Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư bất động sản bán lẻ cao cấp, với tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với nhiều nước trong khu vực…
Trên thực tế, sự tăng trưởng của lĩnh vực bất động sản bán lẻ cao cấp không chỉ đến từ sự tăng trưởng thu nhập bình quân, mà còn đến từ việc dịch chuyển thói quen mua sắm ngày càng cao cấp với sự mở rộng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu lẫn thượng lưu.
Chính sự xuất hiện của những thương hiệu quốc tế, cùng nhu cầu mua sắm, trải nghiệm dịch vụ cao cấp tăng, đã tạo nền tảng vững chắc cho bất động sản bán lẻ cao cấp phát triển.
YẾU TỐ THÚC ĐẨY THỊ TRƯỜNG
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars), yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy thị trường bất động sản bán lẻ cao cấp Việt Nam là tăng trưởng kinh tế ổn định và nhanh chóng.
Nền kinh tế Việt Nam liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao trong những năm gần đây, ngay cả giữa bối cảnh toàn cầu bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Sự phát triển kinh tế làm tăng thu nhập của nhiều người. Từ đó, tạo ra nhu cầu mua sắm tại các cửa hàng thời trang cao cấp, siêu thị hạng sang, cùng trung tâm thương mại có thương hiệu quốc tế.
Song song đó, thói quen của người tiêu dùng Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ cũng thay đổi, hướng đến trải nghiệm mua sắm cao cấp. Họ không chỉ dừng lại ở mua sắm hàng hóa mà còn tìm kiếm dịch vụ, trải nghiệm sống đẳng cấp. Sự thay đổi này càng thúc đẩy bất động sản bán lẻ phát triển.
Ngoài ra, có thể nói, cơ sở hạ tầng đô thị và thương mại được đầu tư mạnh mẽ tiếp tục giúp Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn đối với các thương hiệu bán lẻ quốc tế. Không ít thương hiệu cao cấp từ ngành thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng, thực phẩm cao cấp đã đổ bộ vào Việt Nam.
Thực tế, việc xuất hiện những thương hiệu này vừa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam, lại vừa giúp nâng cao tiêu chuẩn của thị trường bán lẻ.
Bởi việc hiện diện của các thương hiệu quốc tế buộc nhà bán lẻ trong nước phải xem xét đến dịch vụ và chất lượng không gian bán lẻ.
Hơn nữa, Vars đánh giá môi trường đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản đang được cải thiện với nhiều chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ về tín dụng và ưu đãi thuế dành cho các dự án phát triển bất động sản bán lẻ.
Trong đó, dự án tập trung vào phân khúc cao cấp cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.
Đặc biệt, tiềm năng tăng trưởng của thị trường bất động sản bán lẻ cao cấp còn được thúc đẩy bởi sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch.
Việt Nam đang trở thành điểm đến phổ biến đối với du khách quốc tế và nội địa, bao gồm cả du khách có nhu cầu mua sắm và tiêu dùng sản phẩm cao cấp.
Trải nghiệm mua sắm kết hợp du lịch của du khách, nhất là du khách nước ngoài từ một số quốc gia phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước châu Âu, thường có nhu cầu mua sắm cao khi đến Việt Nam cũng tạo cơ hội cho nhà bán lẻ cao cấp mở rộng thị trường.
ĐỐI MẶT VỚI THÁCH THỨC TRONG NGẮN HẠN
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Vars đánh giá thị trường đang phải đối mặt với một số thách thức. Trong đó, sự biến động của nền kinh tế thế giới, lạm phát, chi phí nguyên vật liệu tăng cao có thể ảnh hưởng đến khả năng mở rộng của không ít dự án bất động sản bán lẻ cao cấp.
“Dù có tốc độ phát triển nhanh nhưng mặt bằng bán lẻ Việt Nam vẫn khiêm tốn cả về quy mô, chất lượng và trải nghiệm. Tổng diện tích mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam, nhất là trung tâm thương mại cao cấp tương đối thấp so với một số nước trong khu vực (Thái Lan, Singapore, Malaysia…).
Điều này đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào hạ tầng, mở rộng nguồn cung mặt bằng chất lượng cao, nâng cao trải nghiệm mua sắm cho người tiêu dùng, để thu hút thêm nhà đầu tư quốc tế và cạnh tranh với quốc gia lân cận”, lãnh đạo Vars chia sẻ.
Cũng theo ông, nguồn cung mặt bằng bán lẻ cao cấp tăng trưởng chậm trong khi nhu cầu của nhãn hàng, thương hiệu quốc tế không ngừng tăng, khiến mức giá thuê mặt bằng tại khu vực trung tâm ở TP.HCM và Hà Nội ngày càng cao cũng tạo áp lực lớn cho nhà bán lẻ cao cấp.
Theo thông tin từ Công ty Savill, 2 thị trường ở Đông Nam Á là TP.HCM, Hà Nội đã chứng kiến sự cải thiện đáng kể về giá thuê với mức tăng lần lượt 4,7% và 4,6%.
Hiện, giá thuê của mặt bằng cao cấp khu trung tâm Hà Nội đạt 96,4 USD/m2, TP.HCM 151 USD/m2. Mức này tại Kuala Lumpur khoảng 158,6 USD/m2, Singapore 399,7 USD/m2, Bắc Kinh 289,5 USD/m2.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội nhận định chi phí thuê mặt bằng cao cấp tại Hà Nội và TP.HCM vẫn cạnh tranh so với nhiều thị trường trong khu vực. Nhưng giá thuê phân khúc này ở Hà Nội vào thời gian tới sẽ tiếp tục tích cực.
Riêng TP. HCM, số liệu của bộ phận nghiên cứu Savills cho thấy tổng diện tích mặt bằng bán lẻ cho thuê đang là 1,52 triệu m2 với tỷ lệ lấp đầy 94%.
Chia sẻ về thị trường này, bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý cấp cao cho thuê bán lẻ Savills TP.HCM nhận định, nguồn cung bán lẻ cao cấp hạn chế đã dẫn đến bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa những dự án trung tâm thương mại có vị trí đắc địa.
“Mặt bằng cao cấp tại TP.HCM vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm thành phố hoặc các quận phát triển. Trong thời gian tới, thị trường sẽ có xu hướng mở rộng ra khu vực phụ cận.
Ngoài ra, năm 2024, tỷ giá đồng USD tăng đã góp phần làm tăng đáng kể giá thuê mặt bằng bằng đồng nội địa”, bà Quyên nói thêm.
Theo Tạp chí kinh tế Việt Nam