Già hóa dân số có thể khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm lại, làm tăng chi tiêu công và gia tăng áp lực đối với hệ thống cung cấp dịch vụ công nếu không có các cải cách kịp thời.

Báo cáo “Việt Nam: Thích ứng với xã hội già hóa” do Ngân hàng Thế giới và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp thực hiện cho thấy, so với các quốc gia đã từng trải qua tình trạng già hóa dân số như Việt Nam hiện nay, thì cả trình độ phát triển kinh tế lẫn thu nhập bình quân của Việt Nam đều thấp hơn.

Viễn cảnh “chưa giàu đã già” có nghĩa là Việt Nam sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức quan trọng mà để giải quyết sẽ không tránh khỏi những lựa chọn chính sách khó khăn.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: “Việt Nam đã thành công trong việc tận dụng lực lượng lao động dồi dào để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 3 thập kỷ qua. Giờ đây, cùng với quá trình già hóa dân số, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng kỹ năng cho lực lượng lao động để thúc đẩy đổi mới và nâng cao năng suất nền kinh tế cũng như bắt đầu tiến hành cải cách lương hưu ngay từ bây giờ để duy trì sinh kế cho người cao tuổi trong những thập kỷ tới.”

Với tỷ lệ sinh giảm và tuổi thọ tăng, người cao tuổi dự kiến sẽ chiếm từ 10 – 20% dân số Việt Nam vào năm 2035. Tỷ lệ phụ thuộc tuổi già của Việt Nam, được tính bằng số người trên 65 tuổi chia cho số người trong độ tuổi lao động, ước tính sẽ tăng gấp đôi từ 0,11 năm 2019 lên 0,22 năm 2039.

Báo cáo cho thấy, tốc độ tăng trưởng dài hạn trong giai đoạn 2020 – 2050 sẽ chậm lại 0,9 điểm phần trăm so với 15 năm qua khi Việt Nam chuyển dần sang cơ cấu dân số già. Bên cạnh đó, việc đáp ứng nhu cầu của một xã hội già hóa cũng được dự báo sẽ tiêu tốn thêm từ 1,4 – 4,6% GDP. Việc mở rộng phạm vi bao phủ và cải thiện chất lượng dịch vụ tất yếu sẽ dẫn đến tăng chi phí tài khóa.

\"\"

Điểm đáng chú ý của Báo cáo liên quan đến hệ thống tiền lương.

Theo đó, cơ chế tiền lương dựa trên thâm niên có một số ưu điểm so với cơ chế tiền lương dựa trên hiệu suất như: dễ quản lý hơn vì cơ chế này áp dụng theo công thức, ít thay đổi, và có thể loại trừ tình trạng thiên vị vì mọi nhân viên đều được đối xử giống nhau. Loại cơ chế này thường tạo ra lực lượng lao động ổn định, có những nhân viên trung thành, tỷ lệ thay thế nhân viên tương đối thấp, giúp xây dựng đội ngũ nhân viên có nhiều kinh nghiệm sau khi làm cùng một công việc trong một vài năm.

Nhược điểm của cơ chế này là thường không phù hợp với chiến lược phát triển lực lượng lao động có hiệu suất cao, do không có động cơ tài chính để nhân viên cố gắng làm nhiều hơn mức tối thiểu cần thiết. Mức lương theo thâm niên cũng làm chậm thay đổi hiện trạng, không khuyến khích tư duy đổi mới hoặc sáng tạo để tăng năng suất thông qua thay đổi cách cấu trúc công việc hoặc cách nhân viên thực hiện công việc.

Việc trả lương theo thâm niên phần nào phản ánh các giá trị văn hóa tập thể. Trong khi đó, chế độ đãi ngộ dựa trên hiệu suất thường xuất hiện trong các nền văn hóa đề cao chủ nghĩa cá nhân. Các xã hội theo chủ nghĩa tập thể thường quyết định việc thăng tiến dựa trên thâm niên, còn các nền văn hóa theo chủ nghĩa cá nhân lại thường tập trung hơn vào tiềm năng thăng tiến trong tương lai của nhân viên dựa trên hiệu quả công việc. Việt Nam có xu hướng không ưu tiên nhiều với chủ nghĩa cá nhân.

Báo cáo đưa ra khuyến nghị để Việt Nam có thể quản lý tình trạng già hóa dân số một cách hiệu quả, dựa trên bài học kinh nghiệm ở các quốc gia khác đã trải qua quá trình chuyển đổi nhân khẩu học tương tự, ví dụ như Nhật Bản.

Các khuyến nghị này bao gồm những cải cách cần thiết để cải thiện sự tham gia của lực lượng lao động và nâng cao năng suất, tăng cường hiệu quả chi tiêu công và củng cố hệ thống cung cấp dịch vụ.

Báo cáo cũng khuyến nghị các hành động chính sách trong 4 lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ xu hướng già hóa là thị trường lao động, lương hưu, y tế và chăm sóc người cao tuổi.

\"\"

Ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho biết: “Kể từ khi trở thành quốc gia siêu già vào năm 1960, Nhật Bản đã trải qua nhiều hệ lụy khác nhau của quá trình già hóa, đặc biệt là những tác động liên quan đến việc điều chỉnh các chương trình bảo trợ xã hội và thúc đẩy chăm sóc tại cộng đồng. Đã có nhiều thành công nhưng cũng không ít kinh nghiệm cay đắng. Chúng tôi hy vọng những bài học chia sẻ này sẽ hữu ích để giúp Việt Nam không chỉ ứng phó được với tình trạng thay đổi nhân khẩu học mà còn thu được lợi ích từ đó”.

Hiểu lầm về “hiệu ứng lấn át\”

Số lượng công việc ngày càng tăng đã cho thấy rằng, sự tham gia của lao động lớn tuổi không ảnh hưởng đến việc làm của lao động trẻ tuổi.

Việc cho rằng lao động lớn tuổi và lao động trẻ tuổi không thể cùng xuất hiện là chưa chính xác do những mỗi đối tượng có những kỹ năng làm việc khác nhau. Do đó, nếu có cả 2 đối tượng này, doanh nghiệp có thể tăng năng suất, qua đó thúc đẩy thêm nhu cầu về lao động.

Báo cáo của OECD cho thấy, mức độ có việc làm của lao động trẻ tuổi tỷ lệ thuận với lao động lớn tuổi trong khối này. Trong nội bộ mỗi quốc gia cũng có mối tương quan tỷ lệ thuận giữa việc làm của lao động độ tuổi 55 – 64 với lao động độ tuổi 20 – 24.

Nghiên cứu tại Đan Mạch, Pháp, Đức và nhiều nơi khác không đưa ra được bằng chứng nào cho thấy việc nếu người lớn tuổi nghỉ việc sớm sẽ giúp tăng cơ hội việc làm cho thanh niên. Ở Trung Quốc, việc người cao tuổi vẫn làm việc giúp tăng sự tham gia lực lượng lao động và tiền lương của người trẻ tuổi.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có lực lượng lao động đa dạng về độ tuổi có thể có năng suất cao hơn so với các doanh nghiệp có sự đồng nhất về độ tuổi, ví dụ như ở Đan Mạch. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều người nghi ngờ về hiệu quả của các chính sách cho phép người lao động nghỉ hưu muộn.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top