Khối ngân hàng tư nhân trong nước tìm đến các khoản vay quốc tế với quy mô ngày càng lớn hơn.

Cuối quí 2 vừa qua, Techcombank công bố nhận khoản vay hợp vốn quy mô 700 triệu đô la Mỹ kèm quyền chọn gia tăng (greenshoe option) thêm 300 triệu đô la. Khoản vay gồm ba cấu phần khác nhau, với các kỳ hạn ba, bốn và năm năm, với sự tham gia của 26 ngân hàng quốc tế.

“Giao dịch này là khoản vay hợp vốn trung và dài hạn lớn nhất được thu xếp cho một ngân hàng thương mại tại Việt Nam”, HSBC, đơn vị đồng bảo lãnh phát hành, thu xếp vốn và dựng sổ trong giao dịch này cho biết.

Với Techcombank, quy mô gọi vốn ngoại cũng ngày càng lớn hơn. Trong hai năm qua, ngân hàng này lần lượt vay 500 triệu đô la và 800 triệu đô la.

Một trường hợp khác là VPBank, hồi tháng 4 công bố huy động thành công khoản vay tín chấp hợp vốn trị giá 600 triệu đô la Mỹ với kỳ hạn 3 năm. Khoản vay được đồng thu xếp và bảo lãnh phát hành toàn bộ bởi Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) và Maybank Securities Pte (Maybank) và nhiều bên khác tham gia.

Quy mô vay vốn ngoại cũng tăng nhanh khi cuối năm 2021, VPBank cũng liên tiếp hai lần huy động 300 triệu đô la. Như vậy chỉ trong vòng chưa đến nửa năm, VPBank đã nhận được ba khoản vay hợp vốn quốc tế cùng được tham gia thu xếp bởi ngân hàng SMBC của Nhật Bản.

Trong bối cảnh lãi suất đồng đô la đang ở mức hấp dẫn trong ba năm qua, có thể thấy nhiều ngân hàng tư nhân khác cũng “tranh thủ” gọi vốn ngoại ngày càng nhiều hơn.

Hồi quí 1 vừa qua, VIB công bố thỏa thuận khoản vay tín chấp có thời hạn 3 năm, từ bao gồm khoản vay trực tiếp trị giá 100 triệu đô từ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và khoản vay hợp vốn trị giá 160 triệu đô do ADB và Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) đồng thu xếp từ 9 định chế tài chính châu Á.

Trước đó, đầu năm 2022, Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) công bố gói tín dụng được tài trợ vốn từ nước ngoài được mở rộng quy mô từ 150 triệu đô la lên 220 triệu đô la chỉ sau sáu tháng hợp tác. Đây là gói tài trợ ký với Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) và một phần được huy động từ các bên cho vay quốc tế, với mục tiêu hướng đến là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, do phụ nữ làm chủ phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Cuối năm 2021, HDBank phát hành trái phiếu quốc tế cho nhóm các nhà đầu tư quốc tế bao gồm IFC, DEG (Ngân hàng kiến thiết Đức KfW) và Quỹ đầu tư quốc tế LeapFrog Investments với quy mô 165 triệu đô la Mỹ, với kỳ hạn 5 năm đi cùng điều kiện chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu phổ thông.

Nếu như trước đây, vốn vay quốc tế chủ yếu nhằm mục đích tài trợ thương mại, các đối tượng yếu thế như doanh nghiệp vừa và nhỏ, hay phân khúc phụ nữ, thì ngày nay có thể thấy dòng vốn đa dạng mục tiêu hơn, cũng như sự chủ động đến từ phía các nhà băng.

Theo đại diện các ngân hàng, thách thức của việc gọi vốn trên thị trường quốc tế là sự thẩm định kỹ lưỡng của các tổ chức cho vay, nhưng quy mô tiềm năng, mức tăng trưởng cao của thị trường cùng chiến lược và phân khúc riêng của mỗi nhà băng là yếu tố để thu hút dòng vốn ngoại chảy vào.

Về phía các ngân hàng, việc huy động dòng vốn ngoại sẽ giúp các nhà băng ổn định hơn trong cấu trúc huy động vốn, vì đặc thù tiền gửi tiết kiệm là ngắn hạn, trong khi cho vay doanh nghiệp thường là kỳ hạn dài. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tiếp tục giảm xuống theo quy định trong thời gian tới.

“Việc duy trì được nguồn tiền gửi không kỳ hạn và một phần từ tối ưu hóa nguồn vốn bằng cách huy động vốn nước ngoài đã giúp Techcombank giữ mức chi phí vốn cạnh tranh so với các ngân hàng khác”, ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp Tài chính doanh nghiệp Techcombank, chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây.

Theo báo cáo của ngân hàng, lãi suất huy động bình quân của Techcombank tăng từ mức 2% lên mức 2,1% trong quí 2 vừa qua. Mặt bằng chi phí vốn này được cho là tăng không quá cao dù lãi suất huy động trên thị trường đa phần tăng 30-50 điểm cơ bản.

Trước đó, theo đánh giá của lãnh đạo Ngân hàng VIB chia sẻ tại Đại hội cổ đông thường niên, ngân hàng này tiếp tục định hướng tăng cường huy động vốn từ thị trường quốc tế, vì có ưu điểm là chi phí huy động thấp hơn tương đối so với việc huy động từ thị trường trong nước, giúp ngân hàng có nguồn vốn kinh doanh tốt hơn. Tương tự, trong thông cáo của mình, HDBank cho biết đợt phát hành trái phiếu thị trường quốc tế trong năm ngoái là bước đi đầu tiên trong trong chương trình hợp tác dài hạn của HDBank cùng các định chế tài chính quốc tế.

Với quy mô tài sản ngày càng lớn, việc đa dạng nguồn vốn với các ngân hàng Việt Nam là chuyện bắt buộc. Tuy nhiên, việc huy động vốn quốc tế cũng sẽ đối diện với các thách thức về quản lý rủi ro lãi suất và cả tỷ giá. Thách thức này sẽ càng lớn hơn trong bối cảnh lãi suất cơ bản đồng đô la Mỹ đang có xu hướng tăng lên đi cùng chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo Kinh tế Sài Gòn online (The Saigon Times)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top