan, một mặt để phát triển, mặt kia không làm ảnh hưởng sâu sắc thêm thị trường tài chính (ở cả khu vực công, doanh nghiệp và người tiêu dùng), cuối cùng không làm chênh lệch bảng kế toán để bảo đảm môi trường đầu tư sinh lợi.

Theo Kinh tế Sài Gòn

Scroll to Top