Một số quốc gia đề xuất áp dụng mức thuế 150 USD với mỗi tấn carbon mà tàu biển thải ra. Đây là một động lực cho quá trình chuyển đổi xanh của ngành vận tải biển, đồng thời đảm bảo tất cả các quốc gia đang phát triển đều tham gia và được hưởng lợi từ loại thuế này.
Sau hai tuần đàm phán tại Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), một cơ quan của Liên hợp quốc (UN), phần lớn các nước tham gia nhất trí với đề xuất áp dụng loại thuế phát tải toàn cầu đầu tiên trên thế giới.
Vòng đàm phán mới nhất này, được IMO tổ chức tại London (Anh) với sự tham gia của hàng chục quốc gia, kết thúc vào ngày 22/3. Tại đây, các quốc gia thảo luận về phương thức áp dụng các quy định về khí hậu đối với lĩnh vực vận tải biển – lĩnh vực hiện đóng góp khoảng 3% tổng lượng phát thải carbon toàn cầu.
Theo hãng tin CNBC, 34 quốc gia tham dự gồm cả nước thu nhập thấp và thu nhập cao ủng hộ việc áp dụng thuế phát thải carbon toàn cầu. Đây là bước tiến đáng kể so với vòng đàm phán gần nhất vào năm ngoái.
Vòng đàm phán này cũng là cuộc họp đầu tiên của IMO kể từ khi các quốc gia thành viên nhất trí về chiến lược khí nhà kính mới vào tháng 7/2023. Được sự nhất trí của 175 quốc gia thành viên IMO, chiến lược mới này đặt mục tiêu giảm 30% lượng phát thải của lĩnh vực vận tải biển vào năm 2023, và giảm ít nhất 70% vào năm 2040, đồng thời hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này.
Tại vòng đàm phán, đa số các nước tham gia nhất trí áp dụng một số hình thức thuế phát thải vào năm 2025, nhằm giúp giảm sự chênh lệch về giá giữa nhiên liệu hóa thạch và năng lượng xanh. Tuy nhiên, cũng có đề xuất kết hợp áp dụng thuế phát thải vào một số biện pháp khác. Đề xuất này nhận được sự ủng hộ của ít nhất 14 quốc gia.
“UN đang hướng tới áp dụng loại thuế phát thải toàn cầu đầu tiên trên thế giới, nhưng chính sách này chỉ thành công khi các quốc gia biến nó trở thành hiện thực”, bà Sandra Chiri, quản lý về phát thải vận tải biển tại Ocean Conservancy, một tổ chức ủng hộ thuế phát tải có trụ sở tại Mỹ, nhận xét.
Theo bà Chiri, các cuộc đàm phán vừa qua tại IMO mang lại hy vọng rằng hầu hết các quốc gia, nằm ở Caribbe, Thái Bình Dương, châu Phi và cả ở Canada, Liên minh châu Âu (EU), đều nhìn thấy cơ hội lớn từ việc đánh thuế phát thải.
Đây là một động lực cho quá trình chuyển đổi xanh của ngành vận tải biển, đồng thời đảm bảo tất cả các quốc gia đang phát triển đều tham gia và được hưởng lợi từ loại thuế này.
“Một điều đáng tiếc là vẫn còn một số ít các quốc gia không ủng hộ đề xuất này”, bà nói.
Ngành vận tải biển, chịu trách nhiệm vận tải cho hơn 90% hoạt động thương mại toàn cầu, được xem là một trong những ngành khó thực hiện phi carbon hóa nhất. Một phần nguyên nhân là ngành này hiện sử dụng lượng nhiên liệu hóa thạch lớn cho đội tàu biển khổng lồ.
Đứng sau đề xuất thuế phát thải khí nhà kính toàn cầu đối với ngành vận tải biển là một số quốc đảo Thái Bình Dương như Fiji, Marshall Islands, Vanuatu và một số quốc đảo ở vùng Caribbe như Barbados, Jamaica và Grenada.
Tại vòng đàm phán vừa qua, quốc gia Trung Mỹ Belize và một số quốc đảo ở Thái Bình Dương kêu gọi áp dụng mức thuế 150 USD với mỗi tấn carbon thải ra. Đây được các nhà vận động chiến dịch mô tả là “đề xuất tham vọng nhất trên bàn đàm phán”.
Cũng xuất hiện đề xuất kết hợp thuế phát thải với một quy định về tiêu chuẩn phát thải quốc tế.
“Trong bối cảnh sự ủng hộ đối với thuế phát thải carbon toàn cầu ngày càng lớn, các quốc gia giờ đây phải nhanh chóng xây dựng chi tiết chính sách thì mới có thể đẩy nhanh quá trình phi carbon hóa ngành vận tải biển”, ông Panos Spiliotis, quản lý cấp cao về vận tải biển toàn cầu tại EU của Quỹ Bảo vệ Môi trường (EDF), nhấn mạnh.
Dự kiến, vòng đàm phán tiếp theo về nội dung này tại IMO sẽ diễn ra vào mùa thu năm nay.
Theo Tạp chí Kinh tế Việt Nam