\"ngành

Du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19. Đại dịch cho chúng ta nhiều bài học về xây dựng quỹ dự phòng khủng hoảng và phát triển thị trường du lịch quốc tế và nội địa. Để phục hồi ngành du lịch trong bối cảnh hiện tại, chúng ta cần phải có những giải pháp kịp thời và triệt để để chủ động thu hút các khách du lịch.

Ngành du lịch bị tê liệt bởi đại dịch Covid

Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức công bố dịch COVID-19 do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) là đại dịch toàn cầu. Ngành du lịch là ngành chịu tác động nghiêm trọng nhất do lượng du khách từ nước ngoài, cũng như du lịch nội địa bị hạn chế do lo ngại sự lây lan của dịch COVID-19.

Theo báo cáo của Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), số liệu thống kê sơ bộ cho thấy khi dịch COVID-19 quay lại, đến nay đã có hàng triệu khách du lịch hoãn, hủy tour du lịch.

Kết quả quý II/2020 cho thấy toàn ngành Du lịch gần như tê liệt do tình trạng cách ly xã hội để phòng ngừa dịch bệnh. TP. Đà Nẵng là một trong những điểm du lịch hàng đầu của Việt Nam, có tổng lượng du khách trong quý I/2020 đạt gần 1.3 triệu du khách từ trong và ngoài nước, giảm 31.2% so với cùng kỳ năm 2019.

Bên cạnh đó, các hãng hàng không Việt Nam đã dừng tất cả các chuyến bay đến Trung Quốc trong khi khách du lịch Trung Quốc vốn là nguồn khách du lịch lớn nhất tại Việt Nam (chiếm 26.1% khối lượng vận chuyển quốc tế). Toàn bộ các tour du lịch từ Việt Nam đi Trung Quốc cũng bị hủy vì dịch bệnh khiến các công ty lữ hành và ngành hàng không có thể bị thiệt hại hàng tỷ đồng. Hàng triệu lao động trong ngành Du lịch bị giảm thu nhập, thậm chí bị cắt giảm do thiếu việc làm. Tổng cục Du lịch Việt Nam ước tính thiệt hại cho ngành Du lịch Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 2 – tháng 4/2020 lên đến 5,9-7,7 tỷ USD.

Có thể nói, Đại dịch COVID-19 đã giáng một đòn chí mạng lên ngành du lịch Việt Nam và thế giới. Thời điểm này, xác định bao giờ để du lịch Việt Nam và thế giới mở cửa trở lại bình thường như trước vẫn là một dấu hỏi rất lớn, bởi điều đó chỉ có thể xảy ra khi nào tìm được vaccine phòng ngừa căn bệnh này hoặc khi các nước dần khống chế được đại dịch như Việt Nam.

 

Giải pháp hỗ trợ ngành Du lịch Việt Nam sau dịch Covid–19

Trong bối cảnh hậu dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành Du lịch nói riêng cần có giải pháp kịp thời để tháo gỡ khó khăn và phát huy những lợi thế du lịch của Việt Nam, cụ thể:

Một là, do sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, có thể khách du lịch sẽ thay đổi xu hướng du lịch của mình để đảm bảo an toàn sức khỏe. Xu hướng du lịch trong khoảng cách gần bằng phương tiện cá nhân sẽ thay thế cho những chuyến bay xuyên quốc gia, lục địa. Do đó, du lịch nội địa có thể sẽ là xu hướng du lịch trong thời gian tới. Các chuyến đi sẽ ngắn ngày hơn, hướng về các di sản văn hoá, thiên nhiên tránh những tụ điểm đông đúc.

Vì vậy, để hấp dẫn du lịch nội địa cần có giải pháp đồng bộ từ việc tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch nội địa, tổ chức liên kết các nhà cung cấp dịch vụ để hình thành những chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi cho khách du lịch Việt Nam. Cần đầu tư các tuyến du lịch nội địa mới, chú trọng khai thác du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch gắn với bảo vệ môi trường.

Hai là, các công ty du lịch cần phải đồng lòng liên kết với hàng không, vận tải, khách sạn, nhà hàng… để xây dựng những gói kích cầu du lịch nhằm giúp cho du lịch hồi phục nhanh sau giai đoạn khủng hoảng.

Ba là, Nhà nước cần có những chính sách miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp trong ngành Du lịch như miễn thuế giá trị gia tăng cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch, giảm chi phí môi trường cho các doanh nghiệp du lịch, giảm thuế khoán đối với các hộ kinh doanh du lịch cá thể, áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch thay vì áp dụng mức giá dịch vụ…

Bốn là, tăng cường xúc tiến, quảng bá, phát triển các sản phẩm mới để thu hút khách du lịch quốc tế, nhất là khách du lịch từ các vùng không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đồng thời tập trung phát triển mạnh du  lịch nội địa ở các vùng, miền của đất nước.

Năm là, bên cạnh các chương trình kích cầu du lịch, các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch cần được các địa phương, doanh nghiệp lữ hành, du lịch, khách sạn, các hãng hàng không… thực hiện triệt để, nghiêm túc. Việc bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe cho người dân tại các cơ sở, điểm đến du lịch trở thành \”nhiệm vụ kép\” với việc phục hồi ngành Du lịch thời gian tới.

Nguồn tham khảo:

http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/nganh-du-lich-viet-nam-trong-mua-dich-covid19-va-van-de-dat-ra-329127.html

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top