nhat

 Trong quí 1-2021, Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, chứng kiến GDP suy giảm mạnh hơn dự báo của các nhà kinh tế, làm tăng nguy cơ suy thoái kép khi đất nước này vẫn đang chật vật chống chọi dịch bệnh Covid-19.

Kinh tế èo uột khi người tiêu dùng hạn chế chi tiêu

Theo dữ liệu của Văn phòng nội các Nhật Bản công bố hôm 18-5, trong quí 1, GDP của nước này suy giảm 1,3% so với quí trước đó, tương đương mức suy giảm dự phóng 5,1% tính theo cơ sở năm (annualized rate). Mức suy giảm này mạnh hơn mức suy giảm 4,5% theo dự báo của các nhà kinh tế, chấm dứt đà tăng trưởng hai con số trong hai quí trước đó.

Kinh tế Nhật Bản suy yếu khi các doanh nghiệp cắt giảm đầu tư, người tiêu dùng chi tiêu dè xẻn và chương trình kích thích du lịch của chính phủ bị dừng lại đột ngột do tình hình dịch bệnh Covid-19 căng thẳng. Trong quí 1, tiêu dùng nội địa giảm 1,4% vì người dân giảm mua sắm áo quần và ăn uống ở ngoài do các hạn chế của tình trạng khẩn cấp để chống dịch bệnh Covid-19.

Chi tiêu mua sắm tài sản cố định của khu vực tư nhân cũng suy giảm 1,4% khi các doanh nghiệp hạn chế mua sắm thiết bị máy móc và xe cộ. Nhờ đà phục hồi của nhu cầu toàn cầu đối với ô tô và hàng điện tử, xuất khẩu của Nhật Bản tăng trưởng 2,3% trong quí 1 nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,7% của quí trước đó.

Nhà kinh tế trưởng Yoshimasa Maruyama ở Công ty chứng khoán SMBC Nikko Securities cho rằng cơn khan hiếm chip toàn cầu khiến tăng trưởng xuất khẩu của Nhật Bản chậm lại, buộc các doanh nghiệp hạn chế chi tiêu đầu tư.
“Có những tin tức thậm chí xấu hơn nếu nhìn vào các dữ liệu chi tiết của GDP của quí 1, chẳng hạn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân bất ngờ giảm và lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng cao (do nhu cầu mua sắm yếu).

Điều này báo hiệu sự suy yếu trong ngành sản xuất, vốn được xem động lực thúc đẩy tăng trưởng hiếm hoi trong tình hình dịch bệnh”, nhà kinh tế Yuki Masujima của Bloomberg Economics, nói.

Sự suy giảm chi tiêu đầu tư ở khu vực tư nhân trong quí 1 báo hiệu các công ty Nhật Bản đang thận trọng hơn với triển vọng kinh doanh. Tuy vậy, sản lượng công nghiệp và xuất khẩu vẫn tăng trưởng nhờ đà phục hồi kinh tế toàn cầu và điều này sẽ cung cấp một điểm tựa cho nền kinh tế Nhật Bản.

\"\"

GDP Nhật Bản trong quí 1-202 suy giảm 1,3% so với quí trước đó, tương đương mức suy giảm dự phóng 5,1% tính theo cơ sở năm (annualized rate). Ảnh: Bloomberg

Rủi so suy thoái kép

Kết quả tăng trưởng kém hơn dự kiến khiến nền kinh tế Nhật Bản bị đặt vào tình thế dễ tổn thương hơn trong quí này khi chính phủ của Thủ tướng Yoshihide Suga xoay xở tìm giải pháp cân bằng hợp lý để có thể khống chế đà lây lan của virus SARS-CoV-2 nhưng hạn chế gây tổn thương cho nền kinh tế đồng thời duy trì các hoạt động chuẩn bị cho tổ chức Thế vận hội 2021 ở Tokyo vào tháng 7 tới.

Tuần trước, ông Suga đưa thêm 3 tỉnh vào tình trạng khẩn cấp, cho phép giới chức trách áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại và kinh doanh để kiểm soát đà lây lan của dịch bệnh Covid-19. Cho đến nay, tình trạng khẩn cấp đã được áp đặt ở 9 tỉnh, vốn đóng góp khoảng 50% GDP Nhật Bản,

Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life ước tính tình trạng khẩn cấp sẽ gây mất 57.000 việc làm và sẽ khiến GDP Nhật Bản bị tổn thất 1.000 tỉ yen (hơn 9 tỉ đô la) trong những tháng tới. “Nếu tình trạng khẩn cấp kéo dài, điều này chắc chắn sẽ tăng rủi ro suy thoái (kinh tế suy giảm trong 2 quí liên tiếp). Sức chi tiêu của người tiêu dùng là mảnh khuyết lớn nhất đối với nền kinh tế và rất khó để dự báo vì nó phụ thuộc rất lớn vào tình hình dịch bệnh”, nhà kinh tế Yoshiki Shinke ở Viện Nghiên cứu Dai-Ichi Life, nói

Nếu tình trạng khẩn cấp chưa được dỡ bỏ vào cuối tháng 5, nền kinh tế Nhật Bản có thể rơi vào suy thoái một lần nữa sau khi đã suy thoái vào nửa đầu năm ngoái. Nếu dịch bệnh Covid-19 không bị đẩy lùi, việc tổ chức Thế vận hội Tokyo sẽ bị đe dọa. Việc hủy tổ chức thế vận hội này sẽ giáng một đòn tổn thất nữa đối với nền kinh tế. Một cuộc khảo sát của báo Asahi Shimbun hôm 17-5 cho thấy hơn 80% người được hỏi phản đối tổ chức Thế vận hội Tokyo trong năm nay.

Nhà kinh tế Hiroaki Muto ở hãng bảo hiểm nhân thọ Sumitomo nhận định chính phủ Nhật Bản có thể phải bổ sung ngân sách nếu muốn thay đổi bức tranh của nền kinh tế. Ông dự báo chính phủ Nhật Bản có thể cần chi tiêu ngân sách thêm 20.000 tỉ yen (183 tỉ đô la). Năm ngoái, Nhật Bản đã phải tăng chi tiêu ngân sách thêm 70.000 tỉ yen để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó dịch bệnh Covid-19.

Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản, Yasutoshi Nishimura nói rằng Nhật Bản sẽ không hướng đến một đợt suy thoái nghiêm trọng như năm ngoái. Ông dự báo cơn bùng nổ chi tiêu của người tiêu dùng sẽ xuất hiện một khi dịch Covid-19 được khống chế nhờ chương trình tiêm vaccine tăng tốc.

Dịch bệnh Covid-19 ở Nhật Bản bắt đầu lắng dịu vào tháng 2-2021 nhưng tái trỗi dậy vào cuối tháng 3. Hôm 17-5, Nhật Bản có thêm 3.680 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, lần đâu tiên số ca nhiễm hàng ngày giảm về dưới mức 4.000 kể từ ngày 26-4.

Đà tăng của số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong những tháng gần đây cho thấy chính phủ Nhật Bản vẫn chưa tìm ra được giải pháp đúng đắn để cân bằng giữa chống dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế. Nhật Bản triển khai tiêm vaccine Covid-19 chậm chạp hơn nhiều so với các nước phương Tây như Mỹ và Anh. Cho đến nay, chỉ khoảng 3% dân số của Nhật Bản nhận được một liều tiêm vaccine Covid-19.

“Giải pháp tốt nhất cho kinh tế là phải tăng tốc tiêm vaccine Covid-19. Trong khi nhiều nước khác xem xét nới lỏng phong tỏa thì Nhật Bản chưa thể làm như vậy”, nhà kinh tế Yoshiki Shinke nói.

Theo Bloomberg, Reuters

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top