Tập đoàn tư vấn Boston nhận định các nhà sản xuất có hàm lượng carbon cao bên ngoài EU sẽ mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường EU khi giá carbon được tính vào hàng xuất khẩu của họ.
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) do Liên minh châu Âu (EU) đề xuất đã có hiệu lực vào đầu tháng Mười. Đây là cơ chế được thiết kế để cân bằng chi phí carbon cho các nhà sản xuất dù ở trong hay ngoài EU.
Trước tiên, CBAM sẽ áp dụng đối với việc nhập khẩu hàng hóa có quy trình sản xuất đặc biệt phát thải nhiều carbon, như ximăng, sắt thép, nhôm, phân bón, điện và hydro.
Hiện, các nhà nhập khẩu chỉ phải thu thập và báo cáo dữ liệu về lượng khí thải phát sinh trong quá trình sản xuất các sản phẩm mà họ mua.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2026, họ sẽ phải khai báo lượng khí nhập khẩu hàng năm và “khí nhà kính tiềm ẩn,” sau đó nộp đủ chứng chỉ CBAM để bù đắp cho lượng khí thải.Giá của chứng chỉ sẽ phụ thuộc vào mức giá đấu giá trung bình hàng tuần của các khoản phụ cấp của Hệ thống thương mại khí thải của EU (ETS), hiện ở mức khoảng 85 euro (90 USD) cho mỗi tấn CO2.
Ông Joachim Monkelbaan, Trưởng nhóm Thương mại Khí hậu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), giải thích: “ETS cho phép các khoản trợ cấp miễn phí cho một số lĩnh vực khó giảm bớt phát thải, nhưng để tuân thủ các quy định của WTO, những khoản này cần phải được loại bỏ dần khi CBAM được thực hiện theo từng giai đoạn.”
Trong khi đó, Tập đoàn tư vấn Boston cho biết tác động của CBAM sẽ lan truyền khắp chuỗi cung ứng toàn cầu theo nhiều cách khác nhau.
Tập đoàn này đánh giá: “Các nhà sản xuất có hàm lượng carbon cao bên ngoài EU sẽ trở nên kém cạnh tranh hơn trên thị trường EU khi giá carbon được tính vào hàng xuất khẩu của họ… Người dùng cuối ở EU có thể phải đối mặt với mức giá cao hơn và có thể bắt đầu tìm kiếm các đối tác thương mại thay thế hoặc yêu cầu các đối tác thương mại hiện tại giảm hàm lượng carbon trong sản phẩm của họ”.
Theo TTXVN