trong lua giam phat thai 1730019464941771071574

Sự canh tác liên tục, sử dụng giống, phân bón, tưới tiêu quá độ… là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động canh tác trở nên kém hiệu suất và gia tăng phát thải khí nhà kính.

Có thể tăng thu 16.500 tỷ đồng/năm từ trồng lúa phát thải thấp

Đề án 1 triệu ha lúa đã và đang được triển khai ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xác định mục tiêu đến năm 2030 giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống 80-100kg/ha, giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống.

Theo đó, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; 100% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm hơn 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống; tỷ suất lợi nhuận của nông dân trồng lúa là hơn 50%.

Theo tính toán, đề án được thực hiện sẽ giảm tới 20% chi phí sản xuất, tương đương khoảng 9.500 tỷ đồng/năm (nếu sản lượng đạt 13 triệu tấn lúa vào năm 2030). Áp dụng quy trình canh tác bền vững, giá lúa bán ra có thể tăng thêm khoảng 10%, thu hơn 7.000 tỷ đồng/năm.

“Chỉ với hai khoản này, ngành lúa gạo có thêm 16.500 tỷ đồng/năm. Chưa kể các yếu tố cộng thêm từ thương hiệu gạo giảm phát thải, phân khúc tiêu dùng xanh… mỗi năm sẽ có thêm 100 triệu USD từ ngân hàng thế giới (WB) nếu tạo ra khoảng 10 triệu tín chỉ carbon từ sản xuất lúa gạo”, Phó Giám đốc Trung tâm BSA Trần Hoàng Tuyên cho hay.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện WB cho biết, mức chi trả cho tín chỉ carbon từ các hợp tác xã sản xuất lúa giảm phát thải ở ĐBSCL dự kiến là 150 USD/ha, bắt đầu từ năm 2024. Điều này càng cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa ở ĐBSCL do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phát động, mở ra dấu mốc quan trọng để ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL phát triển bền vững.

Những khó khăn, thách thức

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa) đã và đang được các địa phương vùng ĐBSCL triển khai thực hiện quyết liệt với những kết quả ban đầu rất khả quan. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa đã gặp không ít khó khăn trong bối cảnh khu vực này chịu ảnh hưởng ngày càng nặng nề hơn do tác động của biến đổi khi hậu, thời tiết cực đoan. Cùng với đó là tình trạng sạt lở đất, thiếu nước sạch, di cư tha hương, kêu gọi đầu tư thấp, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ…

Theo WB tại Việt Nam, mỗi năm việc trồng lúa phát thải gần 50 triệu tấn khí nhà kính (CO2 quy đổi), tức trung bình sản xuất 0,9 tấn gạo sinh ra một tấn CO2 quy đổi. Con số này đang cao hơn Trung Quốc, Ấn Độ và đứng thứ 5 trong nhóm 10 cường quốc xuất khẩu gạo.

Lượng phát thải khí nhà kính từ sản xuất lúa gạo chiếm 48%, hơn 75% lượng khí thải metan của ngành nông nghiệp – là tác nhân chính khiến biến đổi khí hậu trở thành bài toán nan giải hơn. Theo một kết quả nghiên cứu, năm 2012, lượng rơm rạ phát sinh ở ĐBSCL hàng năm khoảng 26,2 triệu tấn/năm, hoạt động đốt rơm rạ phát thải 1.598,8 ngàn tấn khí CO2, 164,9 ngàn tấn khí CH4.

Đến năm 2020, với sự thay đổi về sản lượng lúa và tỷ lệ đốt rơm rạ giảm nên lượng khí thải ước tính giảm xuống còn 1123,6 ngàn tấn khí CO2, khí CH4 cũng giảm xuống còn 115,9 nghìn tấn, khí NOx còn 27,5 nghìn tấn và N2O còn 0,8 nghìn tấn. Hiện nay, nguồn rơm được cuộn lại, giao dịch mua bán tốt hơn, tuy nhiên, lượng rạ vùi tại chỗ vẫn còn rất lớn.

Theo ông Trần Hoàng Tuyên- Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phụ trách Văn phòng ĐBSCL tại Cần Thơ chính sự canh tác liên tục, sử dụng giống, phân bón, tưới tiêu quá độ là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động canh tác trở nên kém hiệu suất trong khi khí nhà kính gia tăng. Sự tăng trưởng và khả năng cạnh tranh xuất khẩu của ngành nông nghiệp này đang bị đe dọa bởi tình trạng suy thoái môi trường và tác động của biến đổi khí hậu.

Cụ thể, trong giai đoạn 1980 – 1990 tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt 4,5%, hai thập kỷ tiếp theo giảm còn 2,9% và 2,5%, giai đoạn 2011-2019 chỉ còn 1%.

Trong bối cảnh đó, việc chuyển đổi sang sản xuất lúa carbon thấp là bước tiến quan trọng hướng tới nông nghiệp bền vững. Đồng thời là sự đóng góp có ý nghĩa trong việc giảm nhẹ thiên tai, hạn chế biến đổi khí hậu và giảm chi phí sản xuất cho ngành nông nghiệp…

Theo Tạp chí doanh nghiệp Việt Nam

Scroll to Top