Tín dụng tư nhân là hình thức cho vay phi ngân hàng, tức là bạn hay nhà đầu tư cho một công ty vay tiền theo thỏa thuận giữa hai bên, với một số tài sản thế chấp nào đó. Đây là một chiến lược vốn tương đối thích hợp với doanh nghiệp châu Á so với các hình thức khác như vay ngân hàng, quỹ đầu tư cổ phần tư nhân (PE) hay phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Lãi suất cao đang là cơ hội cho các quỹ tín dụng tư nhân
Các nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp đều nhận thấy rằng tín dụng tư nhân ngày càng hấp dẫn hơn các hình thức vay vốn khác vì những hình thức vay này đang có lãi suất cao. Lãi suất cao, khó vay mượn hơn từ các ngân hàng truyền thống khiến nguồn vốn cho kinh doanh và phát triển của nhiều doanh nghiệp châu Á gặp trở ngại, nhất là các thương vụ sáp nhập (M&A).
Vay mượn từ các quỹ đầu tư cổ phần tư nhân (PE) cũng khiến các chủ doanh nghiệp e ngại, bởi có thể mất quyền kiểm soát cổ phần. Các ngân hàng cũng có xu hướng thận trọng khi cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ hơn, đặc biệt là những doanh nghiệp được coi là có “tài sản nhẹ”, vì nợ xấu ngày càng trở thành mối lo ngại đối với chủ nợ trong bối cảnh lãi suất cao.
Vì thế, tín dụng tư nhân là không gian mới để doanh nghiệp và nhà đầu tư tín dụng tư nhân gặp gỡ, tạo nên thị trường mới đầy sôi động.
CEO Xuong Liu của hãng tư vấn Alvarez & Marsal có trụ sở tại Hồng Kông cho rằng, các nhà đầu tư tín dụng tư nhân có xu hướng ít tập trung vào các lĩnh vực cụ thể mà quan tâm nhiều hơn đến doanh thu cũng như khả năng bảo toàn vốn trong trường hợp rủi ro. Năm nay, theo Liu, các quỹ đầu tư tư nhân hoạt động mạnh mẽ ở châu Á.
Tín dụng tư nhân đang thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư, từ các quỹ khu vực và các công ty cổ phần tư nhân đến các nhà quản lý tài sản và quỹ gia đình (hay văn phòng gia đình). Theo hãng dữ liệu Preqin, tổng cộng có 38 quỹ tư nhân ở châu Á và các quỹ này đã huy động được 10,24 tỉ đô la trong năm 2022, so với 2,17 tỉ đô la từ 34 quỹ vào năm 2023. Trên toàn cầu có 271 quỹ đã huy động được 241,52 tỉ đô la.
Một thành viên sáng lập và giám đốc điều hành của một công ty PE có trụ sở tại châu Á cũng đang muốn thành lập một quỹ tín dụng tư nhân.
Các chuyên gia cho rằng tín dụng tư nhân có thể là một lựa chọn vay hấp dẫn đối với các công ty. Đặc biệt là những công ty nhỏ hơn, bởi họ không muốn mất quyền quyết định hay giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần trong doanh nghiệp khi vay từ các nhà đầu tư PE.
Thị trường đang khởi sắc
SuperReturn là một trong những sự kiện lớn nhất ở Singapore dành cho các đối tác hữu hạn (LP) kết nối với các nhà quản lý vốn mạo hiểm và cổ phần tư nhân, đã có nhiều dấu hiệu quan tâm hơn đến đầu tư tín dụng tư nhân.
Stephen Hull, đối tác và giám đốc điều hành của quỹ tín dụng tư nhân Zerobridge Partners có trụ sở tại Hồng Kông, Trung Quốc nói rằng, hiện những nhà đầu tư tín dụng tư nhân đã có tiếng nói mạnh hơn, được lắng nghe hơn so với những năm trước. Stephen Hull cũng cho biết, hiện các nhà đầu tư định chế ở Mỹ và Trung Đông đang tích cực “săn tìm” các nhà quản lý tín dụng tư nhân. Đây là một “dấu hiệu” để có thêm những quỹ tín dụng tư nhân mới xuất hiện trong thời gian tới.
Tập đoàn quản lý đầu tư Invesco của Mỹ gần đây đã bắt đầu xem xét các cơ hội tín dụng tư nhân ở Ấn Độ và Trung Quốc.
Yemi Tepe, người phụ trách mảng kinh doanh tài chính kiêm đồng chủ tịch toàn cầu của hãng luật đa quốc gia Morrison Foerster có trụ sở tại Mỹ, cho biết họ đang tìm kiếm các thương vụ tín dụng tư nhân cho khách hàng tại thị trường Việt Nam và Indonesia.
“Phần lớn công việc tôi đang làm hiện nay là giúp nhà đầu tư hiểu về pháp lý nước sở tại, biết được các rủi ro và hoạt động kinh doanh tại các thị trường cũng như giúp họ ra quyết định cho vay đúng đắn”, bà Tepe nói.
Nhìn chung, lý do để tín dụng tư nhân phát triển trong bối cảnh hiện nay là vì hình thức “vay vốn” này được con nợ (bên vay tiền) xem là “an toàn hơn” bởi doanh nghiệp không mất quyền kiểm soát cổ phần như vay từ các quỹ đầu tư cổ phần tư nhân (PE). Còn người cho vay thì tạm “an tâm” với tài sản cầm cố. Vì thế, các công ty nhỏ ở châu Á có xu hướng ưa chuộng tín dụng tư nhân trong huy động vốn mà không từ bỏ quyền sở hữu cổ phần.
Theo Nikkei Asia, Law Insider