PHẦN 1: TIN HOẠT ĐỘNG IEIT
Khai giảng: “Lớp bồi dưỡng năng lực và kỹ năng quản lý cho cán bộ nhà máy Z127” tại Thái Nguyên
Trong khuôn khổ chuỗi chương trình đào tạo cho đội ngũ quản lý cấp trung và tư vấn Kaizen – 5S, ngày 16/09/2020 vừa qua, Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế đã tham dự lễ khai giảng: “Lớp bồi dưỡng năng lực và kỹ năng quản lý cho cán bộ nhà máy Z127” và có buổi làm việc đầu tiên tại nhà máy Z127 – trực thuộc Tổng Cục công nghiệp Quốc phòng – tại Thái Nguyên.
Dựa trên cơ sở nắm bắt tình hình, nhu cầu thực tế của đơn vị, các nội dung được TS. Nguyễn Văn Minh chia sẻ trong khoá học được xây dựng với triết lý tinh gọn, thiết thực, tập trung vào giải quyết các tồn tại, những vấn đề thách thức mà hiện nay Z127 đang phái đối mặt trong tiến trình triển khai các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của đơn vị, vừa đảm bảo quốc phòng an ninh vừa thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội theo xu hướng, yêu cầu của thị trường.
Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế hy vọng có thể cùng các đồng chí, các cán bộ tại nhà máy Z127 hoàn thành xuất sắc khoá học và nhanh chóng áp dụng được những kiến thức đã được truyền tải trong khóa học bồi dưỡng vào thực tế triển khai công việc tại nhà máy.
(Dưới đây là một số hình ảnh từ Lớp bồi dưỡng năng lực và kỹ năng quản lý cho cán bộ nhà máy Z127)
Khai giảng chương trình đào tạo: “Giám đốc nhân sự – CHRO”- Khóa 1
Một doanh nghiệp không thể xây dựng đội ngũ thực thi công việc tốt với những nhân sự chuyên nghiệp, hiệu quả nếu thiếu trong mình một bộ phận quản lý nhân lực chuyên nghiệp.
Bộ phận nhân sự trong doanh nghiệp có vai trò to lớn trong các hoạt động then chốt của doanh nghiệp như tuyển dụng, đào tạo, đánh giá hiệu quả, thúc đẩy nhân viên, truyền thông nội bộ, an toàn lao động, và nhiều hơn nữa. Do đó, tổ chức bộ phận nhân sự là một hoạt động quan trọng đối với người làm nhân sự nói chung và đặc biệt là Giám đốc nhân sự nói riêng.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn cũng như từ đặt hàng của cộng đồng doanh nhân iEIT, Viện Kinh tế và Thương mại Quốc tế (iEIT) đã xây dựng nội dung giảng dậy Chương trình đào tạo “Giám đốc nhân sự – CHRO”. Ngày 15/09/2020 vừa qua, iEIT đã tổ chức khai giảng và triển khai đào tạo khoá đầu tiên của chương trình CHRO cho đội ngũ cán bộ, chuyên viên chuyên trách mảng nhân sự của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội và khu vực lân cận.
Lịch học của khóa CHRO được sắp xếp vào các tối thứ 3,5 và 7 hàng tuần; đồng hành với các học viên là giảng viên: TS. Dương Thị Hoài Nhung – cô là giảng viên với trên 10 năm kinh nghiệm nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực Quản trị nhân sự của Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngoại thương. Ban tổ chức lớp học hy vọng có thể cung cấp thêm những nội dung, kiến thức mới, có tính ứng dụng thực tiễn cao cho nhóm nhân sự mong muốn phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực quản trị nhân sự chuyên sâu và trình độ cao.
(Dưới đây là một số hình ảnh buổi đào tạo chương trình CHRO – Khóa 1)
Khai giảng chương trình đào tạo: “Giám đốc điều hành – CEO” – Khóa 5
“Trong cuộc sống, đôi khi bạn phải can đảm để tạo ra những sự khác biệt. Nếu bạn thực sự tin tưởng vào quyết định của mình, hãy mạnh mẽ bảo vệ những gì bạn cho là đúng. Bởi một nhà lãnh đạo giỏi là người có tầm nhìn, dám suy nghĩ, dám làm và chấp nhận mạo hiểm khi kinh doanh” – Indra Nooyi – CEO của PepsiCo. Vì vậy, để có những quyết định thực sự tin tưởng thì chắc hẳn bạn cần có kiến thức nền tảng dù căn bản và đơn giản nhất. Đặc biệt, trong một Thế giới đang thay đổi nhanh chóng như hiện nay, cập nhật kiến thức là điều chắc chắn mà các CEO cần bổ sung mỗi ngày.
Thấu hiểu được nhu cầu tìm kiếm tri thức của học viên, tiếp nối những thành công bước đầu của các khóa học trước, ngày 12/09 vừa qua, Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế tiếp tục khai giảng khoá 5 chương trình đào tạo “Giám đốc điều hành – CEO” dành cho các anh/chị học viên hiện đang là cán bộ quản lý tại doanh nghiệp, mong muốn hoàn thiện bản thân cũng như các kỹ năng quản trị điều hành chuyên nghiệp.
Với thời lượng được thiết kế chắt lọc với 25 buổi học, khoá học kỳ vọng có thể giúp đóng góp một phần nhỏ bé trong tiến trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đủ TÂM và TẦM cho các doanh nghiệp Việt, góp phần chung vào sự phát triển của nền kinh tế nước nhà trong bối cảnh mới hiện nay.
(Dưới đây là một số hình ảnh buổi đào tạo chương trình CEO – Khóa 5)
Khai giảng chương trình đào tạo: “Ứng dụng BSC KPI trong quản trị doanh nghiệp”
– Khóa 42
Sáng 25/09/2020, Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế (iEIT) đã tổ chức khai giảng khóa 42 chương trình đào tạo: “Ứng dụng BSC KPI trong quản trị doanh nghiệp”.
Từ lâu, Balanced Scorecard (còn gọi là “Thẻ điểm cân bằng”, viết tắt là BSC) và Key Performance Indicators (còn gọi là “Chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động”, viết tắt là KPI) đã được biết đến như là phương pháp và công cụ quản trị hữu hiệu nhất cho doanh nghiệp trong việc hoạch định, triển khai chiến lược và quản trị kết quả công việc. Hơn 80% tập đoàn trong Top Fortune 500 đã áp dụng BSC, và không chỉ vậy, BSC còn được áp dụng rộng rãi bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức phi lợi nhuận trên khắp thế giới.
Với kinh nghiệm gần 10 năm là đơn vị tổ chức các chương trình đào tạo, tư vấn chuyên sâu cũng như bề dày triển khai thành công ứng dụng BSC & KPI cho nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam. Viện iEIT hiện được biết đến là một trong những đơn vị hàng đầu trong hoạt động đào tạo, tư vấn và hỗ trợ triển khai về mảng nội dung trên với các doanh nghiệp Việt Nam.
Khóa 42 của chương trình đào tạo có sự có sự tham gia giảng dạy của TS. Nguyễn Văn Minh – Viện trưởng Viện iEIT và Th.s Nguyễn Tuân – Giám đốc trung tâm đào tạo và tư vấn doanh nghiệp trực thuộc iEIT, đồng hành cùng gần 15 học viên đến từ các doanh nghiệp lớn nhỏ.
(Dưới đây là một số hình ảnh buổi đào tạo chương trình BSC KPI – Khóa 42)
TS. Nguyễn Văn Minh – Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế trả lời phỏng vấn Báo điện tử Đại biểu nhân dân
Trong tháng 9, TS. Nguyễn Văn Minh – Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại Quốc tế (iEIT) nhận lời mời trả lời phỏng vấn Báo điện tử Đại biểu nhân dân về tác động của đại dịch Covid – 19 tới sự “phân hóa” giữa các doanh nghiệp. Ông nêu rõ trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp Việt có sự phân hóa rõ ràng thành 4 nhóm doanh nghiệp, đồng thời ông cũng đưa ra 4 mô hình phục hồi của các nhóm doanh nghiệp khi dịch bệnh được kiểm soát. Ông cho rằng các doanh nghiệp muốn vượt qua khủng hoảng, chỉ có thể dựa vào các yếu tố nội lực, tự lực tự cường, sản xuất tại Việt Nam, có như vậy thì các doanh nghiệp mới có thể tận dụng được cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do và tăng năng lực cạnh tranh.
Dưới đây là toàn bộ nội dung bài phỏng vấn trên Báo điện tử Đại biểu nhân dân của TS. Nguyễn Văn Minh do phóng viên Thảo Anh thực hiện.
DOANH NGHIỆP CHỈ CÓ THỂ DỰA VÀO NỘI LỰC
Dịch Covid- 19 lần thứ 2 một lần nữa gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến mọi mặt của nền kinh tế mà trước đó chưa hồi phục được bao lâu. Theo Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế (IEIT) NGUYỄN VĂN MINH, sự tác động của Covid- 19 đã khắc sâu hơn sự “phân hóa” giữa các doanh nghiệp, chia các doanh nghiệp theo nhiều nhóm, từ đó có những mô hình phục hồi khác nhau khi dịch có thể kiểm soát. Vì vậy, các doanh nghiệp muốn vượt qua khủng hoảng, chỉ có thể dựa vào các yếu tố nội lực.
Covid- 19 khắc sâu sự “phân hóa” giữa các doanh nghiệp
PV: Ông đánh giá như thế nào về tác động của đợt dịch Covid- 19 lần thứ 2 đến các doanh nghiệp?
– Việt Nam là một trong những nước cân bằng được giữa việc chống dịch Covid- 19 và giữ ổn định kinh tế. Nếu như Covid- 19 lần thứ nhất hồi đầu năm, Chính phủ thực hiện giãn cách xã hội ở phạm vi rộng, thì đến giai đoạn 2 với kinh nghiệm đã có từ trước, chỉ giãn cách cục bộ từng địa phương. Điều này cũng nhằm hạn chế tối đa sự ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của nền kinh tế.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy cho đến thời điểm hiện nay, số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động có thời hạn so với cùng kỳ 2019 tăng lên 38%, và có đến hơn 74.000 doanh nghiệp tuyên bố phá sản. Ngân sách nhà nước vượt chi khoảng 70 nghìn tỷ đồng. Những ngành bị tác động nhiều nhất bởi Covid- 19 gồm có dệt may, da giày, sản xuất sản phẩm gỗ, du lịch, vận tải, kho bãi, bán lẻ, kinh doanh bất động sản (mặt bằng thương mại, văn phòng cho thuê, khách sạn, căn hộ) …
Covid- 19 ảnh hưởng đến các doanh nghiệp về tất cả các mặt như doanh thu, lợi nhuận, dòng tiền, hệ thống khách hàng, hệ thống nhà cung cấp, hoạt động sản xuất – kinh doanh. Cụ thể, doanh thu suy giảm do cầu suy giảm, do đại lý, cửa hàng đóng cửa, không triển khai được hoạt động kinh doanh. Tốc độ suy giảm doanh thu nhanh hơn nhiều so với tốc độ suy giảm của các chi phí cố định. Dòng tiền bị suy giảm do công nợ và nợ xấu không thu hồi được. Hệ thống khách hàng chủ yếu đi vào trạng thái “ngủ”, chờ đợi, hoặc do giãn cách mà các doanh nghiệp lại không có biện pháp thay thế giúp duy trì mối quan hệ với khách hàng.
Bên cạnh đó, hành vi tiêu dùng thay đổi do khách hàng có xu hướng tích trữ, tiết kiệm, cắt bỏ những khoản không cần thiết mà chỉ chủ yếu mua hàng hóa thiết yếu. Hệ thống các nhà cung cấp bị đứt gãy, thiếu nguồn sản xuất đầu vào, thiếu linh phụ kiện làm ra sản phẩm, thậm chí làm ra được nhưng lại không có bao bì, đóng gói dẫn đến không có sản phẩm hoàn chỉnh. Hoạt động sản xuất – kinh doanh mất cân bằng, tồn kho do hàng hóa không tiêu thụ được, ùn ứ không có chỗ chứa.
Đối với những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không liên quan đến tiếp xúc con người, chỉ liên quan đến cung cầu thị trường thì mức độ suy giảm thấp. Những doanh nghiệp dịch vụ liên quan đến tương tác nhiều với con người thì mức độ suy giảm sẽ cao hơn rất nhiều. Dịch Covid- 19 cũng làm sự phân hóa giữa các doanh nghiệp diễn ra rõ ràng.
PV: Ông có thể nói rõ hơn về sự phân hóa này?
-Doanh nghiệp Việt Nam thành 4 nhóm trong tình hình Covid- 19 hiện nay. Nhóm 1, là những doanh nghiệp đã phá sản. Có nhiều doanh nghiệp giãn cách ở đợt 1, thì đến tháng 4 đã phá sản rồi. Có những doanh nghiệp tốt hơn, nhưng đến giai đoạn 2 này thì cũng bắt đầu phá sản. Bởi vì những doanh nghiệp này có những “bệnh nền” nên sức chống chịu yếu.
Nhóm 2, là những doanh nghiệp “nằm im chờ đợi”, tức là có nguồn lực dự trữ nhưng không hoạt động, bởi vì hoạt động không hiệu quả và không có điều kiện để hoạt động. Ví dụ như nằm trong địa bàn bị phong tỏa do dịch, có công nhân, cán bộ nhiễm Covid- 19…
Nhóm 3, là những doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động, có sức chống chịu, có thể không có tăng trưởng hoặc tăng trưởng chỉ từ 1- 3%. Mức độ tăng trưởng của doanh nghiệp trong nhóm này tương đương mức độ tăng trưởng GDP quốc gia hoặc cao hơn 1-2 lần, từ 3-5%.
Nhóm 4, là những doanh nghiệp tăng trưởng tốt, bao gồm những doanh nghiệp ngành nghề được ưu tiên và có lợi thế trong dịch Covid- 19 như nhóm ngành nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế hay thương mại điện tử… Những doanh nghiệp này có khả năng bứt phá, tăng trưởng trên 10%.
4 mô hình phục hồi cho doanh nghiệp
PV: Ông có thể dự báo thời gian tới, doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn nào, thưa ông?
-Thứ nhất, nền kinh tế đang thấm dần ảnh hưởng của Covid- 19 vì chưa có vaccine rộng rãi, chưa có miễn dịch cộng đồng. Covid- 19 với từng đợt sóng sẽ tạo ra sự bất ổn, suy giảm tính tích cực của hoạt động kinh tế, tính thanh khoản ngày càng khó khăn. Trong quý III.2020, đặc biệt là từ tháng 9 cho đến tháng 11 sẽ là khoảng thời gian “thấm đòn” dịch Covid- 19 đến nền kinh tế, khiến cho các doanh nghiệp ở nhóm 2, nhóm 3 càng trở nên khó khăn hơn.
Thứ 2, doanh nghiệp phải đối mặt với sự đứt gãy chuỗi sản xuất kinh doanh, khó phục hồi hoặc phục hồi rất chậm. Hai sự đứt gãy ảnh hưởng lớn nhất đó chính là đứt gãy từ phía nhà cung cấp và gãy từ phía thị trường.
Thứ 3, dấu hiệu lạm sẽ phát xuất hiện, áp lực lạm phát ngày càng gia tăng vì các ngân hàng quốc gia của các nước để cứu nền kinh tế thì sẽ “bơm” rất nhiều tiền ra thị trường thông qua các gói kích cầu. Ở Việt Nam các gói kích cầu kinh tế của Chính phủ cũng tạo ra áp lực lạm phát, bên cạnh sự suy kiệt nguồn lực cầu cũng như hành vi tiêu dùng của người dân thay đổi.
Về tổng thể, đến đầu năm 2021 kinh tế sẽ có sự phục hồi, nhưng chỉ ở mức cục bộ hoặc diện rộng tùy cách thức con người ứng xử với nó. Các nước trong đó có Việt Nam phải học cách sống chung với Coivid- 19, cố gắng giải tốt bài toán cân bằng giữa chống dịch và phát triển kinh tế. Tình hình này ít nhất sẽ kéo dài đến hết nửa năm 2021, khi mà vaccine Covid- 19 chưa phổ biến rộng rãi.
PV: Ông có thể chỉ ra các mô hình phục hồi của doanh nghiệp khi kiểm soát được Covid- 19?
– Có 4 mô hình phục hồi. Mô hình chữ V – bứt phá nhanh. Mô hình này phù hợp với lĩnh vực có dung lượng thị trường lớn, doanh nghiệp có sức chống chịu và thích nghi tốt, chịu được lực nén của lò xo Covid- 19, sau dịch sẽ bật lên rất nhanh. Mô hình chữ U – lấy đà và bứt phá. Đây là mô hình mà đại đa số doanh nghiệp đang kỳ vọng. Mô hình chữ L – tắt dần và chìm. Mô hình này gắn liền với những doanh nghiệp có chủ trương nằm im chờ đợi, và sau đó không thấy vực dậy được nữa. Mô hình chữ W – bất ổn. Đây là một mô hình tương đối thực tế, hiện hữu thường xảy ra, vì làn sóng Covid- 19 có thể lặp đi lặp lại nhiều lần.
Như vậy, có thể thấy rằng, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ hồi phục theo mô hình chữ V. Đơn cử như trong lĩnh vực dệt may, không phải doanh nghiệp nào chuyển sang may khẩu trang đều thành công, chỉ những doanh nghiệp sản xuất khẩu trang đạt chuẩn quốc tế, có thể xuất khẩu thì mới phát triển.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng không nên vội vàng chuyển trạng thái sớm mà nên tập trung củng cố lĩnh vực cốt lõi của mình. Muốn hồi phục nhanh, doanh nghiệp phải thực sự “khoẻ”, tức là trước hết không để bệnh dịch lây nhiễm trong doanh nghiệp. Sau đó mới chú trọng vào chuỗi cung ứng, dòng tiền, sản phẩm mới, đặc biệt là quan tâm, duy trì mối quan hệ với khách hàng và đối tác.
PV: Doanh nghiệp và Chính phủ cần làm gì trong thời gian tới, thưa ông?
– Hiện đã có nhiều đề xuất với Chính phủ để triển khai gói hỗ trợ lần thứ 2 cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong bối cảnh hiện nay, việc có thêm một gói hỗ trợ là cần thiết. Tuy nhiên, lần này phải rút được kinh nghiệm, đánh giá nghiêm túc hiệu quả của gói hỗ trợ lần thứ nhất, và tại sao số lượng giải ngân chưa đạt, còn chậm. Với gói hỗ trợ mới lần này sẽ phải đúng địa chỉ, đúng đối tượng, tạo ra được những giá trị, tác động thực tế. Đặc biệt, giảm thiểu gánh nặng tài chính, giảm phát sinh nợ xấu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể – một trong những nền tảng tạo ra sức bền cho nền kinh tế. Từ đó sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp học cách thích nghi với “bình thường mới”.
Về điều kiện để nhận được các gói hỗ trợ, nên giảm thiểu các thủ tục để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được. Cụ thể như tiếp tục kéo dài, chậm nộp bảo hiểm xã hội; giãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp…, thời gian giãn thuế có thể kéo dài trong 24 tháng để cho doanh nghiệp có thể “hồi sức”. Bên cạnh đó cũng nên tạm thời dừng các hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, phải tận dụng mọi cơ hội để cải thiện doanh thu. Phân tích tỉ mỉ cơ cấu chi phí, tính toán mức tiền mặt tối thiểu để duy trì hoạt động. Giữ nguồn lực lõi, tái cấu trúc, tiết kiệm nhưng vẫn phải chi để nuôi dưỡng nguồn lực phát triển. Cắt giảm, tối ưu hóa các khoản chi thường xuyên không cần thiết. Doanh nghiệp dù phải cắt giảm chi phí như chi phí lương nhưng không để chảy máu chất xám hay mất nguồn lực chủ chốt.
Đối với dòng tiền, phải tiến hành thu hồi công nợ, sử dụng quỹ dự phòng và tận dụng tối đa hỗ trợ tài chính, đặc biệt là các hỗ trợ tài chính và tài khóa của Chính phủ. Về phía nhà cung cấp, phải làm đồng thời một số việc như hỗ trợ nhà cung cấp trong giao nhận hàng, phối hợp với họ để khơi thông chuỗi cung ứng. Đánh giá lại tổ chức hệ thống quản trị, phân loại nguồn nhân lực, xác định đâu là nguồn nhân lực lõi, đâu là nguồn nhân lực cần thu hút. Các doanh nghiệp cũng nên tìm ra các thị trường ngách thay vì chỉ chú tâm đến những thị trường lớn; nỗ lực hết sức trước khi điều chỉnh mục tiêu, không điều chỉnh mục tiêu quá nhiều hay điều chỉnh vội vàng. Như vậy, các doanh nghiệp muốn vượt qua khủng hoảng, chỉ có thể dựa vào các yếu tố nội lực, tự lực tự cường, sản xuất tại Việt Nam thì các doanh nghiệp mới có thể tận dụng được cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do và tăng năng lực cạnh tranh.
PV: Xin cảm ơn ông!
PHẦN 2: TIN TỪ ĐỐI TÁC, BẠN BÈ CỦA IEIT
Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông lọt top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2020
Tại Lễ công bố trực tuyến FAST500 do Vietnam Report và Báo điện tử VietNamNet tổ chức ngày 15/09/2020, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông vinh dự nằm trong Bảng xếp hạng TOP500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam 2020.
Đây là niềm vinh dự và tự hào rất lớn cho mỗi cán bộ công nhân viên Rạng Đông, nhất là trong điều kiện đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của nền kinh tế khiến hàng nghìn doanh nghiệp bị phá sản.
Được thành lập từ năm 1961, đến nay, Rạng Đông đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về phát triển hệ sinh thái Led 4.0 Xanh – Thông minh – Vì sức khỏe hạnh phúc con người; và về các giải pháp chiếu sáng nông nghiệp công nghệ cao. Công ty chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tiến hành chuyển đổi số công ty, hiện thực hóa mục tiêu made in VietNam, sản phẩm của Việt Nam được sản xuất trên dây chuyền do Rạng Đông nghiên cứu, thiết kế chế tạo.
Nguồn: rangdong.com.vn
Khởi công Khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ Becamex VSIP Bình Định
Ngày 27/9 tại Bình Định, Công ty cổ phần Becamex Bình Định chính thức khởi công Khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ Becamex VSIP Bình Định. Tới dự lễ khởi công có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.
Khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ Becamex VSIP Bình Định tọa lạc tại xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định. Quy hoạch tổng thể có diện tích 1.425 ha, thuộc phân khu 7 của khu kinh tế Nhơn Hội, trong đó bao gồm 1.000 ha khu công nghiệp do Becamex IDC và VSIP hợp tác phát triển và 425 ha khu dân cư, thương mại – dịch vụ, khu tái định cư.
Sau khi hoàn thành hạ tầng, dự án sẽ thu hút khoảng 2 tỷ USD đầu tư vào sản xuất công nghiệp, tạo việc làm cho 120.000-150.000 lao động. Dự án cũng được kỳ vọng góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh về kinh tế, phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho Bình Định, đóng góp ngân sách Nhà nước hơn 400 tỷ đồng mỗi năm.
Tại lễ khởi công, đơn vị chủ đầu tư đã ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) với một số nhà đầu tư tiềm năng. Các bản MOU này là sự đầu tư mở rộng của khách hàng trong nước và nước ngoài đã đầu tư thành công trong các khu công nghiệp của Becamex IDC và VSIP tại Việt Nam.
Nguồn: VGP NEWS
PHẦN 3: NHÂN VẬT THÁNG 9
Tháng 9, iEIT vinh dự được vinh danh anh Lê Quốc Văn – hiện đang giữ chức vụ Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên 27, học viên chương trình đào tạo “Giám đốc điều hành – CEO” khóa 4. Sau khi tham dự khóa học này, anh Lê Quốc Văn đã gửi tới iEIT những chia sẻ về cảm nhận của anh đối với khóa học, cũng như những thay đổi của anh khi áp dụng những kiến thức anh đã được học vào thực tiễn triển khai, điều hành Nhà máy Z127.
“Tôi bảo vệ luận án Tiến sỹ chuyên ngành kỹ thuật năm 2012. Từ đó tới trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà máy (vào tháng 6 năm 2020), tôi công tác ở cơ quan quản lý về Công nghiệp Quốc phòng với nhiệm vụ của chuyên viên liên quan tới chuyên ngành mà mình được đào tạo và là Thư ký giúp việc trực tiếp cho Thủ trưởng Tổng cục.
Trước khi được điều chuyển về Nhà máy Z127, lĩnh vực công tác của tôi về bản chất có liên quan trực tiếp tới quản lý sản xuất công nghiệp quốc phòng. Các kiến thức, kỹ năng quản lý đều được trau dồi qua công việc cụ thể hàng ngày, chưa được tổng hợp bài bản thành hệ thống. Do vậy, khi biết đến khóa học đào tạo cho Giám đốc điều hành – CEO tại Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế (iEIT), tôi đã nhanh chóng quyết định phải sắp xếp thời gian để tham gia khóa học này mặc dù công việc tại cơ quan mới đối với tôi hết sức mới lạ và bận rộn.
Sau khi trải qua 3 tháng của khoá học, tôi có một số cảm nhận sau:
Chương trình học được thiết kế hết sức ngắn gọn, súc tích; đội ngũ giảng viên đa phần là những thầy cô đã có kinh nghiệm quản lý thực tiễn tại các doanh nghiệp hết sức năng động và đang hoạt động hiệu quả. Giảng viên là những thầy cô có kiến thức sâu rộng về quản trị doanh nghiệp, phương pháp giảng dạy hấp dẫn. Do vậy, cá nhân tôi tự thấy rằng chỉ trong thời gian ngắn tôi đã thu lượm được một khối lượng kiến thức rất lớn về quản trị doanh nghiệp và tôi tin tưởng chắc chắn rằng những kiến thức này sẽ giúp tôi rất nhiều trong quá trình triển khai công việc tại đơn vị trong thời gian sắp tới.
Để chọn cho mình một module hay 1 thầy/cô ấn tượng nhất đối với tôi là một câu hỏi khó bởi mỗi module, mỗi một thầy cô đều rất quan trọng và có vai trò khác nhau. Tôi bị thuyết phục bởi kiến thức sâu, rộng của thầy Nguyễn Văn Minh qua các module thầy phụ trách giảng dạy; những điều mới mẻ, phá cách trong cách truyền đạt của thầy Nguyễn Hải Ninh; nội dung đầy hàm lượng khoa học lại được thầy Tùng truyền tải một cách rất dễ hiểu hay phong cách mềm mại nhưng cũng rất lại rất quyết liệt của cô Trương Thuỳ Trang…
Theo tôi, tất cả những điều tuyệt vời đó đều được hình thành và xuất phát từ nền tảng kiến thức vững vàng và tình yêu nghề của thầy cô, từ mong muốn được lan tỏa những giá trị tích cực, từ mong muốn được giúp các học viên trong lớp có được kiến thức tốt hơn để triển khai nhiệm vụ của mình hiệu quả hơn.
Cuối cùng, xin được chúc các thầy cô luôn mạnh khỏe, tràn đầy năng lượng để tiếp tục đồng hành cùng Viện, hỗ trợ được thêm nhiều học viên, nhiều doanh nghiệp; chúc các bạn cùng lớp phát huy tốt các kiến thức đã được truyền dạy qua khóa học.”
Chúng tôi xin cảm ơn những tình cảm đặc biệt chân thành mà anh Lê Quốc Văn đã dành cho các giảng viên tham gia giảng dậy nói riêng, và cho Chương trình CEO – Viện iEIT nói chung. iEIT rất vinh dự và tự hào khi có được cơ hội chào đón một học viên thực sự tích cực như anh Lê Quốc Văn trong chương trình đào tạo của Viện. Nhờ có những học viên như anh, Viện iEIT được tiếp thêm động lực để không ngừng nghiên cứu, hoàn thiện chương trình đào tạo, tích cực đưa những tri thức khoa học và kinh nghiệm thực tiễn của giảng viên tới học viên trong các khóa học tiếp theo mà Viện tổ chức. Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế xin được chúc anh Lê Quốc Văn thành công hơn nữa trên cương vị của mình.
PHẦN 4: THÁNG 10 – IEIT CÓ GÌ?
Kính gửi anh/chị và Quý doanh nghiệp,
Viện Kinh tế và Thương mại Quốc tế xin gửi anh/chị và Quý doanh nghiệp lịch hoạt động Tháng 10/2020 của chúng tôi.
Chúng tôi rất mong anh/chị và Quý doanh nghiệp tiếp tục ủng hộ các hoạt động của Viện trong thời gian sắp tới.
ƯU ĐÃI CHUNG DÀNH CHO CÁC KHÓA HỌC:
– Giảm 10% học phí đối với học viên mới và hoàn thành học phí trước 05 ngày khai giảng;
– Giảm 15% học phí đối với học viên cũ đã học 1 chương trình tại iEIT;
– Giảm 20% học phí đối với học viên cũ đã học 2 chương trình tại iEIT;
– Giảm 25% học phí đối với học viên cũ đã học 3 chương trình tại iEIT trở lên.
#Lưu_ý:
Chỉ áp dụng 1 hình thức ưu đãi cao nhất
Học viên cũ phải hoàn thành học phí trước 03 ngày khai giảng
Các chương trình sắp diễn ra:
- HUẤN LUYỆN CHUYÊN VIÊN PHÂN TÍCH DỮ LIỆU THEO CHUẨN QUỐC TẾ (17/10/2020)
➡Thông tin chi tiết tại đây: https://bit.ly/30EDjI3
- RÀ SOÁT VÀ TÁI CƠ CẤU TỔ CHỨC (23/10/2020)
➡Thông tin chi tiết tại đây: https://bit.ly/33kALk2
- ĐÀO TẠO THƯ KÝ – TRỢ LÝ GIÁM ĐỐC CHUYÊN NGHIỆP (24/10/2020)
➡Thông tin chi tiết tại đây: https://bit.ly/2QIbUza
- ỨNG DỤNG OKR TRONG QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP (30/10/2020)
➡Thông tin chi tiết tại đây: https://bit.ly/2HC3IPN
- NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ QUẢN LÝ CẤP TRUNG (31/10/2020)
➡Thông tin chi tiết tại đây: https://bit.ly/3n8PZjK
Hotline: 0909 111 485 (nhánh 1)
Website: ieit.vn
Viện Kinh tế và Thương mại Quốc tế xin chân thành cảm ơn!