Tại hội thảo trực tuyến với chủ đề \”Ngày Việt Nam – Mở cửa Cơ hội Kinh doanh\”, trước những tác động của các diễn biến kinh tế trên thế giới, các chuyên gia đến từ HSBC đã đưa ra những nhận định về kinh tế Việt Nam trong tương lai.
FED tăng lãi suất có ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam?
Vào ngày 3/11, Ngân hàng HSBC đã tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề \”Ngày Việt Nam – Mở cửa Cơ hội Kinh doanh\”. Tại hội thảo, Đồng Tổng Giám đốc HSBC châu Á – Thái Bình Dương, ông Surendra Rosha cho biết, Việt Nam đã tận dụng các cơ hội thương mại để tạo cho mình vị thế ngày càng lớn mạnh trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, Việt Nam cũng đã xây dựng một nền kinh tế trong nước phát triển.
\”Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công của thời đại mới\”, ông Surendra Rosha nhấn mạnh.
Nhận định về việc FED tăng lãi suất, Đồng Giám đốc Khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á, thuộc Khối Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu của HSBC, ông Frederic Neumann cho rằng, dù động thái này có thể tác động tới tăng trưởng kinh tế, nhưng Việt Nam có thể sẽ ít bị ảnh hưởng từ lãi suất tiền đô Mỹ cao, nhờ các yếu tố cơ bản mạnh mẽ và nền kinh tế với trọng tâm xuất khẩu.
Tuy nhiên, ông Neumann lưu ý, giá năng lượng tăng có thể đẩy lạm phát tăng và làm chậm tốc độ phục hồi tăng trưởng của Việt Nam. Giá năng lượng có thể tăng trong những tháng mùa đông tới nhưng tình hình sẽ được cải thiện vào tháng 3/2022.
\”Sự thiếu hụt năng lượng có thể tạm thời khiến lạm phát tăng ở các nền kinh tế, đặc biệt ở những nơi dầu đóng vai trò quan trọng như Việt Nam. Tuy vậy, tình hình sẽ ổn định hơn vào nửa cuối năm 2022\”, ông Neumann cho hay.
Việt Nam sẽ tăng trưởng bùng nổ trở lại từ nửa cuối năm 2022
Ảnh hưởng của đại dịch dường như sẽ tạo trở ngại cho con đường phục hồi của kinh tế. Tuy nhiên, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia chỉ ra rằng, Việt Nam đã tạo ra sự ổn định về kinh tế vĩ mô và xã hội.
\”Đây là điều sẽ khuyến khích đầu tư nước ngoài nhiều hơn khi các nhà đầu tư luôn yêu thích những môi trường an toàn, có thể dự đoán được\”, ông Warrick Cleine nói.
Ngoài ra, Việt Nam còn có những lợi thế khác, bao gồm tăng trưởng kinh tế và mức độ tương tác của Chính phủ với cộng đồng toàn cầu. Ông cho rằng, Việt Nam đang đi đúng hướng trong hoạt động cải cách nội bộ chất lượng với luật pháp và chính sách tốt. Đồng thời, ông Clein khẳng định, Việt Nam vẫn là môi trường tốt cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài.
Về sự phục hồi kinh tế, ông Alain Cany, Chủ tịch Eurocham Việt Nam nhận định, nhờ các yếu tố cơ bản vững chắc, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi dần dần trong ít nhất 6 tháng tới cho đến khi đà tăng trưởng mạnh hơn vào nửa cuối năm 2022.
Theo ông Cany, các nhà máy tại các khu công nghiệp phía Nam có thể phục hồi chậm hơn so với những khu vực khác. Mặc dù kinh tế hiện đang dần mở cửa trở lại, các lĩnh vực đầu tiên phải đóng cửa như du lịch, khách sạn, tổ chức sự kiện… vẫn bị kiểm soát chặt chẽ. Điều này khiến người tiêu dùng e ngại hơn dẫn tới ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị.
Một số công ty sử dụng nhiều lao động đã giảm quy mô sản xuất do làn sóng thứ 4 của Covid-19, có thể phải đối mặt với những thách thức mới trong việc tuyển dụng và đào tạo nhân sự. Tuy nhiên, ông Cany chỉ ra rằng, một số lĩnh vực vẫn được hưởng lợi trong đại dịch như thương mại điện tử.
Theo đó, Chủ tịch Eurocham Việt Nam dự đoán, thị trường này sẽ tiếp tục phát triển, khi người tiêu dùng ngày càng quen với việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ trực tuyến. Mặt khác, nhờ các hiệp định thương mại tự do, sản xuất và xuất khẩu hải sản, cà phê, quần áo, giày dép, thiết bị cơ khí ở Việt Nam cũng sẽ sớm phục hồi.
Bên cạnh các nhà đầu tư nước ngoài, TS.Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Chủ tịch Tập đoàn FPT cho hay, khu vực kinh tế tư nhân trong nước cũng gặp rất nhiều khó khăn trong những tháng gần đây, và họ cũng đang rất kỳ vọng đà tăng trưởng sẽ trở lại.
Các chuyên gia nhận định, kể từ khi Chính phủ thay đổi chính sách về Covid-19, nền kinh tế đã nhanh chóng mở cửa trở lại và quá trình chuyển đổi sang kỹ thuật số đã bắt đầu. Hiện tại, Chính phủ đang lên kế hoạch cho một gói hỗ trợ mới để phục hồi kinh tế, đồng thời cũng đã áp dụng công nghệ trong việc kiểm soát Covid-19. Dự kiến sẽ có nhiều giải pháp hơn nữa, ứng dụng AI và công nghệ sẽ hỗ trợ kiểm soát tình hình và phục hồi kinh tế nhanh chóng trong thời gian sớm nhất.
Theo nhipsongkinhte.toquoc.vn