Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến về Quyết định phê duyệt kế hoạch bán đấu giá hơn 100 triệu lít xăng RON 92 dự trữ quốc gia, giá khởi điểm tạm tính là 14.058 đồng/lít.

Việc đấu giá xăng dầu dự trữ quốc gia được Bộ Công Thương lên kế hoạch trong bối cảnh giá xăng tăng lên mức cao nhất lịch sử, nhiều cửa hàng xăng dầu trên cả nước thiếu nguồn cung cục bộ.

\"\"
Đề xuất bán đấu giá hơn 100 triệu lít xăng để “giải khát” nguồn cung. Ảnh minh họa: Lê Vũ.

Theo dự thảo kế hoạch, tài sản bán đấu giá là 1 lô hàng dự trữ quốc gia bao gồm: 101.976.121 lít xăng RON 92 ở nhiệt độ thực tế tại kho bảo quản (số liệu thời điểm ngày 31-12-2021).

Tài sản bán đấu giá bảo quản ở 12 điểm kho dự trữ quốc gia tại 3 đơn vị: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty dầu Việt Nam – CTCP, Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp.

Số lượng xăng RON 92 xuất bán thực tế sẽ được Bộ Công Thương công bố trước thời điểm tổ chức bán đấu giá. Thời hạn tổ chức cuộc bán đấu giá trong thời gian tháng 1-2.

Giá khởi điểm bán đấu giá được quy định cho một lít xăng RON 92 (ở nhiệt độ thực tế tại kho bảo quản xăng dầu). Các chi phí liên quan đến việc bơm rót lên phương tiện vận chuyển của bên mua, chi phí xuất hàng, chi phí vận chuyển và các khoản thuế, phí phải nộp nhà nước theo quy định do bên mua hàng chi trả.

Giá khởi điểm tạm tính để xác định tiền đặt trước căn cứ theo Quyết định số 1641/QĐ-BCT ngày 27-8-2021 của Bộ Tài chính về việc giá bán tối thiểu xăng RON 92 dự trữ quốc gia là hơn 1.400 tỉ đồng.

Giá khởi điểm bán đấu giá chính thức sẽ do Bộ Công Thương quy định nhưng không thấp hơn giá khởi điểm tạm tính và được thông báo tới các tổ chức có đủ điều kiện và khả năng tài chính tham gia đấu giá trước khi tổ chức bán đấu giá.

Các tổ chức tham gia đấu giá đủ điều kiện tại vòng sơ tuyển sẽ nộp tiền đặt trước theo mức tương đương 10% tổng giá trị tài sản.

Tiền đặt trước tham gia đấu giá gửi vào tài khoản thanh toán riêng cho hoạt động đấu giá xăng RON 92 dự trữ quốc gia đã nêu của tổ chức đấu giá tài sản mở tại Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam (trong trường hợp lựa chọn được tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp) hoặc tài khoản của Bộ Công Thương (trong trường hợp không lựa chọn được tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp).

Trường hợp khoản tiền đặt trước được gửi vào tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá tài sản mở tại ngân hàng có phát sinh tiền lãi, thì khoản tiền lãi sẽ do các bên thỏa thuận để chuyển thành tiền đặt cọc để thực hiện hợp đồng mua hàng dự trữ quốc gia hoặc trả lại cho người tham gia đấu giá không trúng đấu giá.

Tổ chức đăng ký đấu giá được rút lại tiền đặt trước trong thời hạn trước 1 ngày kể từ ngày diễn ra phiên đấu giá. Quá thời hạn trên, mọi trường hợp rút lại sẽ không được giải quyết.

Thời hạn thanh toán trong vòng ba ngày làm việc kể từ ngày hợp đồng mua bán xăng RON 92 dự trữ quốc gia được ký kết. Phương thức thanh toán bằng chuyển khoản vào tài khoản của Quỹ dự trữ quốc gia do Tổng cục dự trữ nhà nước quản lý, quy định cụ thể nêu trong hợp đồng mua bán và quy chế đấu giá.

Việc đấu giá xăng dầu dự trữ quốc gia được Bộ Công Thương lên kế hoạch trong bối cảnh nhiều nơi thiếu xăng dầu cục bộ.

Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường có báo cáo về tình hình kiểm tra các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn cả nước.

Theo đó, 100% lực lượng quản lý thị trường tại 63 tỉnh thành phố đều thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát thị trường đối với mặt hàng xăng dầu. Việc tăng cường kiểm tra, giám các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn địa phương quản lý sẽ kịp thời phát hiện các hành vi đầu cơ găm hàng, dừng hoạt động kinh doanh không thông báo, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu…

Qua công tác kiểm tra, Tổng cục Quản lý thị trường nhận thấy các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động chủ yếu tại khu vực miền Nam. Các tỉnh miền Bắc và miền Trung việc cung ứng, kinh doanh xăng dầu diễn ra bình thường, ít xảy ra việc đóng cửa, tạm ngưng bán hàng.

Nguyên nhân chủ yếu của việc đóng cửa, tạm ngưng kinh doanh bao gồm: Không có đủ nguồn cung xăng dầu từ các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối nên nhiều cửa hàng không còn xăng dầu để bán. Nhu cầu hàng hóa tại nhiều nơi nên hệ thống xe chuyên chở không kịp phục vụ; nhiều cửa hàng tiến hành sửa chữa hoặc giải thể; không có đủ nhân lực, thiếu vốn, không đủ vốn để đặt hàng…

Bên cạnh việc kiểm tra, giám sát các cửa hàng theo tinh thần chung theo Công điện 517/CĐ-BCT ngày 28-1-2022 của Bộ Công Thương, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước còn triển khai ký cam kết trong việc đảm bảo cung ứng xăng dầu, không đầu cơ, găm hàng, tăng giá không đúng quy định.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tính từ ngày 28-1 đến 20-2-2022, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra, giám sát, ký cam kết đối với hàng ngàn cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cả nước.

Theo: Kinh tế Sài Gòn online (The Saigon Times)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top