Theo số liệu thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan vừa công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong năm 2022 chính thức đạt được 730,21 tỷ USD.

Theo Tổng cục Hải quan, trong kỳ 2 tháng 12/2022 (từ ngày 16 – 31/12) tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt gần 28,5 tỷ USD, tăng 3,3% (tương ứng tăng 913 triệu USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 12/2022.

Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 12 đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong năm 2022 đạt 730,21 tỷ USD, tăng 9,1% (tương ứng tăng 61,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là dấu ấn nổi bật khi quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu cán mốc 700 tỷ USD.

Nửa cuối tháng 12/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 15,31 tỷ USD, tăng 12,4% (tương ứng tăng 1,69 tỷ USD) so với kỳ 1 tháng 12/2022.

Các nhóm hàng tăng mạnh như: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 431 triệu USD, tương ứng tăng 26,3%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 360 triệu USD, tương ứng tăng 16,3%; hàng dệt may tăng 165 triệu USD, tương ứng tăng 12,1%… Đặc biệt là nhóm hàng sắt thép các loại tăng 154 nghìn tấn (tương ứng tăng 46%) và tăng 140 triệu USD về kim ngạch (tương ứng tăng 62,9%) so với kỳ 1 tháng 12/2022.

Tính chung năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 371,30 tỷ USD, tăng 10,5%, tương ứng tăng 35,14 tỷ USD so với năm 2021.

Về nhập khẩu, kỳ 2 tháng 12/2022 đạt 13,19 tỷ USD, giảm 5,6% (tương ứng giảm 775 triệu USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 12/2022.

Các nhóm hàng giảm đáng chú ý như: dầu thô giảm 326 triệu USD, tương ứng giảm 66,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 220 triệu USD, tương ứng 11,7%; xăng dầu các loại giảm 205 triệu USD, tương ứng giảm 39,3%…

Từ đầu năm đến trung tuần tháng 12/2022, đã có 14,5 triệu tờ khai làm thủ tục hải quan, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó có 7,5 triệu tờ khai xuất khẩu, tăng 5,4% và hơn 7 triệu tờ khai nhập khẩu, tăng 4,7%. Số lượng tờ khai làm thủ tục hải quan điện tử chiếm 97,5%. Số lượng doanh nghiệp có tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa là 96.100 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp làm thủ tục hải quan theo phương thức điện tử chiếm 99,8% với kim ngạch chiếm 99,95%. Hiện có 46 ngân hàng thương mại tham gia phối hợp thu ngân sách với Tổng cục Hải quan, trong đó 36 ngân hàng thương mại thực hiện thu qua Cổng thanh toán điện tử 24/7…

Năm 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 358,9 tỷ USD, tăng 7,8% (tương ứng tăng 26,06 tỷ USD) so với năm 2021.

Trong kỳ 2 tháng 12/2022, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 2,12 tỷ USD. Tính cả năm 2022, cán cân thương mại thặng dư 12,4 tỷ USD.

Góp phần vào thành tích ấn tượng của xuất nhập khẩu những năm qua không thể không nhắc đến vai trò tạo thuận lợi thương mại của ngành Hải quan. Trong công tác quản lý nhà nước về hải quan, ngành Hải quan đã có nhiều nỗ lực và đạt kết quả tích cực trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại.

Với sự tăng trưởng ấn tượng kể trên, vị trí của Việt Nam trên bản đồ thương mại toàn cầu có sự vươn lên mạnh mẽ. Năm 2006, WTO ghi nhận Việt Nam xếp hạng thứ 50 trên thế giới về xuất khẩu và 44 về nhập khẩu. Đến năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam xếp hạng thứ 23 trên thế giới và nhập khẩu của Việt Nam xếp hạng 20.

Trong ASEAN, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vượt qua nhiều nền kinh tế lớn trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… để đứng vị trí thứ 2 (chỉ sau Singapore). Với kết quả ấn tượng ghi nhận trong năm 2022, thứ hạng của nước ta có thể tiếp tục được nâng cao.

Những năm gần đây, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt thặng dư liên tục sau một thời gian dài thâm hụt. Từ năm 2011 trở về trước, Việt Nam luôn trong trạng thái thâm hụt kéo dài với con số nhập siêu lên đến hàng tỷ USD, trong đó con số nhập siêu lớn nhất được ghi nhận lên đến 18,02 tỷ USD trong năm 2008.

Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, cán cân thương mại đổi chiều, chuyển sang xuất siêu liên tục (trừ năm 2015, có mức thâm hụt 3,55 tỷ USD). Năm 2020, thương mại hàng hóa của nước ta đã đạt kỷ lục với con số thặng dư lên tới 19,94 tỷ USD.

Kết thúc năm 2021, thặng dư thương mại giảm mạnh nhưng vẫn đạt 3,32 tỷ USD. Cập nhật 11 tháng đầu năm 2022, với sự gia tăng quy mô xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, thặng dư cán cân thương mại đã tăng cao trở lại, đạt 10,68 tỷ USD.

Hiện nay, Việt Nam có quan hệ thương mại rộng khắp với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, tập trung vào các đối tác lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, ASEAN…

Về xuất khẩu, nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là thị trường lớn nhất trong khi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất. Năm 2022, xuất khẩu sang Hoa Kỳ và nhập khẩu từ Trung Quốc đều vượt ngưỡng 100 tỷ USD, đạt mức kỷ lục từ trước tới nay.

Để đạt được những kết quả nêu trên, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh việc cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính… qua đó tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp.

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top