“Tầm sư, học đạo”, tìm lối đi riêng

Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai chuyển đổi số (2020 – 2023) của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông diễn ra đầu tháng 10/2023 có sự hiện diện của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu… Một sự lạ đối với rất nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt.

Theo sát bước phát triển của Rạng Đông từ thuở ban sơ, Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan hồi tưởng những ngày đầu tiên tới thăm Rạng Đông: “Lúc bấy giờ, Rạng Đông là một doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng vẫn còn 16% là cổ phần của nhà nước. Tôi vào thăm phòng làm việc của các chuyên gia Đại học Quốc gia đang tư vấn cho Rạng Đông cách làm mới về công nghệ chiếu sáng. Khi đó, điều kiện làm việc, phương tiện, phòng ốc của chuyên gia còn sơ sài. Nhưng tôi tin một doanh nghiệp cổ phần hóa biết dựa vào các chuyên gia như vậy nhất định sẽ đi lên. Đó là điều ít doanh nghiệp khác của Việt Nam học hỏi được, mặc dù về lý thuyết thì ai cũng nói phải có bộ phận nghiên cứu triển khai, phải có chuyên gia để tận dụng nguồn lực. Mọi người thường nghĩ nội lực là sức mạnh bên trong của mỗi doanh nghiệp. Nhưng nội lực là tất cả sức mạnh của người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài cùng hợp tác làm nên một Việt Nam giàu mạnh. Rạng Đông đã nghĩ và làm điều đó. Đây là cách làm rất hay”.

Rạng Đông ra đời năm 1961, là một trong 13 nhà máy đầu tiên được thành lập theo quyết định của Chính phủ, đặt nền móng cho nền công nghiệp Việt Nam thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Năm 1990, cuộc đổi mới lần thứ nhất của Rạng Đông diễn ra khi công ty quyết định tái cấu trúc, tạo lực đẩy để có nhiều bước tiến mạnh mẽ trên thị trường Việt.

Tháng 8/2019, Rạng Đông gặp biến cố lớn: Kho thành phẩm bị cháy, gây thiệt hại nghiêm trọng cả về vật chất lẫn tinh thần. Khó khăn chồng chất khó khăn, thử thách chất chồng thử thách.

Rạng Đông anh 8.jpg
Ngay trong thời điểm khó khăn nhất, lãnh đạo Rạng Đông xác định, chỉ có nhanh chóng triển khai chuyển đổi số mới có thể tồn tại, phát triển nhanh và bền vững.

“Ngay trong thời điểm khó khăn nhất, mờ mịt nhất, lãnh đạo Rạng Đông xác định, chỉ có nhanh chóng triển khai chuyển đổi số, chuyển đổi từ doanh nghiệp sản xuất truyền thống thành doanh nghiệp số, doanh nghiệp công nghệ cao, tăng trưởng theo cấp số nhân, tiến mạnh ra thế giới, thì mới có thể tồn tại, phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới. Chỉ hai tháng sau, ngày 5/10/2019, Rạng Đông đã tham vấn ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Quân (nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ – PV) về dự thảo Đề án Thúc đẩy nhanh chuyển đổi số Rạng Đông. Ngày 2/12/2019, Đề án Thúc đẩy nhanh chuyển đổi số Rạng Đông giai đoạn 2020 – 2025 chính thức được ban hành. Chuyển đổi số được xem như cuộc đổi mới lần thứ hai của công ty”, Phó Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Minh, Chuyên gia tư vấn trưởng Chuyển đổi số Rạng Đông nhớ lại.

Lúc ấy, ít ai nghĩ một công ty sản xuất có tuổi đời gần 60 năm, “sếp tổng” ở tuổi U80, lại có “tư duy thời thượng” như vậy, trong khi rất nhiều doanh nghiệp, doanh nhân trẻ còn chưa biết tới hoặc e ngại chưa dám thực hiện chuyển đổi số.

Giữ vai trò “thuyền thưởng” chèo lái “con tàu” Rạng Đông vượt qua “sóng dữ”, Tổng Giám đốc Nguyễn Đoàn Thăng ví von hành trình chuyển đổi số của Rạng Đông sẽ phải vượt qua một  “khu rừng rậm”, cần phải “tầm sư, học đạo” để mở đường.

Chưa có tiền lệ, chưa có hình mẫu chuyển đổi số doanh nghiệp sản xuất, mày mò “dò đá, tìm đường”, Rạng Đông tiếp cận tư duy khai phá của phương Tây, nghiên cứu hoạt động nhà máy thông minh Siemens, TUV SUD; tham khảo kinh nghiệm từ một số tập đoàn lớn như Microsoft…

“Bước ngoặt” đến khi Rạng Đông học cả “Ta” chứ không chỉ học “Tây”: Tổng hợp ý kiến từ các nhóm Think Tank (nhóm nghiên cứu tư vấn chính sách, chiến lược – PV) hay Cẩm nang chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông…

Với sự hỗ trợ của đội ngũ tri thức tinh hoa, Rạng Đông đã tìm ra lý luận riêng có để triển khai chuyển đổi số phù hợp.

Rạng Đông anh 2.jpg
Rạng Đông đã tìm ra lý luận riêng để triển khai chuyển đổi số phù hợp. 

“Chúng tôi may mắn gặp được Giáo sư Hồ Tú Bảo – Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, và Tiến sĩ Nguyễn Nhật Quang – Viện Khoa học & Công nghệ VINASA, biết tới phương pháp luận rất ngắn gọn ST-235 để hình thành một hệ sinh thái chuyển đổi số. Chúng tôi xác định, lý luận soi đường, thực tiễn dẫn đường, nhưng chỉ có hành động mới tạo nên con đường. Học để thấu hiểu bản chất, vận dụng vào thực tiễn của mình, lúc đó sẽ tạo con đường riêng. Chỉ có con đường riêng thì mới tạo nên sự khác biệt và dẫn tới thành công”, ông Minh kể.

“Chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất rất khó. Tuy nhiên, kết hợp lý luận với tình hình thực tế, Rạng Đông đã có cách làm riêng phù hợp với điều kiện của mình. Một trong những điều tôi rất tâm đắc, khâm phục là ngoài tầm nhìn, sự quyết tâm của lãnh đạo cao nhất thì Rạng Đông đã hợp tác tốt, dựa vào tri thức từ các chuyên gia, nhà khoa học để tạo sự cộng hưởng chung, trở thành một trong những điển hình về việc gắn kết các chuyên gia, nhà khoa học với hoạt động doanh nghiệp”, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định.

Ứng dụng công nghệ số tạo không gian tăng trưởng mới

Triển khai chiến lược chuyển đổi số, Rạng Đông đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để phát triển hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ 4.0, mở ra không gian tăng trưởng mới, tạo bánh đà tăng trưởng cấp số nhân.

Rạng Đông anh 14.jpg
Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Tổng Giám đốc, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Rạng Đông.

Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Tổng Giám đốc, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Rạng Đông cho biết, công ty đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ số tạo hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ 4.0 với các thuộc tính: Thông minh hóa; Cá thể hóa; Nền tảng hóa tạo ra dịch vụ dữ liệu; Đồng sáng tạo, cùng gia tăng giá trị với khách hàng, đối tác; Xanh hóa và kinh tế tuần hoàn.

Hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ 4.0 của Rạng Đông gồm 6 lớp: (1) Sản phẩm công nghệ; (2) Sản phẩm chất lượng cao; (3) Sản phẩm smart đơn lẻ; (4) Sản phẩm smart local (cục bộ); (5) Sản phẩm IoT; (6) Dịch vụ trải nghiệm khách hàng tùy biến theo yêu cầu.

6 lớp này có thể thỏa mãn nhu cầu rộng lớn của xã hội theo Tháp nhu cầu Maslow, từ bảo đảm nhu cầu thiết yếu của con người, đến an toàn, hòa hợp, tôn trọng, thể hiện bản thân.

“Đặc sản” trong “mâm tiệc” của Rạng Đông là những sản phẩm kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) với Internet kết nối vạn vật (IoT) hình thành các hệ thống thông minh, ứng dụng trong Smart Home (nhà thông minh), Smart City (thành phố thông minh), Smart Farm (trang trại thông minh).

Phó Tổng Giám đốc Rạng Đông tâm đắc chia sẻ ví dụ sản phẩm Smart Farm: Các sản phẩm của Rạng Đông với lợi thế sản xuất thiết bị chiếu sáng có thể làm chủ việc tạo nguồn sáng có các phổ, bước sóng phù hợp với chu kỳ sinh trưởng, phát triển của từng loại vật nuôi, cây trồng trong nông nghiệp, nâng cao năng suất trồng trọt, chăn nuôi. Tích hợp IoT phát triển các hệ thống nông nghiệp công nghệ cao như trồng cây trong nhà kính, nhà màng, sử dụng các hệ thống cảm biến để điều chỉnh các thông số môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, hàm lượng nước, hàm lượng dinh dưỡng…. Ứng dụng AI tạo hệ khuyến nghị, lập kịch bản chiếu sáng cho từng loại vật nuôi, cây trồng. Đặc biệt, công nghệ máy học tí hon TinyML ứng dụng cho cảm biến dinh dưỡng đất, nước, cho phép tối ưu việc tưới tiêu, bón phân và quản lý sâu bệnh; thích hợp ứng dụng vào các thiết bị điều phối nhỏ, hạn chế phần cứng, sử dụng thuật toán đơn giản ra quyết định ngay.

Cho tới nay, sản phẩm Rạng Đông đã có mặt trong ngôi nhà mới của nhiều gia đình Việt; góp phần vận hành chiếu sáng thông minh tại Bến Tre, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Bắc Kạn, Hải Dương…; chiếu sáng đường tuần tra biên giới; chiếu sáng cảnh quan tâm linh thông minh ở khu di tích Thành cổ Quảng Trị, Cầu Hiền Lương, Nghĩa trang Vị Xuyên…; đã được sử dụng trong các nhà kính, nhà lưới trồng cây công nghệ cao ở Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, lắp đặt trên các cánh đồng thanh long xuất khẩu của Bình Thuận…, và đã được ngư dân sử dụng trong các chuyến đánh bắt hải sản xa bờ.

Rạng Đông anh 13.jpg
Rạng Đông đang nâng dần tỷ lệ doanh thu sản phẩm công nghệ cao trong tổng doanh thu.

Sau 1 năm thực hiện chuyển đổi số, doanh thu sản phẩm công nghệ cao của Rạng Đông tăng 144% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, sản phẩm lớp 3 tăng 170%, lớp 4 tăng 54%, lớp 5 tăng 252%, lớp 6 tăng 114%.

Hiểu rõ quy luật Đường cong chấp nhận công nghệ mới, Rạng Đông phấn đấu nâng dần tỷ lệ doanh thu sản phẩm công nghệ cao trong tổng doanh thu từ 20% năm 2022 lên 35% năm 2023 và 60% năm 2025.

Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đoàn Kết, để tạo ra hệ sinh thái sản phẩm công nghệ cao, Rạng Đông nhanh chóng xây dựng hệ thống sản xuất thông minh, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu sản xuất số lượng lớn một cách nhanh nhất.

“Với hệ thống sản xuất thông minh và mô hình kinh doanh số DBM, giai đoạn 2019 – 2023, Rạng Đông đã lập được mặt bằng tăng trưởng mới, trung bình 15 – 20% một năm, cao gấp đôi so với giai đoạn 2015 – 2019. 9 tháng đầu năm 2023, GDP cả nước chỉ tăng trưởng hơn 4% thì Rạng Đông vẫn tăng trưởng 20,4%. Tổng doanh thu năm 2023 ước đạt 8.500 tỷ đồng”, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đoàn Kết chia sẻ thông tin với vẻ tự hào hiện rõ trên nét mặt.

Rạng Đông anh 7.jpg
Hệ thống sản xuất thông minh nhanh chóng được xây dựng.

Hành trình tự lực, tự cường với “Make in Vietnam” 

Chiến lược chuyển đổi số của Rạng Đông xác định rõ sứ mệnh: “Doanh nghiệp tiên phong cung cấp hệ thống giải pháp đồng bộ dựa trên công nghệ lõi là chiếu sáng và IoT, góp phần kiến tạo ngôi nhà thông minh, thành phố thông minh, nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp chính xác, thúc đẩy cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên – thông minh – hạnh phúc – thân thiện môi trường; Đồng hành cùng dân tộc xây dựng Việt Nam phồn vinh – thịnh vượng”.

Mọi hoạt động của Rạng Đông đều thấm đẫm tinh thần “Make in Vietnam”: Nghiên cứu phát triển tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam.

Rạng Đông anh 6.jpg
Dây chuyền sản xuất bóng đèn LED của Rạng Đông.

Chương trình tự động hóa của Xưởng LED – Điện tử – Thiết bị chiếu sáng là một minh chứng cụ thể. Trong số 36 dây chuyền của Xưởng, chỉ 3 dây chuyền cực kỳ hiện đại, còn lại hệ thống các dây chuyền cũ với nhiều nguồn công nghệ khác nhau từ thập niên 80 – 90 của thế kỷ trước. Kỹ sư Rạng Đông phải tự chế tạo thiết bị để tự động hóa các dây chuyền sản xuất theo thiết kế của Rạng Đông.

Hiện tại, 72% (26/36) dây chuyền lắp ráp đã đạt mức tự động liên hoàn, giúp tăng năng suất lao động vượt trội. Đáng chú ý, dây chuyền lắp ráp M36 tăng 300%; dây chuyền lắp ráp tube nhôm nhựa bán tự động, dán module LED, cấp thân nhôm, lắp nguồn, kiểm tra thông số, bao gói hộp trong tự động tăng tới 200%; Máy liên hoàn lắp hộp, in dấu, dán tem cho driver downlight, panel tròn tăng 250%… Từ vị thế một người đi nhập thiết bị, Rạng Đông từng bước trở thành người chế tạo ra thiết bị để làm chủ công nghệ.

Tham khảo mô hình Hệ thống điều hành sản xuất (MES) của Siemens, Foxconn, đội ngũ kỹ sư Rạng Đông đã tự tìm con đường chuyển đổi từ nhà máy sản xuất truyền thống thành nhà máy sản xuất tự động hóa, thông minh hóa, thiết kế hệ thống MES của mình theo chuẩn ISA-95, tạo hệ thống sản xuất thực – số hoạt động hiệu quả.

Kỹ sư Rạng Đông hoàn toàn làm chủ, tự thiết kế, lập trình, nên có thể tích hợp các nền tảng khác, phát triển các tính năng mới chi phí thấp. Những công nghệ mới nhất dần được đưa vào các hoạt động nghiệp vụ sản xuất, bán hàng. Từ những chuyện đơn giản như ứng dụng AI vào xe forklift, thiết bị kiểm tra lỗi AOI, thiết bị đọc và lấy thông tin QRcode vật tư… đến phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao.

MES đã giúp Rạng Đông tăng hiệu quả quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát, cảnh báo nguyên vật liệu đầu vào. Qua đó đáp ứng yêu cầu của 100% đơn hàng cả xuất khẩu và nội địa, đúng số lượng, chủng loại, trong điều kiện tăng trưởng cao (27%).

Nhờ MES, năng suất lao động tăng 20%; thời gian lao động giảm 10%; diện tích kho chứa giảm khoảng 6.000m2; chi phí sản xuất/doanh thu giảm 4,2%…

MES của Rạng Đông xuất sắc vượt qua 715 đề tài dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ nhất của Thành phố Hà Nội năm 2022 – 2023 và đạt giải Nhất, góp phần đề xuất một giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp sản xuất truyền thống với chi phí và bước triển khai phù hợp với các doanh nghiệp ở Việt Nam.

Rạng Đông anh 1.jpg
MES đã giúp Rạng Đông đáp ứng yêu cầu của 100% đơn hàng cả xuất khẩu và nội địa.

Mong muốn thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, hàng năm, Rạng Đông dành 15% lợi nhuận sau thuế cho Quỹ Phát triển khoa học công nghệ; 7% lợi nhuận sau thuế cho Quỹ Đầu tư mạo hiểm. Không có nhiều doanh nghiệp Việt làm được điều này.

Hiện công ty đã có tới 4 trung tâm tri thức gồm: Tổ Tư vấn chuyển đổi số; Trung tâm Nghiên cứu phát triển về chiếu sáng; Trung tâm Nghiên cứu phát triển kỹ thuật số; Trung tâm Nghiên cứu phát triển các mô hình kinh doanh hiện đại (tập trung bán sản phẩm công nghệ).

Chuyên gia tư vấn trưởng Chuyển đổi số Rạng Đông đánh giá: “Make in Vietnam” là hành trình tự lực, tự cường, sáng tạo bền bỉ. Muốn làm được thì phải thúc đẩy nghiên cứu, làm chủ công nghệ sản xuất, vận hành… Chỉ cần có niềm tin vào trí tuệ và năng lực của người Việt Nam, chúng ta chắc chắn làm được”.

Mới đây, công chúng không khỏi ngạc nhiên khi thấy Rạng Đông được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) vinh danh trong Top 10 Doanh nghiệp tiên phong triển khai công nghệ số và Doanh nghiệp công nghệ số nghìn tỷ Việt Nam năm 2023.

“Rạng Đông ở tuổi 60 thực sự “lộc phát” ở nhiều lĩnh vực, trở thành doanh nghiệp số điển hình của Việt Nam. Tuổi cao thường bị sợ là không theo kịp công nghệ mới. Nhưng các anh đã chứng minh lứa tuổi nào chịu khó học hỏi, biết kết nối thì cũng sẽ vẫn có thể trở thành người đổi mới sáng tạo được. Đổi mới sáng tạo không hạn chế về số tuổi”, Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan bày tỏ sự cảm mến, thán phục.

Tạo “con đường xanh” trên “đại dương đỏ”, mở lối vào “đại dương xanh”

“Thị trường hiện có tới 6.700 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sản phẩm Led, chưa kể sự “nhập cuộc” của các tập đoàn, công ty ngoài ngành, cạnh tranh bằng giá rẻ và giảm lợi nhuận là cuộc đua xuống đáy, chết mòn đau đớn. “Con đường xanh” trên “đại dương đỏ” của Rạng Đông là cạnh tranh bằng giá trị, chất lượng, sự tin cậy và giá phù hợp. Lớp sản phẩm công nghệ phải tìm “con đường phát triển xanh” trong “đại dương đỏ” bằng cách liên tục cải tiến sản phẩm, độ tin cậy và chất lượng, đồng thời giảm chi phí”, Phó Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Minh phân tích.

Có 3 lợi thế độc đáo giúp Rạng Đông tự tin phát triển “con đường xanh”: Thương hiệu quốc dân, được tin yêu, kết tinh từ sức mạnh của sự tử tế; Làm chủ công nghệ lõi chiếu sáng kết hợp với công nghệ số là IoT và AI tạo nên hệ sinh thái dịch vụ, sản phẩm 4.0; Mạng lưới kinh doanh rộng khắp, gắn bó, cộng sinh, đủ năng lực cung cấp dịch vụ đồng bộ khắp cả nước.

Hiện Rạng Đông đang đẩy nhanh tốc độ tham gia các chuỗi giá trị, hệ sinh thái của các tập đoàn khu vực và thế giới. Sản phẩm thương hiệu Việt do công ty nghiên cứu, phát triển đã xuất hiện ở gần 40 thị trường ngoại. Sản phẩm chủ lực Led (trọng tâm là giải pháp nhà thông minh) đã tiếp cận một số thị trường trọng tâm như Hàn Quốc, Úc…

Rạng Đông anh 3.jpg
Rạng Đông đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp công nghệ cao vào năm 2025, doanh nghiệp “tỷ đô” vào năm 2030.

Định hướng con đường phát triển xuyên suốt của Rạng Đông là “Phát triển bằng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và sự tử tế”. Theo đó, khoa học cho tri thức, công nghệ tạo sức mạnh nội sinh; đổi mới sáng tạo giúp tiên phong tạo sự khác biệt; sự tử tế là nền tảng tạo các mối quan hệ lâu dài, bền vững và cống hiến.

Rạng Đông đang hướng tới mục tiêu: Đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp số, dẫn đầu thị trường chiếu sáng tại Việt Nam; Tiên phong trong lĩnh vực cung cấp hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ 4.0; Phát triển nhanh và bền vững với tốc độ tăng trưởng hàng năm 25%.

Năm 2030 đưa thương hiệu Rạng Đông lên tầm khu vực, doanh thu tầm tỷ đô; Thu nhập bình quân hệ số 1 đạt 2.000 USD/người/tháng.

Công ty công nghệ cao Rạng Đông sẽ đáp ứng các tiêu chí: Doanh thu sản phẩm công nghệ cao chiếm trên 70% doanh thu; Chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển trên 1% hiệu số giá trị doanh thu thuần với giá trị đầu vào; Tỷ lệ lao động trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên đạt ít nhất 2,5%.

“Tôi rất ấn tượng với Rạng Đông, mỗi lần đến đây lại thấy một điểm mới, tràn đầy xúc cảm. Tại các hội thảo, diễn đàn chuyển đổi số gần đây, Rạng Đông luôn là một trường hợp điển hình được nhắc tên, không phải để khoe, mà để thấy rằng ở Việt Nam không gì là không làm được. Rất mong Rạng Đông ngày càng biến hóa đậm nét hơn, làm rạng rỡ đất nước, doanh nghiệp, con người Việt”, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược – Thương hiệu và Cạnh tranh bộc bạch.

Rạng Đông anh 18.jpg
Phó Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Minh, Chuyên gia tư vấn trưởng Chuyển đổi số Rạng Đông.

“Muốn đi xa hãy đi cùng nhau. Rạng Đông chân thành mong muốn mọi người cùng đồng hành với công ty để vượt qua các thử thách sắp tới, chung tay hiện thực hóa khát vọng 2045 – Đưa Việt Nam sánh vai cùng các quốc gia phát triển”, Chuyên gia tư vấn trưởng Chuyển đổi số Rạng Đông đề xuất.