bt1106

Ngày 08/06 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã chính thức phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU) (EVFTA). Theo kế hoạch, Hiệp định EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực ngay trong tháng 08 tới đây và sẽ mở đường cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường 27 nước thành viên EU.

Trong vài năm gần đây, EU đã trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa Việt Nam đứng thứ 2 chỉ sau Hoa Kỳ. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường này bao gồm điện thoại, máy vi tính, giày dép, dệt may, thủy hải sản. Trong đó, thị trường EU nằm trong 5 thị trường chính tiêu thụ nhóm mặt hàng thủy hải sản từ Việt Nam. Chế độ miễn giảm thuế theo cam kết Hiệp định EVFTA đước dự báo sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nhóm mặt hàng này sang thị trường EU. Tuy nhiên, hàng hóa lưu thông tại EU phải tuân thủ nhiều quy định khắt khe về tiêu chuẩn an toàn chất lượng. Bên cạnh đó, EU cũng là một trong các quốc gia và vùng lãnh thổ chú trọng đến yếu tố bảo vệ môi trường.

Vào năm 2008, Liên minh EU đã ban hành Quy định số 1005/2008 về việc thiết lập hệ thống trong cộng đồng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, và không theo quy định (Quy định IUU). Quy định IUU được ban hành để ngăn chặn hành vi đánh bắt cá tự nhiên trái phép dẫn đến mất cân bằng hệ sinh thái biển, đảm bảo cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp đánh bắt thủy hải sản hợp pháp.

Mặt hàng thủy hải sản xuất khẩu vào EU được coi là không tuân thủ quy định IUU nếu được đánh bắt tại các tàu cá trong trường hợp sau: 

– Tàu cá đánh bắt hải sản tự nhiên tại những vùng biển cấm đánh bắt hải sản;

– Tàu cá không được cấp phép đánh bắt hải sản;

– Tàu cá vi phạm quy định về khai thác hải sản quốc gia hoặc quốc tế.

Theo quy định IUU, hải sản đánh bắt cần phải được báo cáo với cơ quan chức năng cũng như tuân thủ các quy định nội địa và quốc tế. Ngoài ra, tàu cá phải treo cờ của một quốc gia nào đó và tuân thủ quy định về việc đắnh bắt hải sản quá mức, đánh bắt cá con hoặc tàn phá nguồn hải sản tại những khu vực nhất định.

Từ năm 2010, theo quy định IUU, nhóm mặt hàng thủy hải sản nhập khẩu vào EU cần phải kê khai thông tin về loài hải sản đánh bắt, địa điểm và thời gian đánh bắt, phương tiện đánh bắt. Cơ quan có thẩm quyền tại EU sẽ tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên từng lô hàng và trong trường hợp phát hiện vi phạm nhiều lần, toàn bộ các lô hàng của quốc gia xuất xứ sẽ bị kiểm tra trong vòng ít nhất 6 tháng (hay còn gọi là bị phạt thẻ vàng). Nếu các vi phạm không được loại bỏ, toàn bộ các lô hàng thủy hải sản từ quốc gia xuất xứ sẽ bị phạt thẻ đỏ – bị cấm nhập khẩu vào thị trường EU và bị đưa vào danh sách theo dõi.

Nhiều quốc gia đã bị EU thực hiện chế độ thẻ vàng do vi phạm các quy định IUU như Thái Lan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ. Trong 2 năm vừa qua, mặt hàng thủy hải sản Việt Nam sang thị trường EU đã bị áp dụng biện pháp thẻ vàng. 

Các cơ quan chức năng Việt Nam trong thời gian vừa qua đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống quản lý trong lĩnh vực đánh bắt thủy hải sản. Mới đây nhất vào ngày 04/06/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 757/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đến năm 2025.

Về phía doanh nghiệp Viêt Nam xuất khẩu mặt hàng thủy hải sản vào thị trường EU cần phải nắm rõ và tuân thủ đầy đủ các quy định IUU để sớm được gỡ bỏ cơ chế thẻ vàng theo quy định EU cũng như sẵn sàng nắm bắt cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này trong thời gian tới.

 

Tham khảo thông tin Quy định số 1005/2008 về việc thiết lập hệ thống trong cộng đồng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, và không theo quy định (Quy định IUU) xem tại: https://ec.europa.eu/fisheries/cfp/illegal_fishing/

Quy định về kỹ thuật để thực hiện Quy định IUU xem tại: http://www.nafiqad.gov.vn/Portals/0/DOCUMENTS/regulation-ec-1010-2009.pdf

Sổ tay hướng dẫn thực hiện Quy định IUU xem tại: http://www.nafiqad.gov.vn/Portals/0/DOCUMENTS/handbook-original-en.pdf

Danh sách Cơ quan thẩm quyền các nước được EU công nhận là các nước có tàu treo cờ hợp tác trong hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ IUU xem tại: http://www.nafiqad.gov.vn/Portals/0/DOCUMENTS/flag_state_notifications.pdf

 

Thông tin chi tiết xem tại: 

https://baotintuc.vn/hoi-nhap/the-vang-cua-eu-bai-hoc-phat-trien-ben-vung-20181215115603217.htm

http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/969485/to-chuc-thuc-hien-hieu-qua-hiep-dinh-ve-bien-phap-ngan-chan-khai-thac-thuy-san-bat-hop-phap

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top