01c83 may saigon 3

Doanh nghiệp may mặc Việt Nam vừa đón nhận tin vui từ cơ quan Hải quan, khi chính sách áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để đưa đi thuê gia công sản xuất hàng xuất khẩu được dỡ bỏ. Chính sách miễn thuế hàng hóa nhập khẩu đưa đi thuê gia công để sản xuất hàng xuất khẩu nói trên không chỉ giới hạn với doanh nghiệp thuộc ngành may mặc.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) vừa có thông báo đến các doanh nghiệp trong ngành về việc Tổng cục Hải quan đã chính thức có Công văn 879/TCHQ-TXNK thông báo về việc xử lý thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu đưa đi gia công lại.

Cụ thể, về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu được đưa đi gia công, đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu đăng ký tờ khai hải quan từ ngày 1-9-2016 (ngày Luật thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu có hiệu lực), doanh nghiệp có đưa một phần nguyên liệu, vật tư linh kiện nhập khẩu để thuê doanh nghiệp khác gia công hoặc thuê doanh nghiệp khác gia công một hoặc một số công đoạn của sản phẩm và đã nhận lại bán thành phẩm để tiếp tục sản xuất xuất khẩu hoặc nhận lại thành phẩm để xuất khẩu toàn bộ ra nước ngoài thì được miễn thuế theo quy định tại khoản 7, điều 16 Luật Thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu số 107/2016/QH13.

Mấy năm nay, doanh nghiệp thuộc trường hợp có phần hàng hóa nhập khẩu đã đưa cho doanh nghiệp khác sản xuất hoặc gia công không thuộc đối tượng được miễn thuế nhập khẩu.không thuộc đối tượng được miễn thuế nhập khẩu. Điều này khiến không ít doanh nghiệp hoạt động gia công trong ngành gặp nhiều khó khăn và họ đã nhiều lần gõ cửa \”kêu cứu\”.

Vậy là sau một thời gian dài kiến nghị tới các cơ quan quản lý liên quan, cuối cùng “đơn kêu cứu” của các doanh nghiệp dệt may về vấn đề gia công lại theo Nghị định 134/2016/NĐ-CP đã được lắng nghe và giải quyết. VITAS đánh giá đây là quyết định sửa đổi sáng suốt của Chính phủ và các cơ quan quản lý. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động, tránh đổ vỡ, phá sản ảnh hưởng đến việc làm và đời sống của hàng ngàn lao động.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhận định đây là thông tin rất vui đầu năm 2021 cho các doanh nghiệp có hoạt động thuê gia công lại.

Ảnh minh họa là hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp ngành dệt may – May

Trong khi đó, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may – Thêu đan TPHCM, cũng cho rằng đây là thông tin rất vui đối với các doanh nghiệp vì thuế nhập nguyên phụ liệu dệt may hiện nay tính ở mức bình quân là trên dưới 10%. Theo ông Hồng, việc thuê gia công lại này cũng thường xảy ra đối với những doanh nghiệp liên kết, những doanh nghiệp thành viên,… làm những hợp đồng lớn theo mùa, thời vụ để kịp đơn hàng cho khách.

Về việc xử lý thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (GTGT) ở khâu nhập khẩu, theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan rằng: trường hợp doanh nghiệp chưa bị ấn định thuế thì cơ quan hải quan không ban hành quyết định ấn định thuế.

Trường hợp doanh nghiệp đã bị ấn định thuế nhưng chưa nộp số tiền bị ấn định vào Ngân sách Nhà nước thì cơ quan Hải quan thực hiện sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ quyết định ấn định thuế.

Đối với trường hợp doanh nghiệp đã bị ấn định thuế và đã nộp số thuế bị ấn định vào Ngân sách Nhà nước thì cơ quan hải quan thực hiện sửa đổi, bổ sung, hoặc hủy quyết định ấn định thuế, số tiền thuế mà doanh nghiệp đã nộp được xử lý theo quy định về xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa.

Đối với số thuế giá trị gia tăng bị ấn định, đã nộp và chưa được cơ quan thuế quản lý giải quyết hoàn thuế GTGT thì cơ quan hải quan thực hiện hoàn trả theo quy định.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng giao hải quan các tỉnh thành phố kiểm tra báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư nguyên liệu, hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp sử dụng hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu. Như vậy, chính sách miễn thuế này được hiểu không chỉ dành riêng cho doanh nghiệp may mặc.

Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa để sản xuất hàng xuất khẩu thuộc đối tượng có dấu hiệu rủi ro, doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị hoặc xuất khẩu sản phẩm tăng, giảm bất thường so với năng lực sản xuất, số liệu quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư hàng hóa xuất khẩu có sự chênh lệch bất thường so với số liệu trên hệ thống của cơ quan hải quan thì cơ quan thực hiện kiểm tra sau thông quan tại trụ sở doanh nghiệp.

Việc kiểm tra này để xác định hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu được sử dụng đúng mục đích, miễn thuế đúng quy định của pháp luật thuế, đặc biệt với doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa để sản xuất hàng xuất khẩu đưa đi thuê doanh nghiệp khác gia công, không để xảy ra tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách.

Theo quy định trước đây, từ ngày 1-9-2016, trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa để sản xuất hàng xuất khẩu nhưng không trực tiếp sản xuất toàn bộ hàng hóa xuất khẩu mà giao một phần hoặc toàn bộ hàng hóa đã nhập khẩu cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện gia công hoặc sản xuất một hoặc một số công đoạn sau đó nhận lại sản phẩm để tiếp tục sản xuất và xuất khẩu sản phẩm; trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa để sản xuất hàng xuất khẩu, đã đưa hàng hóa nhập khẩu vào sản xuất, sau đó thuê tổ chức, cá nhân khác thực hiện gia công hoặc sản xuất một hoặc một số công đoạn và nhận lại sản phẩm để tiếp tục sản xuất và/hoặc xuất khẩu sản phẩm thì không đáp ứng cơ sở xác định hàng hóa được miễn thuế theo quy định tại Nghị định 134/2016/NĐ-CP (không đáp ứng điều kiện có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đối với máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất phù hợp với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu) nên phần hàng hóa nhập khẩu đã đưa cho doanh nghiệp khác sản xuất hoặc gia công không thuộc đối tượng được miễn thuế nhập khẩu.

Theo thesaigontimes.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top