Hoạt động sản xuất tại các nhà máy châu Á sụt giảm trong tháng 10 do xung đột ở Trung Đông khiến giá dầu tăng cao, chi phí tăng và nhu cầu toàn cầu vẫn chịu áp lực.
Hầu hết các nước ở khu vực châu Á đều chứng kiến một loạt áp lực từ lạm phát chi phí, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm, theo chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất do S&P Global và ngân hàng Au Jibun Bank (Nhật Bản) công bố hôm 1-11. Trong khi đó, chỉ số PMI về hoạt động nhà máy ở Trung Quốc, do Caixin Insight Group khảo sát, bất ngờ sụt giảm, cho thấy đà phục hồi mong manh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Dữ liệu mới nhất là một dấu hiệu thất vọng khác đối với nền kinh tế toàn cầu. Châu Á, nơi sản xuất phần lớn hàng hóa trên thế giới ,chật vật tăng cường sản xuất trong năm nay trong bối cảnh nhu cầu không ổn định từ các thị trường lớn bao gồm Mỹ và châu Âu.
Chỉ số PMI ngành sản xuất của Nhật Bản và Hàn Quốc trong tháng 10 vẫn suy giảm ở mức lần lượt là 48,7 và 49,8 điểm, ít thay đổi so với tháng trước. Chỉ số này trên 50 điểm cho thấy hoạt động sản xuất đang mở rộng, và ngược lại, nếu dưới 50 điểm, báo hiệu sản xuất đang thu hẹp. Chỉ số PMI của Nhật Bản đã giảm tháng thứ 5 liên tiếp, còn đối với Hàn Quốc, đà suy giảm sản xuất đã kéo dài 16 tháng liên tục.
“Lạm phát chi phí tăng rất mạnh và mạnh nhất từ đầu năm đến nay trong bối cảnh giá nguyên liệu thô cao hơn, đặc biệt là giá liên quan đến dầu mỏ”, Usamah Bhatti, chuyên gia kinh tế của S&P Global Market Intelligence, nói. Ông lưu ý, các công ty sản xuất ở châu Á cũng đề cập đến tỷ giá hối đoái không thuận lợi khi đồng tiền của họ chịu áp lực suy giảm, dẫn đến chi phí đầu vào cao hơn.
Xung đột Israel- Hamas khiến giá dầu biến động mạnh trong tháng qua, ngay đúng lúc, các nhà máy ở châu Á chỉ mới bắt đầu tận hưởng lạm phát hạ nhiệt và biên lợi nhuận mở rộng. Giá dầu thô có thể tăng cao hơn nữa trong quí này nếu cuộc xung đột ở Trung Đông lan rộng. Lãi suất cao, hoặc thậm chí còn tăng cao hơn nữa, sẽ cản trở mọi kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất ở châu Á.
Hoạt động sản xuất ở hầu hết các nước Đông Nam Á, nơi thường dựa vào sức mạnh của thị trường nội địa để thúc đẩy tăng trưởng, suy giảm trong tháng 10. PMI ngành sản xuất của Việt Nam, Myanmar và Thái Lan xấu đi, trong khi PMI của Malaysia không thay đổi. Chỉ có Indonesia mở rộng sản xuất trong tháng 10 so với tháng trước, nhưng tốc độ mở rộng chậm hơn.
Đà phục hồi sản xuất chững lại cũng được thể hiện rõ ràng ở Trung Quốc, nơi cuộc khảo sát tư nhân của Caixin về PMI của ngành sản xuất đã giảm xuống 49,5 điểm trong tháng 10 từ mức 50,6 điểm của tháng trước.
“Các nhà sản xuất của Trung Quốc không lạc quan cao trong tháng 10. Nền kinh tế Trung Quốc đã có dấu hiệu chạm đáy nhưng nền tảng phục hồi chưa vững chắc. Nhu cầu yếu và vẫn còn nhiều bất ổn bên trong và bên ngoài, đồng thời kỳ vọng vẫn tương đối yếu”, Wang Zhe, nhà kinh tế cấp cao tại Caixin Insight Group, bình luận.
Zhe cũng lưu ý rằng tâm lý kinh doanh vẫn còn yếu, khi các nhà sản xuất ở Trung Quốc trở nên tiêu cực hơn trước triển vọng kinh tế Trung Quốc trong năm nay.
“Cuộc khảo sát sản xuất của Caixin tháng 10 đã đưa ra thông điệp rằng đà tăng trưởng của Trung Quốc đang yếu đi dù có sự hỗ trợ chính sách chủ động. Sự sụt giảm bất ngờ của chỉ số PMI làm tăng thêm mối lo ngại của chúng tôi về triển vọng của các công ty nhỏ, định hướng xuất khẩu, cũng như sức mạnh và độ bền của sự phục hồi ở phạm vi rộng hơn”, Chang Shu và Eric Zhu, hai nhà kinh tế của Bloomberg Economics, viết trong một báo cáo.
Hồi giữa tháng 10, Trung Quốc báo cáo GDP tăng trưởng 4,9% trong quí 3, làm dấy lên hy vọng nền kinh tế đang lấy lại xung lực phục hồi.
Robert Carnell, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của ngân hàng ING, nhận xét số liệu PMI ngành sản xuất mới nhất của Trung Quốc như một “cú sốc nhẹ” và cho rằng kinh tế Trung Quốc vẫn đang gặp khó khăn bất chấp số liệu GDP cải thiện.
Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cho thấy điều tồi tệ nhất có thể đã qua đối với một số nền kinh tế trong khu vực. Chỉ số PMI ngành sản xuất của Đài Loan, giảm liên tục trong hơn một năm qua, đạt 47,6 điểm trong tháng 10, cao nhất trong bảy tháng. Dữ liệu này báo hiệu đà suy giảm hoạt động của nền kinh tế Đài Loan đã trở nên ít nghiêm trọng hơn.
Trong khi đó, Hàn Quốc báo cáo xuất khẩu tăng 5,1% trong tháng 10 so với một năm trước đó, đánh dấu mức tăng đầu tiên kể từ cuối năm ngoái. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy nhu cầu toàn cầu phục hồi phần nào.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo sự phục hồi yếu ớt của Trung Quốc và nguy cơ khủng hoảng bất động sản ở nước này kéo dài có thể ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của châu Á.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới, công bố tháng trước, IMF cắt giảm ước tính tăng trưởng năm tới của châu Á xuống 4,2% từ mức 4,4% dự kiến hồi tháng 4 và giảm so với mức dự báo 4,6% cho năm nay.
Theo Bloomberg, Reuters, Financial Times