Theo báo cáo hợp nhất của PNJ, tính đến cuối năm 2021, công ty đang có lượng hàng tồn kho lên tới 8.686 tỷ đồng, tăng hơn 2.100 tỷ đồng so với năm trước đó.
Xung đột Nga – Ukraine leo thang thời gian qua đã khiến giá nhiều loại hàng hóa tăng phi mã và giá vàng cũng không ngoại lệ. Trong sáng 7/3, giá vàng tương lai giao tháng 4/2022 trên sàn Comex New York có thời điểm vượt mốc 2.000 USD/ounce, tăng gần 10% so với đầu năm và tiến sát mức đỉnh được thiết lập vào tháng 8/2020.
Cơn sốt của vàng đang tạo ra lợi thế cho doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước, nổi bật là PNJ khi liên tục gia tăng lượng hàng tồn kho tích trữ trước thời điểm giá vàng tăng mạnh.
Theo báo cáo hợp nhất của PNJ, tính đến cuối năm 2021, công ty đang có lượng hàng tồn kho lên tới 8.686 tỷ đồng, tăng hơn 2.100 tỷ đồng so với năm trước đó. Trong đó, thành phẩm đạt 5.187 tỷ đồng, hàng hoá đạt 2.682 tỷ đồng.
Với lượng vàng tồn kho gia tăng mạnh vào cuối năm 2021, giới đầu tư kỳ vọng kết quả kinh doanh PNJ sẽ được hưởng lợi trong quý 1 này khi giá vàng tăng \”phi mã\”. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu PNJ cũng tăng mạnh, có lúc vượt mốc 110.000 đồng/cp, cao nhất từ trước tới nay đang phản ánh kỳ vọng này.
Theo dự báo của Công ty Chứng khoán SSI, năm 2022 lượng hàng tồn kho của PNJ có thể tăng lên 10.868 tỷ đồng.
Báo cáo của PNJ cho biết trong tháng 1/2022, doanh thu công ty đạt 3.476 tỷ đồng, tăng 60,2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp vượt lên 270 tỷ đồng, tăng 60,7% so với năm trước.
Trong cơ cấu doanh thu của PNJ, bán lẻ là chủ đạo với gần 62,1%, bán sỉ chiếm 12,9%, doanh thu vàng miếng chiếm 23,8%…Đáng chú ý, doanh thu bán lẻ của PNJ trong tháng 1 tăng tới 79,9% so với cùng kỳ, doanh thu vàng miếng cũng tăng 90,3% so với cùng kỳ.
Hiện PNJ đang có 338 cửa hàng trên toàn quốc. Tháng 2 với ngày vía Thần Tài, dự kiến kết quả kinh doanh của PNJ sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực.
Trước đó, năm 2021, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 19.593 tỷ đồng, tăng 11,9% và hoàn thành 93,3% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.030 tỷ đồng, giảm 3,7% so với năm trước đó và chỉ đạt 84% kế hoạch đặt ra trong năm 2021.
Công ty Chứng khoán SSI ước tính năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng đạt 23.600 tỷ đồng tăng 20,3% và 1.420 tỷ đồng, tăng 37,4% so với cùng kỳ.
\”Chúng tôi điều chỉnh tăng 13% ước tính doanh thu dựa trên kết quả kinh doanh tăng mạnh trong quý 4/2021. Chúng tôi cho rằng khoản thu từ việc phát hành riêng lẻ sẽ giúp mở mới 24 cửa hàng PNJ Gold tại các đô thị loại 2 & 3 trong khi đóng cửa 10 cửa hàng PNJ Silver. Chúng tôi điều chỉnh giảm ước tính biên lợi nhuận gộp từ 19,2% còn 18,6% (năm 2021 là 18,2%) do ước tính doanh thu vàng miếng duy trì mạnh trong 2022 – chiếm 24% tổng doanh thu (2021: 25,6%). Các cửa hàng mở mới tại các đô thị loại 2 & 3 cần thời gian để tăng tỷ lệ doanh thu trên khách hàng lên mức trung bình các cửa hàng hiện tại, do đó chúng tôi giả định biên lợi nhuận gộp năm 2022 có thể không đạt mức 2019 là 19,6%\”, báo cáo phân tích của SSI.
Các nhà phân tích SSI cho rằng, vẫn cần tiếp tục theo dõi tình hình để xác nhận sự phục hồi của nhu cầu trong vài tháng tới, tình hình dịch Covid-19 có thể dẫn đến sự phục hồi theo mô hình chữ K khi nền kinh tế nhanh chóng chọn lọc người thắng người thua, với sự củng cố hơn nữa trên thị trường trang sức nói chung. Do thị trường vẫn đang bão hòa và bị chi phối bởi một số lượng lớn các cửa hàng tư nhân, PNJ có nhiều khả năng mở rộng và giành thị phần trong trung hạn.
Giá vàng thế giới tăng \”phi mã\” kéo theo giá vàng trong nước tăng theo. Tuy vậy, có sự khác biệt về giá vàng của PNJ và giá vàng SJC. Cụ thể, giá vàng 9999 (24k) của PNJ thường thấp hơn SJC khoảng hơn 10 triệu đồng/lượng.
Trong sáng 7/3, giá vàng 9999 của SJC bán ra ở mức 71,3 triệu đồng/lượng, trong khi vàng 9999 của PNJ chỉ là gần 57 triệu đồng/lượng, chênh lệch khoảng 14 triệu đồng/lượng.
Với mức giá chênh lệch lớn như vậy, biên lợi nhuận từ bán vàng miếng, vàng nhẫn 9999 của PNJ sẽ khó có thể tốt như SJC, dù hoạt động bán vàng 9999 thường chỉ mang lại biên lợi nhuận rất mỏng (khoảng 1%).
Ngoài ra, việc giá vàng tăng khá \”nóng\” thời gian gần đây diễn ra trong bối cảnh Mỹ và châu Âu dồn dập đưa ra các lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga, qua đó làm giá nhiều loại hàng hóa trong đó có vàng tăng vọt.
Giới chuyên gia nhận định, giá vàng đang rất \”nóng\” do ảnh hưởng chủ yếu bởi thông tin căng thẳng Nga-Ukraine. Do vậy, việc tăng hay giảm giá vàng thời gian tới phụ thuộc lớn vào diễn biến và hành động của hai nước. Trong trường hợp có những diễn biến tích cực hơn từ cuộc xung đột, giá vàng hoàn toàn có thể \”hạ nhiệt\”. Do đó, nhà đầu tư cần thân trọng với hoạt động đầu cơ cổ phiếu theo giá hàng hóa nói chung và giá vàng nói riêng.
Theo CafeF