anh man hinh 2023 11 16 luc 08 23 50
Vụ giải cứu này cho thấy thách thức tài chính mà các quốc gia phải đối mặt khi dịch chuyển khỏi năng lượng hoá thạch…
Chính phủ Đức dự kiến chi 7,5 tỷ euro, tương đương 8 tỷ USD, tiền thuế của dân để giải cứu nhà sản xuất turbine gió đang gặp khó khăn Siemens Energy – một công ty giữ vai trò sống còn trong cuộc chuyển đổi năng lượng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Số tiền trên là một phần trong một gói bảo lãnh trị giá 15 tỷ euro, tương đương 16,3 tỷ USD, và phần còn lại của gói này được cung cấp bởi các ngân hàng tư nhân và các bên hữu quan khác – hãng tin CNN dẫn một tuyên bố của Bộ Các vấn đề kinh tế và bảo vệ khí hậu Đức cho biết.
Một điều kiện đi kèm gói giải cứu là Siemens Energy phải dừng trả cổ tức cho cổ đông và tiền thưởng cho các thành viên hội đồng quản trị. Chính phủ Đức cũng chỉ cung cấp bảo lãnh nếu tất cả các bên liên quan khác thực hiện đúng cam kết – theo tuyên bố nói trên.
Vụ giải cứu này cho thấy thách thức tài chính mà các quốc gia phải đối mặt khi dịch chuyển khỏi năng lượng hoá thạch, cũng như tầm quan trọng mà Berlin gán cho Siemens Energy – một doanh nghiệp tách ra từ hãng Siemens, biểu tượng của ngành điện tử Đức – trong quá trình thực thi chuyển đổi năng lượng. Hiện Siemens vẫn nắm cổ phần đa số 32% trong công ty sản xuất turbine gió này.
Chính phủ Đức cho biết thoả thuận giải cứu Siemens Energy đã được lên kế hoạch trong vài tuần, nhấn mạnh rằng chính quyền liên bang đã tích cực làm việc với Siemens Energy, Siemens và các ngân hàng tư nhân tham gia thoả thuận.
Siemens Energy – công ty có doanh thu khoảng 29 tỷ euro, tương đương 32 tỷ USD, trong năm tài khoá gần đây nhất – còn sản xuất turbine cho nhà máy điện chạy bằng khí gas và thiết bị điện phân phục vụ sản xuất năng lượng hydrogen, cùng nhiều sản phẩm khác trong lĩnh vực năng lượng. Ước tính, công nghệ của Siemens Energy được sử dụng cho việc phát khoảng 1/6 tổng sản lượng điện trên toàn cầu, và công ty này có 94.000 nhân viên làm việc tại hơn 90 quốc gia.
Bộ Các vấn đề kinh tế và bảo vệ khí hậu Đức cho biết Siemens Energy cần sự bảo lãnh tài chính để thực hiện lượng đơn hàng còn tồn động với tổng trị giá 110 tỷ euro, tương đương 119 tỷ USD.
Có hoạt động trong cả lĩnh vực năng lượng tái tạo và năng lượng truyền thống, Siemens Energy đã đối mặt với một loạt thách thức khi sản xuất một số mẫu turbine điện gió trong năm nay. Hồi tháng 8, công ty cho biết dự kiến thua lỗ 4,5 tỷ euro, tương đương 4,9 tỷ USD trong năm tài khoá này.
Cổ phiếu Siemens Energy giảm khoảng 40% vào cuối tháng trước sau khi công ty tuyên bố đang xin Chính phủ Đức giải cứu. Phiên giao dịch ngày 14/11, cổ phiếu Siemens Energy đóng cửa với mức tăng 3% sau khi có tin về kế hoạch giải cứu từ Berlin.
Bộ Các vấn đề kinh tế và bảo vệ khí hậu Đức gọi Siemens Energy là công ty “có tầm quan trọng lớn trong toàn bộ chuỗi giá trị của việc cung cấp các hệ thống năng lượng” và “một nhà sử dụng lao động quan trọng trong các ngành công nghiệp của tương lai”.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đang đối mặt với cuộc chiến đấu khó khăn và tốn kém để thay thế nguồn năng lượng Nga kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm ngoái. Việc tìm kiếm các nguồn năng lượng rẻ hơn sạch hơn giữ vai trò sống còn đối với các nhà sản xuất của Đức vốn đã trầy trật vì phải gánh giá mua khí đốt tăng chóng mặt trong 2 năm qua. Sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc, và các đợt tăng lãi suất để chống lạm phát của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đặt ra sức ép lớn lên nền công nghiệp Đức.
Theo dữ liệu khảo sát tháng 10, doanh nghiệp sản xuất ở Đức đang sa thải nhân công với tốc độ mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây, do lượng đơn hàng mới giảm sút và niềm tin kinh doanh vẫn ở mức rất thấp.
Theo Tạp chí Kinh tế Việt Nam
Scroll to Top