Thâm hụt thương mại ngày càng nới rộng của Ấn Độ gây sự chú ý trở lại với một chương trình của chính phủ nhằm kêu gọi người dân gửi những món đồ trang sức bằng vàng của họ vào ngân hàng để hưởng lãi suất. Chương trình này đang gặp bế tắc chủ yếu vì người dân không muốn trang sức của họ bị nấu chảy sau khi gửi vào ngân hàng để bán ra lại thị trường.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và chính phủ của ông đã cố gắng thuyết phục những người dân chuộng vàng, đang sở hữu khối lượng vàng tư nhân lớn nhất trên thế giới, gửi những món trang sức của họ vào ngân hàng và kiếm lãi.

Kế hoạch có từ bảy năm trước nhưng thất bại hoàn toàn vì chỉ thu hút được khoảng 25 tấn trong số 25.000 tấn mà các hộ gia đình và đền thờ ở quốc gia Nam Á đang nắm giữ, theo ước tính của Hội đồng Vàng thế giới (WGC).

Nhưng bây giờ, động lực cho kế hoạch này nhận được mối quan tâm mới khi đồng rupee lao dốc và thâm hụt thương mại của Ấn Độ so với thế giới đã nới rộng lên gần mức cao kỷ lục trong tháng 7. Ấn Độ cần tìm cách hạn chế chi phí nhập khẩu vàng khổng lồ để giúp giảm thâm hụt thương mại bằng việc huy động vàng từ dân rồi sau đó nấu chảy kim loại quí này, đúc thành vàng miếng và bán lại trên thị trường trong nước.

Madhavi Arora, nhà kinh tế hàng đầu của Emkay Global Financial Services, nói: “Nếu bạn có thể tái chế vàng hiện có ở trong nước, thì sự phụ thuộc vào nhập khẩu vàng sẽ giảm xuống, giúp giảm áp lực lên thâm hụt tài khoản vãng lai. Và bạn có thể sử dụng vàng như một công cụ để huy động vốn”.

Sakshi Gupta, nhà kinh tế chính tại Ngân hàng HDFC, ngân hàng tư nhân lớn nhất Ấn Độ, cho rằng khi Ấn Độ nỗ lực giảm hóa đơn nhập khẩu, cho dù là vàng hay dầu thô, mọi điểm phần trăm suy giảm tại thời điểm này đều là rất quí”.

Chính phủ Ấn Độ đã cố gắng kiềm chế mua vàng vào tháng 7 bằng cách tăng thuế nhập khẩu vàng lên mức cao nhất trong lịch sử. Nhưng sự suy giảm giá vàng trên thị trường quốc tế đã bù đắp tác động tăng thuế. Điều này đã được thể hiện rõ ràng trong mùa lễ hội Ấn Độ hiện tại, thời điểm mà nhu cầu về vàng lên đến đỉnh điểm, đặc biệt là trong dịp lễ hội ánh sáng Diwali.

\"\"

Chương trình huy động vàng nhàn rỗi trong dân của Thủ tướng Modi, ban đầu được thiết lập vào năm 2015, cho phép mọi người gửi vàng của họ vào ngân hàng trong khoảng thời gian từ 1- 15 năm để hưởng mức lãi lên tới 2,5% trên giá trị của vàng và cam kết sẽ trả lại số vàng này hoặc tiền mặt tương đương vào cuối kỳ hạn. Sau đó, số vàng được huy động này sẽ được nấu chảy để đúc thành thỏi và bán lại. Trên lý thuyết, điều này sẽ giúp thúc đẩy nguồn cung vàng trong nước và cắt giảm mạnh lượng vàng nhập khẩu.

Thách thức đối với ông Modi là vàng là một trang sức mang ý nghĩa tinh thần lớn đối với người Ấn Độ. Trang sức vàng đóng một vai trò quan trọng trong đám cưới và lễ hội, với vòng tay, nhẫn, vòng cổ và hoa tai bằng vàng thường được lưu truyền qua các thế hệ. Một trong những hạn chế lớn của chương trình huy động vàng là vàng trang sức của người dân sẽ được nấu chảy để kiểm tra độ tinh khiết trước khi được bán lại. Điều này này có nghĩa là những người gửi vàng sẽ không bao giờ có thể lấy lại những món trang sức thừa kế mà họ hết sức yêu quý.

Đó là lúc chính phủ cần đến vàng từ các đền thờ. Các tổ chức tôn giáo, được quản lý bởi các quỹ tín thác được luật pháp trao quyền để hoạt động thay mặt cho một vị thần, đóng một vai trò quan trọng trong mối quan hệ của người Ấn Độ với vàng. Những người sùng đạo thường hiến tặng vàng cho các vị thần của họ để bày tỏ lòng biết ơn trong những dịp đặc biệt. Vì vậy, họ đã góp cho các ngôi đền một kho báu khổng lồ. Các quỹ tín thác này ước tính đang nắm giữ tổng cộng khoảng 4.000 tấn vàng, tương đương với khối lượng vàng đang nằm trong kho lưu trữ vàng của Bộ Tài chính Mỹ gần căn cứ quân sự Fort Knox ở bang Kentucky.

Theo Ashish Pethe, Chủ tịch Hội đồng đá quý và trang sức toàn Ấn Độ, quỹ tín thác của các ngôi đền là rất quan trọng đối với kế hoạch giảm thâm hụt thương mại và chính phủ nên làm việc với họ.

Ông nói: “Có ít nhất 10-15 quỹ tín thác nắm giữ một lượng vàng lớn, vì vậy, nếu rút được một số lượng vàng ra khỏi họ thì điều này sẽ tạo ra một sự hỗ trợ rất lớn để thu hẹp thâm hụt thương mại”.

Cho đến nay, các ngôi đền đang gửi ở các ngân hàng tổng cộng khoảng 200-500 kg vàng. Con số đó quá nhỏ để tạo ra hiệu quả cho chương trình giảm thâm hụt thương mại, theo James Jose, Giám đốc điều hành Công ty tinh luyện vàng CGR Metalloys của Ấn Độ.

Surendra Mehta, Thư ký quốc gia của Hiệp hội các nhà kinh doanh vàng bạc và trang sức Ấn Độ, cho biết rất khó để thuyết phục tất cả những người quản lý các ngôi đền cho phép nấu chảy vàng gửi ở ngân hàng vì điều này có nguy cơ làm các tín đồ tức giận.

Hầu hết người Ấn Độ, như Aditi Das, một nhà nghiên cứu 32 tuổi, sẵn sàng trả tiền để nhờ ngân hàng giữ hộ trang sức vàng của họ trong tủ khóa an toàn hơn là kiếm lãi bằng cách gửi chúng vào cùng một ngân hàng theo chương trình của chính phủ. Aditi Das, người vừa mới kết hôn, cho biết kế hoạch của chính phủ không hấp dẫn vì sẽ làm mất đi “giá trị nhiều thế hệ” của trang sức vàng.

Cô nói: “Hầu hết vàng của tôi là đồ trang sức được thừa kế và có giá trị tình cảm và nghĩ đến việc chúng bị nấu chảy sau khi gửi vào ngân hàng không phải là điều dễ chịu. Ngay cả khi đó là một đồng tiền vàng hay một thỏi vàng, nó vẫn được mua vào những dịp đặc biệt, và do vậy, tôi sẽ không thoải mái giao nó cho một kế hoạch như vậy”.

Ashish Pethe cho biết một rào cản nữa là các thủ tục gửi vàng vào ngân hàng. Ông cho rằng thời hạn gửi vàng cần phải linh hoạt và không nên yêu cầu bằng chứng mua vàng đối với một ngưỡng số lượng vàng nhất định vì thường sẽ rất khó để mọi người chứng minh quyền sở hữu đối với những món trang sức được thừa kế.

Nhà kinh tế Madhavi Arora cho rằng chính phủ Ấn Độ đã thất bại với chương trình huy động vàng trong dân và một chương trình trái phiếu vàng liên quan, trong đó, cho phép nhà đầu tư mua trái phiếu của chính phủ được định giá theo giá trị vàng. Cho đến nay, cả hai chương trình chỉ chiếm chưa đến 2% mức tiêu thụ vàng hàng năm của Ấn Độ.

Nhưng thay vì loại bỏ chương trình này, chính phủ nên xem xét sửa đổi nó bằng cách miễn thuế và sự giám sát thuế đối với khoản gửi vàng từ 100 gram trở xuống. Bà nói: “Lượng vàng nhàn rỗi cần phải trở thành một phần của cơ chế huy động vốn chủ đạo. Đó là cách hiệu quả và duy nhất để tối ưu hóa lượng vàng hiện có trong dân”.

Theo Kinh tế Sài Gòn online (The Saigon Times)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top