Ngày 21-1, tuyến cáp quang biển APG – một trong những tuyến cáp quang quan trọng kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế bị đứt, chưa xác định thời gian sửa chữa do cách đất liền quá xa; đến ngày 30-1, tiếp tục tuyến IA bị đứt, khiến 4/5 tuyến cáp quang biển kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế bị ảnh hưởng lớn.

Theo Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), tuyến Liên Á (Intra Asia – IA) vừa gặp trục trặc, nguyên nhân được xác định do đứt cáp tại vị trí cách trạm cập bờ Singapore khoảng 130 km, làm mất toàn bộ dung lượng kết nối quốc tế từ Việt Nam đi Singapore qua IA.

Sự cố IA nâng tổng số cáp quang biển gặp lỗi lên 4 tuyến. Trước đó, các tuyến cáp quang biển APG (Asia Pacific Gateway), AAG (Asia America Gateway) và AAE-1 (Asia – Africa – Europe 1) cũng gặp sự cố từ cuối năm 2022 vẫn chưa được khắc phục xong.

Đặc biệt, sáng ngày 21-1 (30 Tết), tuyến cáp quang biển APG bị đứt cuối tháng 12-2022 tiếp tục bị đứt và mất tín hiệu. Theo thông báo từ đơn vị quản lý tuyến APG, vấn đề nằm ở nhánh S9, cách bờ 151 km, gây ảnh hưởng đến kết nối trên toàn tuyến và chưa xác định được thời gian xử lý.

Việt Nam hiện kết nối với 7 tuyến cáp quang biển là SMW3, AAG, IA, APG, AAE-1, SJC2, ADC. Tuy nhiên trong số này, SJC2 và ADC chưa đi vào vận hành chính thức. Tuyến duy nhất còn hoạt động là SMW3 lại là tuyến cáp cũ và chuẩn bị được thanh lý.

Việc 4/5 tuyến cáp đồng thời gặp sự cố khiến việc truy cập Internet đi quốc tế của người dùng Việt Nam bị ảnh hưởng lớn, tín hiệu rất chập chờn, độ phân giải thấp, tốc độ chậm…

Đại diện nhà mạng VNPT xác nhận, với sự cố xảy ra trên cả 4 hệ thống cáp biển, việc truy cập Internet quốc tế của người dùng bị ảnh hưởng, nhất là trong giờ cao điểm và ở những hoạt động đòi hỏi băng thông Internet tốc độ cao như chơi game trực tuyến, xem phim. Đây là sự cố bất khả kháng và gây ảnh hưởng đến tất cả các nhà cung cấp Internet của Việt Nam, văn bản thông báo của VNPT cho biết.

Theo TTXVN, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các nhà mạng làm việc với các đơn vị quản lý cáp quang biển quốc tế để nhanh chóng xử lý sự cố, đồng thời thực hiện một số biện pháp ứng cứu: chia sẻ tải giữa các link quốc tế, chủ động phối hợp với các dịch vụ Internet như Facebook, TikTok, YouTube… để tối ưu lưu lượng theo các hướng cáp, mở ứng cứu bằng cách bổ sung tài nguyên cáp trên đất liền.

Theo Kinh tế Sài Gòn online (The Saigon Times)

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top