Theo các chuyên gia chứng khoán, xu hướng tăng trong trung và dài hạn của thị trường chứng khoán vẫn còn, vì thế việc VN-Index đột phá qua ngưỡng 1.510 điểm sẽ mở ra cơ hội để tiếp tục vượt đỉnh cũ 1.536 điểm, từ đó sẽ xác lập một xu hướng tăng mới.
Phiên giao dịch sáng nay, ngày 21/2, diễn ra khá tích cực với sắc xanh hiện diện trên các chỉ số. Nhóm Bất động sản, Xây dựng là tâm điểm với hàng loạt mã tăng mạnh, thậm chí tăng trần như CII, HDC, NBB, VRC. Bên cạnh đó, nhóm chứng khoán cũng có giao dịch tích cực với hàng loạt mã tăng điểm như AGR, BVS, CTS, HCM, MBS, SHS, SSI, VND… Các cổ phiếu dầu khí cũng có giao dịch khả quan với CNG, PGD, PSD, PVB, PVC, PVD, PVS, PVT…tăng điểm trong bối cảnh giá dầu thế giới neo ở mức cao.
Tạm dừng phiên sáng, chỉ số VN-Index tăng 3,88 điểm (0,26%) lên 1.508,72 điểm; HNX-Index giảm 1,16% lên 440,67 điểm; UPCom-Index lên 0,63% lên 113,44 điểm. Thanh khoản toàn thị trường ở mức trung bình với giá trị giao dịch 3 sàn đạt 17.000 tỷ đồng. Giao dịch khối ngoại là điểm sáng với giá trị mua ròng trên sàn HoSE đạt 165 tỷ đồng. Lực mua tập trung vào VHM, KBC, DXG, TPB, VND…
Phiên giao dịch chiều đang diễn ra khá tích cực với sự bứt phá của nhiều nhóm ngành. Trong đó, nhóm ngân hàng như ACB, BID, CTG, MBB, VPB,…sau những phút điều chỉnh buổi sáng đã thu hút dòng tiền mạnh và hiện đồng loạt đảo chiều tăng giúp VN-Index bứt phá mạnh. Các nhóm cổ phiếu Bất động sản, Xây dựng, Dầu khí, Chứng khoán vẫn giữ vững đà tăng từ phiên sáng giúp thị trường được củng cố.
Tại thời điểm 13h20’, chỉ số VN-Index tăng 9,36 điểm (0,62%) lên 1.514,28 điểm; HNX-Index tăng 1,64% lên 442,76 điểm. Thanh khoản thị trường được cải thiện với giá trị giao dịch 3 sàn đạt hơn 19.000 tỷ đồng. Giao dịch khối ngoại cũng khá tích cực khi họ mua ròng gần 200 tỷ đồng trên HoSE.
Ảnh: Vietnambiz
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu – Trưởng nhóm phân tích chiến lược, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam đánh giá:
\”Hai tuần sau kỳ nghỉ tết, chỉ số VN-Index đã vượt được ngưỡng 1.500 điểm. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy xu hướng tăng đang quay trở lại. Tuy nhiên, để nói xu hướng tăng thật sự được xác nhận và nhà đầu tư có thể quay lại thị trường thì cần có thêm nhiều tín hiệu khác nữa.
Thứ nhất, chỉ số vượt 1.500 điểm nhưng khối lượng không có sự gia tăng tương ứng. Điều này hàm ý rằng, tín hiệu phá vỡ chưa thật sự đáng tin cậy. Nhà đầu tư vẫn có sự thận trọng nhất định ở giai đoạn hiện tại.
Thứ hai, tín hiệu phá vỡ này có thể bị đảo ngược khi chỉ số đang quay lại đóng cửa dưới ngưỡng 1.500 điểm, với phiên giảm mạnh ngày 14/02. Điều này hàm ý về khả năng bull trap (bẫy tăng giá) trong ngắn hạn.\”
Ông Hiếu cũng cho biết, trong thời gian tới, có 3 yếu tố quan trọng tác động đến thị trường chứng khoán. Thứ nhất là sự mở cửa của nền kinh tế. Ở giai đoạn hiện tại, dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát ở Việt Nam và Chính phủ đang tiến hành mở cửa dần dần nền kinh tế. Điều này có thể là động lực chính giúp nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng tăng trưởng trong thời gian tới.
Thứ hai là các gói kích thích kinh tế của Chính phủ. Tốc độ triển khai và quy mô của các gói này sẽ có tác động nhất định đến quá trình phục hồi và phát triển của kinh tế trong ngắn, trung và dài hạn.
Thứ ba là áp lực lạm phát. Hiện tại, lạm phát ở Việt Nam đang được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, sự tăng giá của giá cả hàng hóa thế giới có thể tác động đến giá cả hàng hóa trong nước. Qua đó, tạo ra áp lực lạm phát trong nước lớn lên. Cuối cùng, sẽ gia tăng rủi ro lên thị trường.
Tóm lại, để khẳng định xu hướng tăng đã quay trở lại, thị trường cần cho thấy thêm nhiều tín hiệu xác nhận về xu hướng hơn nữa như tăng trưởng với khối lượng được cải thiện, một phiên đột phát thật sự mạnh mẽ…
Theo: Thời báo Tài chính Việt Nam và CafeF