12586 Banle

Những năm gần đây, xuất khẩu (XK) sang thị trường Thái Lan liên tục tăng trưởng, nhưng theo các chuyên gia, nếu các DN Việt biết khai thác và chủ động tìm hiểu nhu cầu thị trường này, kim ngạch XK còn có thể tăng hơn nữa.

Khai thác thị trường ngách
Thái Lan là thị trường lớn cho DN Việt Nam XK hàng hóa, bởi có những thuận lợi nhất định về địa lý. Tuy nhiên, DN Thái Lan có nhiều thế mạnh hơn Việt Nam về vốn, nắm rõ văn hóa tiêu dùng của người bản địa. Vì vậy, đẩy mạnh kết nối với DN bán lẻ Thái Lan đưa hàng Việt sang tiêu thụ là giải pháp được nhiều DN Việt lựa chọn.
Tổng Giám đốc Công ty CP hạt điều Hải Bình (tỉnh Gia Lai) Nguyễn Huỳnh Phú Lâm thông tin, từ năm 2019 đến nay, đơn vị đã XK sản phẩm hạt điều vào Thái Lan thông qua chuỗi siêu thị Tops (thuộc Tập đoàn Central Group). “Thái Lan vốn là xứ sở của thực phẩm chế biến, tuy nhiên ngành hạt thì không bằng Việt Nam; cách chế biến của Việt Nam cũng khác biệt tạo ra điểm nhấn, đây là \”cửa\” dành cho hàng Việt XK sang nước bạn” – ông Lâm nói. Không chỉ dần tự tin hơn vì tìm ra những thị trường ngách, nhiều DN có sản phẩm phải cạnh tranh trực diện với hàng Thái như nước mắm Thanh Quốc, trái cây sấy Thuận Thiên Thành, Vinamit… cũng chọn khẩu vị chế biến khác biệt để chinh phục người tiêu dùng Thái Lan.
Nói về tiềm năng tiêu thụ sản phẩm Việt Nam tại thị trường Thái Lan, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, hàng hóa XK vào Thái Lan được hưởng ưu đãi thuế quan ASEAN, gần gũi khoảng cách vận chuyển hàng hóa. Đặc biệt, tại Thái Lan có đông Việt kiều sinh sống, sở hữu những siêu thị cung cấp hàng hóa cho chuỗi đại siêu thị, đây chính là “cửa ngách” để DN đưa hàng Việt Nam vào Thái Lan tiêu thụ.
Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân cho biết, nhiều nông sản Việt Nam như: Vải thiều, thanh long, cà phê, hạt điều, trái cây sấy khô… đã XK thành công sang Thái Lan. “Nhiều mặt hàng nông sản, trái cây tươi đến nay Thái Lan vẫn đang phụ thuộc vào nhập khẩu từ Việt Nam, đơn cử như trái vải thiều đã thâm nhập tốt vào thị trường này trong mấy năm trở lại đây” – bà Vân nêu ví dụ.
Thực tế cho thấy, từ năm 2016 đến nay, nhiều tập đoàn bán lẻ Thái Lan như Central Group, TCC đã liên tục phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức các chương trình kết nối kinh doanh với DN Việt Nam. Ngày 2/6, Tập đoàn Central Group phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan tổ chức chương trình kết nối kinh doanh với các DN Việt, qua đó đưa sản phẩm thực phẩm, vật liệu xây dựng, đồ nội thất vào thị trường Thái Lan thông qua Tập đoàn Central Group.
Còn nhiều việc phải làm
Báo cáo hoạt động XK của Bộ Công Thương cho thấy, mặc dù hàng Việt đã bắt đầu thâm nhập thị trường Thái Lan nhưng từ năm 2018 đến nay, kim ngạch XK sang thị trường này chỉ dao động từ 4,5 – 5,5 tỷ USD, chiếm 2,2% thị phần nhập khẩu của Thái Lan.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Châu Á – Châu Phi (Bộ Công Thương) Tô Ngọc Sơn, DN Việt chưa tăng được kim ngạch XK là do vẫn còn tâm lý e dè cho rằng sản phẩm Thái Lan có giá thành, chất lượng hơn hàng Việt. “Chính tâm lý tự ti này đã khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như nông thủy sản, săm lốp, sắt thép, dây điện và cáp điện, gốm sứ… mặc dù có nhiều lợi thế hơn hàng Thái Lan nhưng chiếm không quá 10% kim ngạch Thái Lan nhập khẩu” – ông Sơn nêu rõ.
Tại chương trình kết nối kinh doanh với các DN Việt Nam diễn ra mới đây, Giám đốc thu mua ngành hàng nước giải khát của Central Retail tại Việt Nam Trương Tố Uyên chia sẻ, trước khi đưa hàng Việt thâm nhập vào hệ thống bán lẻ Thái Lan, DN phải tìm hiểu rõ nhu cầu thị trường dự kiến khai thác, từ đó đưa ra sản phẩm, chiến lược kinh doanh phù hợp. Đặc biệt, DN phải đáp ứng quy trình và các tiêu chuẩn kỹ thuật của DN bán lẻ. “Chẳng hạn, DN trước tiên phải cung cấp cho Central Retail các chứng từ gồm: Giấy chứng nhận đăng ký DN; Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm/ISO/HACCP; Phiếu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm… Mặc dù quy định khá rõ, cụ thể nhưng nhiều DN không đáp ứng được yêu cầu nên hệ thống bán lẻ Thái Lan không thể tiêu thụ” – bà Uyên thông tin.
Dự kiến từ ngày 24 – 26/6, tại tỉnh Udon Thani (Thái Lan), Bộ Công Thương và Tập đoàn Central Group tổ chức chương trình “Một hương vị Việt Nam”. Đây là một trong những hoạt động được triển khai từ năm 2016 trên cơ sở Đề án “Thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài, giai đoạn đến 2020” của Bộ Công Thương.Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thái Lan Trần Thị Thanh Mỹ

Theo kinhtedothi.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top