Giá cổ phiếu của siêu ứng dụng GoTo đã tăng 21% trong lần đầu tiên ra mắt thị trường chứng khoán (IPO) hôm 11-4 ở Indonesia. Hơn 300.000 nhà đầu tư đã tham gia phiên IPO, mức kỷ lục ở thị trường chứng khoán nội địa. Giới phân tích nhận định đây là khởi đầu tích cực bởi trước đó là không khí ảm đạm trong lĩnh vực công nghệ Đông Nam Á, làm giảm hứng thú của giới đầu tư.

Giá cổ phiếu của GoTo có lúc đã chạm 412 rupiah mỗi cổ cổ phiếu khi mở cửa giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán Indonesia (IDX) từ mức giá chào bán lần đầu ra công chúng là 338 rupiah/cổ phiếu. Giá IPO giúp mức vốn hóa thị trường của GoTo dự kiến đạt 400.000 tỉ rupiah, khoảng 27,8 tỉ đô la.

Nhưng vào cuối phiên giao dịch buổi sáng, mức tăng đã giảm bớt và GoTo giao dịch ở mức 388 rupiah/cổ phiếu, tăng hơn 14% so với giá IPO.

GoTo được thành lập hồi tháng 5-2021 trên cơ sở hợp nhất giữa ứng dụng gọi xe công nghệ Gojek và sàn thương mại điện tử Tokopodia ở Indonesia. Đây là thương vụ sáp nhập lớn nhất từ trước đến nay tại xứ vạn đảo.

GoTo lên sàn trong bối cảnh có nhiều biến động đối với giá cổ phiếu của startup công nghệ Indoneisa. Hồi tháng 8 năm ngoái, sàn thương mại điện tử Bukalapak trở thành kỳ lân công nghệ – startup có giá trị từ 1 tỉ đô la – thực hiện IPO. Cổ phiếu của Bukalapak đã sụt giảm gần 60% giá IPO tính đến phiên giao dịch cuối tuần rồi trên sàn IDX.

Các hãng công nghệ Đông Nam Á khác cũng bắt đầu nhận ra rằng thị trường đại chúng không suôn sẻ như dự định. Các đối thủ có trụ sở tại Singapore là Grab và Sea đã chứng kiến ​​giá trị thị trường giảm mạnh.

Thương vụ IPO của Bukalapak diễn ra trong bối cảnh thị trường toàn cầu suy thoái do như những lo ngại về tác động của Covid-19 và cuộc chiến Nga – Ukraine.

Các nhà phân tích đang đặt dấu hỏi rằng liệu GoTo có thể đảo ngược các xu hướng thị trường gần đây hay không, mặc dù trải nghiệm của Bukalapak là rất nặng nề.

“Sự gia nhập của các hãng công nghệ khổng lồ như GoTo sẽ tạo ra sự lạc quan mới cho thị trường chứng khoán của chúng tôi sau các diễn biến không tốt của Bukalapak”, Alfred Nainggolan, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Praus Capital Indonesia, nói với Nikkei Asia trước khi giao dịch bắt đầu. Chỉ số IDX Composite đã tăng 6,9% cho đến nay tính đến hết ngày 8-4.

Nhưng việc lập lại đồ thị trượt đáy tương tự như Bukalapak “chắc chắn sẽ là trường hợp xấu nhất đối với GoTo”, Nainggolan nói. Ông cho rằng hứng thú của nhà đầu tư với đợt IPO của GoTo không lớn bằng Bukalapak, và điều đó là do quỹ đạo giá cổ phiếu của Bukalapak.

Hans Kwee, giám đốc hãng chứng khoán Anugerah Sentra Investama, đã xem khúc dạo đầu của cổ phiếu GoTo trong ngày hôm nay chỉ chừng mực. “Tức là sự khao khát của nhà đầu tư khá thấp, ảnh hưởng đến việc bán ra chốt lời”, Kwee nói.

Ngoài các dịch vụ gọi xe và giao hàng, GoTo còn cung cấp các dịch vụ công nghệ và thanh toán di động cho người bán. Tính đến tháng 9 năm ngoái, GoTo đã có khoảng 2,5 triệu tài xế và 14 triệu người bán (merchant) đã đăng ký trên ứng dụng này.

GoTo và Tokopedia đã thu hút các nhà đầu tư toàn cầu như Google và tập đoàn SoftBank của Nhật Bản bởi Indonesia là quốc gia đông dân thứ tư thế giới với hơn 270 triệu người và là nền kinh tế lớn nhất ASEAN.

“Giữa thương mại điện tử và dịch vụ tài chính kỹ thuật số, GoTo có thể phát triển mạnh ở Indonesia, quốc gia có nền kinh tế số đang bùng nổ”, hãng tư vấn tài chính công nghệ Kapronasia viết trong một báo cáo cuối tháng 3 vừa rồi.

“Thách thức đối với công ty sẽ là giảm đốt tiền mặt của dịch vụ gọi xe và giao đồ ăn. Kinh nghiệm của Uber đã cho thấy là bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Tương tự như vậy, GoTo có thể gặp khó khăn”, Kaproasia nói.

Hãng tư vấn đã nhấn mạnh những khó khăn của dịch vụ gọi xe và giao hàng mà Uber gặp ở nhiều nơi trên thế giới, từ việc bị đình chỉ giấy phép cho đến các vấn đề pháp lý và an toàn.

Theo Kinh tế Sài Gòn online (The Saigon Times)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top