Alibaba Cloud, xương sống công nghệ của tập đoàn Alibaba, đã giới thiệu hai trong số các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) của mình, khi muốn gia tăng ảnh hưởng trong lĩnh vực AI tổng quát…
Động thái này có thể khiến Alibaba đối đầu trực tiếp với gã khổng lồ công nghệ Mỹ, Meta. Trước đó, Meta đã ra mắt mô hình AI tương tự, đặt ra thách thức tiềm tàng cho OpenAI, công ty mẹ của ChatGPT.
Vào tháng 4, Alibaba đã ra mắt mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) có tên là Tongyi Qianwen. LLM là các thuật toán AI học sâu có thể nhận dạng, tóm tắt, dịch và tạo nội dung bằng các tập dữ liệu rất lớn. Công nghệ này được sử dụng để đào tạo các chatbot rất thông minh như ChatGPT của OpenAI.
LLM CỦA ALIBABA ĐƯỢC TRIỂN KHAI MIỄN PHÍ
Tongyi Qianwen cho phép tạo nội dung AI bằng tiếng Anh và tiếng Trung và có các kích thước mô hình khác nhau với hơn bảy tỷ tham số. Alibaba sẽ cung cấp nguồn mở cho mô hình có tên là Qwen-7B, cùng với một phiên bản được thiết kế cho các ứng dụng đàm thoại có tên là Qwen-7B-Chat. Qwen-7B-Chat là phiên bản tinh chỉnh của Qwen-7B có khả năng thực hiện các cuộc trò chuyện giống con người.
Điều này có nghĩa là các nhà nghiên cứu, học giả và công ty trên toàn cầu có thể sử dụng mô hình AI của Alibaba để tạo các ứng dụng AI tổng quát của riêng họ mà không cần đào tạo hệ thống. Việc này giúp người dùng tiết kiệm thời gian và chi phí hơn.
Các công ty có ít hơn 100 triệu người dùng hoạt động hàng tháng sẽ được phép triển khai miễn phí các mô hình nguồn mở cho mục đích thương mại, trong khi những công ty có nhiều người dùng hơn sẽ cần yêu cầu giấy phép từ Alibaba Cloud.
Mặc dù Alibaba có thể không kiếm được phí cấp phép từ việc cung cấp nguồn mở, nhưng việc phân phối sẽ giúp công ty tiếp cận được nhiều người dùng mô hình AI của họ hơn.
Alibaba cùng các đối tác ở phương Tây đã mở LLM của họ để sử dụng miễn phí. Ngoài ra, Llama 2, LLM nguồn mở thế hệ tiếp theo do Meta tạo ra, đã được thêm vào nền tảng ModelScope của Alibaba vào tháng trước, giúp các nhà phát triển ở Trung Quốc có thể truy cập được một cách dễ dàng.
ALIBABA NỖ LỰC PHÁT TRIỂN NGÀNH ĐIỆN TOÁN ĐÁM MÂY
Việc ra mắt hai mô hình AI nguồn mở xảy ra khi công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc đang tìm cách thúc đẩy bộ phận điện toán đám mây của mình thông qua các khoản đầu tư vào AI. Công ty cho biết điện toán đám mây là một lĩnh vực quan trọng trong tương lai, có thể mang lại lợi nhuận và tăng trưởng to lớn.
Công ty chia sẻ rằng LLM nguồn mở là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Alibaba nhằm “dân chủ hóa” công nghệ AI và cung cấp hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp LLM.
Zhou Jingren, giám đốc công nghệ của Alibaba Cloud Intelligence, cho biết: “Chúng tôi đặt mục tiêu thúc đẩy các công nghệ toàn diện và cho phép nhiều nhà phát triển cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ gặt hái những lợi ích của trí tuệ nhân tạo AI”.
Đầu năm nay, Meta đã cung cấp mô hình ngôn ngữ lớn Llama cho các nhà nghiên cứu và đang hợp tác với các công ty công nghệ khác để thúc đẩy việc áp dụng mô hình này. Tháng trước, Microsoft cho biết họ đang cung cấp Llama 2 của Meta trên dịch vụ điện toán đám mây Azure của mình .
Alibaba vẫn chưa công bố mối quan hệ hợp tác nào, nhưng nếu LLM của họ đạt được thành công trên thị trường, chúng có thể chứng tỏ sự hấp dẫn đối với các nhà cung cấp đám mây khi cung cấp dịch vụ này cho khách hàng. Cung cấp LLM tốt để phát triển ứng dụng AI là một lợi thế cạnh tranh tiềm năng cho những người chơi điện toán đám mây.
Alibaba Cloud, dự kiến sẽ tách khỏi công ty mẹ vào năm tới để trở thành một công ty niêm yết công khai. Tập đoàn cũng nỗ lực phát triển và thương mại hóa AI tổng quát trong bối cảnh ChatGPT gây bão trên toàn thế giới.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty công nghệ trong lĩnh vực AI khi chính quyền Bắc Kinh khuyến khích các công ty Trung Quốc nhanh chóng phát triển các mô hình AI “có thể kiểm soát” và có thể cạnh tranh với các mô hình do các công ty Mỹ phát triển.
Ngoài Alibaba, những gã khổng lồ công nghệ như Tencent Holdings và Huawei đã tích cực phát triển các mô hình AI của riêng họ trong những tháng gần đây.
Theo Tạp chí Kinh tế Việt Nam