Dưới sự lãnh đạo của Đảng, kinh tế đất nước đã không ngừng phát triển, Việt Nam là địa chỉ tin cậy thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đội ngũ doanh nhân trong nước phát triển mạnh mẽ… Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt trong lãnh đạo, đưa đất nước đạt được những thành tựu quan trọng.
Những định hướng lớn, quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước
Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới thường niên lần thứ 14 (World Economic League Table) của Trung tâm tư vấn CEBR (Anh) vừa công bố đánh giá Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 34 với quy mô GDP 434 tỉ USD. Vị trí này dự kiến có thể tăng nhanh, đạt thứ 24 vào năm 2033.
Những thành tựu kinh tế Việt Nam đạt được ngày hôm nay có dấu ấn rất sâu đậm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 13 năm trên cương vị lãnh đạo cao nhất của đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại những định hướng lớn, quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước.
Tổng Bí thư là người thay mặt Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương trực tiếp ký 3 nghị quyết lớn về kinh tế: Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Cả 3 nghị quyết quan trọng này đã đi vào cuộc sống và giúp gặt hái được rất nhiều thành tựu, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; vừa phát huy được sức mạnh nội lực, giá trị văn hóa, tiềm năng con người Việt Nam, vừa đón đầu thời cơ, tận dụng ngoại lực để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Việt Nam đã thu hút các công ty sản xuất nước ngoài bằng các biện pháp như tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Những chính sách lớn nêu trên đã trở thành những động lực giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng, trong đó có vai trò quan trọng của người đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhấn mạnh đội ngũ doanh nhân là nhân tố thúc đẩy sự phát triển
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Trung ương ký ban hành nghị quyết 10-NQ/TW ngày 3.6.2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…, xác định: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng đóng góp trong GDP”.
Theo đó, Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2030 hình thành đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đến năm 2045, hình thành được đội ngũ doanh nhân có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng được mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế và uy tín khu vực quốc tế…
Tại Nghị quyết 41/NQ-TU, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đảng cũng xác định phát huy sức mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để DN phát triển và cống hiến là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và đội ngũ doanh nhân gắn với quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Tại Nghị quyết 41, lần đầu tiên đội ngũ doanh nhân được khẳng định có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng – an ninh…
Đánh giá về dấu ấn của Tổng Bí thư với việc phát triển đội ngũ doanh nhân, DN để phát triển kinh tế đất nước, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh: Giải pháp “bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế…” cho thấy tầm nhìn của Tổng Bí thư và Bộ Chính trị đã thấu suốt yêu cầu thực tế và nguyện vọng của các doanh nhân, DN.
Nhờ những định hướng quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước đã giúp khu vực kinh tế tư nhân có những bước phát triển, tính đến hết năm 2023, cả nước có hơn 800.000 DN đang hoạt động với khoảng 7 triệu doanh nhân. Khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp gần 45% vào GDP cả nước, 1/3 thu ngân sách Nhà nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho 85% số lao động cả nước.
Việt Nam đã nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới
Theo bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (GSO), trong 10 năm qua quy mô nền kinh tế đất nước phát triển mạnh mẽ, Việt Nam đã nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, GDP tăng 6,42%. Trong đó, Khu vực công nghiệp và xây dựng phục hồi tích cực, đặc biệt là ngành công nghiệp chủ lực chế biến, chế tạo; khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ vẫn duy trì ổn định. Đầu tư công (ĐTC) tiếp tục được quan tâm và đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân, thúc đẩy, thu hút vốn FDI tăng trưởng tốt, giúp tăng năng lực, mở rộng sản xuất trong nước, tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động… đồng thời tạo nền tảng về kết cấu hạ tầng để phục vụ phát triển nhanh và bền vững trong dài hạn.
Chị Trần Thị Hồng Thắm – Giám đốc Công ty Muối Nanosalt (Quỳnh Lưu, Nghệ An) – chia sẻ với Lao Động: “Trong Nghị quyết 41-NQ/TW về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới và Nghị quyết số 10-NQ/TW tạo động lực phát triển kinh tế tư nhân, Tổng Bí thư đã đề cập rất sâu sát. Việc tạo các cơ chế chính sách mở nhằm phát huy sự đổi mới sáng tạo, khuyến khích các sáng kiến trong sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển là điều Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn căn dặn, đặc biệt với thế hệ trẻ như chúng tôi”.
Tâm đắc với câu nói của Tổng Bí thư “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa”, chị Thắm lựa chọn con đường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên sản phẩm muối truyền thống của quê hương, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới để tạo ra sự đa dạng trong một sản phẩm nông nghiệp truyền thống, mang lại lợi ích cho bà con diêm dân và tác động tích cực đến môi trường.
Theo Báo Lao động