Hôm 24-2, giữa lúc giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng vọt vượt 100 đô la/thùng do Nga phát động tấn công quân sự ở Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ đang làm việc với các đối tác trên thế giới nhằm mở một đợt bán dầu mới từ kho dự trữ chiến lược sau khi các bên đã phối hợp bán dầu dự trữ vào tháng 11-2021.
Mỹ thông báo đã mở kho dự trữ để tung ra thị trường 50 triệu thùng dầu vào tháng 11 năm ngoái, và cho biết các nước khác bao gồm Trung Quốc cũng sẽ làm điều tương tự. Sau đó, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh cho biết họ cũng sẽ tung ra thị trường một lượng dầu khiêm tốn. Trung Quốc, nước tiêu thụ và nhập khẩu dầu lớn thứ 2 thế giới, chưa bao giờ chính thức cam kết thực hiện động thái này và thay vào đó, đang mua nhiều dầu hơn để dự trữ.
Hai nguồn tin giao dịch dầu cho biết Bắc Kinh đã tăng cường mua dầu ngay sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào đầu tháng 2 tại Bắc Kinh.
Người phát ngôn của Tập đoàn Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc (Sinopec) cho biết việc nhập khẩu dầu thô trong tháng 1 của tập đoàn này ổn định so với một năm trước đó và vẫn đang tập hợp dữ liệu của tháng 2.
“Chúng tôi đã nhận được yêu cầu mới (từ các khách hàng Trung Quốc) để đưa thêm dầu đến Trung Quốc ngay từ đầu tháng 2”, một nguồn tin cấp cao từ một công ty giao dịch dầu mỏ lớn cho biết.
Một nguồn tin khác của một công ty thương mại lớn tiết lộ công ty ông và các đối thủ đã đưa một số lô hàng dầu thô từ Mỹ sang Trung Quốc trong tháng 2.
Các nguồn tin giao dịch cho biết lúc đó, họ không biết liệu Trung Quốc có biết về cuộc tấn công sắp tới vào Ukraine hay không, nhưng họ thấy rõ một điều rằng Trung Quốc quyết định tăng dự trữ dầu ngay cả khi giá đang tăng vọt.
Đầu tháng này, một lãnh đạo của một công ty kinh doanh dầu ở Trung Quốc cho biết công ty của ông đã được yêu cầu lên kế hoạch giải phóng dầu khỏi kho dự trữ nhưng sau đó không có mệnh lệnh cuối cùng nào từ chính phủ.
Hai lãnh đạo khác trong ngành kinh doanh dầu ở Trung Quốc cho biết đợt mua dầu thô ồ ạt bất thường của Unipec, đơn vị thương mại của Sinopec, trong vài tuần qua một phần là để tăng nguồn dầu dự trữ.
Augustin Prate, Phó Chủ tịch phụ trách bộ phận thị trường hàng hóa và các sản phẩm năng lượng ở Công ty tư vấn và phân tích dữ liệu Kayrros, cho biết: “Dự trữ dầu thô ở Trung Quốc tăng khoảng 30 triệu thùng kể từ giữa tháng 11, với 10 triệu thùng tăng thêm ở các nhà máy lọc dầu và 20 triệu thùng khác ở các kho cảng thương mại”.
Dựa vào hình ảnh vệ tinh giám sát các bồn chứa dầu ở Trung Quốc, Kayrros ước tính tổng sản lượng ở các kho dự trữ ở Trung Quốc khoảng 950 triệu thùng.
Một nguồn tin của Mỹ cho biết Mỹ đang làm việc với Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), tổ chức giám sát năng lượng của các nước phát triển, để giải phóng thêm dầu dự trữ. Trung Quốc không phải là thành viên đầy đủ của IEA, do vậy, mức độ hợp tác để xuất bán dầu từ kho dự trữ của nước này vẫn chưa rõ.
Hôm 24-2, Nhật Bản và Úc cho biết họ sẵn sàng phối với các thành viên khác của IEA để tung dầu từ kho dầu dự trữ nếu nguồn cung dầu toàn cầu bị tác động nghiêm trọng do chiến sự tại Ukraine.
Tính đến cuối tháng 12 năm ngoái, tổng dự trữ dầu tại các quốc gia thành viên IEA ở mức gần 4,16 tỉ thùng, bao gồm 1,5 tỉ từ các kho dự trữ chiến lược của chính phủ.
“Sự ổn định của thị trường dầu thô là vô cùng quan trọng đối với sự ổn định của nền kinh tế thế giới và nền kinh tế Nhật Bản”, Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản cho biết trong một tuyên bố.
“Chúng tôi chuẩn bị phối hợp hành động trên toàn cầu khi cần thiết. Đây là một kịch bản khác với kịch bản vào tháng 11 vì chúng ta hiện đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Ukraine”, một quan chức chính phủ Mỹ giấu tên nói.
Năm 2011, Mỹ và các nước thành viên IEA đã xuất bán tổng cộng 60 triệu thùng dầu dự trữ vào các thị trường toàn cầu để ứng phó với việc sản lượng dầu thô suy giảm ở Libya do nội chiến. Kho dầu dự trữ chiến lược của Mỹ hiện nắm giữ khoảng 582,4 triệu thùng dầu, mức thấp nhất trong nhiều năm, nhưng cao hơn nhiều so với mức cần thiết để đảm bảo tư cách thành viên của IEA.
Theo Kinh tế Sài Gòn online (The Saigon Times)