Từ tháng 11/2021, nếu đà kiểm soát dịch bệnh theo chiều hướng khả quan, các biện pháp hỗ trợ, khôi phục nền kinh tế được triển khai đồng bộ, khả năng sản xuất công nghiệp trong 2 tháng cuối năm sẽ có sự tăng trưởng cao hơn…
Theo báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 10 tháng năm 2021 của Bộ Công Thương, trong tháng 10, tình hình dịch Covid-19 tại nhiều địa phương nhất là TP.HCM và các tỉnh phía Nam đã có những chuyển biến tích cực.
DOANH NGHIỆP PHÍA NAM VẪN KHÓ
Nhiều địa phương đã nới lỏng các hoạt động so với thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và ban hành các quy định nhằm điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới theo Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Do vậy, hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 10 đã có những dấu hiệu phục hồi nhẹ khi chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2021 ước tính tăng 6,9% so với tháng trước nhưng vẫn giảm nhẹ (giảm 1,6%) so với cùng kỳ năm trước.
Song nhận định của Bộ Công Thương vẫn cho rằng, đến nay hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là tại các tỉnh phía Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Do phải tổ chức thay đổi người lao động do thời gian kéo dài giãn cách xã hội, người lao động không tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp dẫn đến lực lượng lao động giảm.
Doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc nhập nguyên vật liệu đầu vào và vận chuyển hàng hóa dẫn đến giảm sản lượng sản xuất. Bên cạnh đó, gánh nặng chi phí do doanh nghiệp phải chi trả các khoản phí phát sinh phòng chống dịch (như chi phí xét nghiệm Covid-19 cho công nhân, chi phí mua sắm các trang thiết bị phòng dịch, thực hiện 3 tại chỗ…). Những khó khăn trên đã dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp chọn phương án tạm ngưng hoạt động.
Tính chung 10 tháng năm 2021, IIP của toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 2,7% của cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019.
“Hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 10 đã dần hồi phục nhưng tính chung 10 tháng năm 2021 vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh”, báo cáo nhấn mạnh.
Không những thế, vẫn còn một số địa phương tổ chức các biện pháp phòng chống dịch cao hơn quy định Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế gây khó cho doanh nghiệp.
Một số tỉnh như: Hà Nội, Tiền Giang, Cà mau… chậm ban hành các hướng dẫn đã gây vướng mắc cho doanh nghiệp trong việc dần hồi phục các hoạt động sản xuất, đặc biệt là các khó khăn về lao động.
Hơn nữa, việc xử lý, tháo gỡ, khôi phục sản xuất tại một số địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức. Chính hoạt động của doanh nghiệp đình trệ tác động đến phát triển sản xuất nói riêng và tăng trưởng nền kinh tế nói chung.
GỠ KHÓ CHO DOANH NGHIỆP, TRÁNH TÌNH TRẠNG “CÁT CỨ”
Dự đoán bức tranh ngành công nghiệp trong những tháng cuối năm, theo Bộ Công Thương, từ tháng 11/2021, nếu đà kiểm soát dịch bệnh theo chiều hướng khả quan, các biện pháp hỗ trợ, khôi phục nền kinh tế được triển khai đồng bộ, khả năng sản xuất công nghiệp trong 2 tháng cuối năm sẽ có sự tăng trưởng cao hơn.
Tuy nhiên, để các con số tăng trưởng khả quan theo Bộ Công Thương, cần tiếp tục triển khai khẩn trương, quyết liệt, thống nhất từ Trung ương đến địa phương các nội dung hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP nhằm bảo đảm tối đa lưu thông hàng hóa, lao động trở lại phục vụ việc phục hồi các hoạt động sản xuất sau dịch bệnh, tránh tình trạng “cát cứ”, không thống nhất gây khó khăn cho việc phục hồi các chuỗi cung ứng về hàng hóa và lao động cho sản xuất.
Đồng thời, bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu, năng lượng để đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế – xã hội.
Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng. Hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng.
Một mặt thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong, tăng cường thương mại điện tử, kết nối giữa nhà sản xuất và các nhà phân phối, tiêu thụ. Mặt khác, thúc đẩy xuất khẩu các ngành hàng chủ lực, liên kết doanh nghiệp trong nước và các chuỗi sản xuất toàn cầu thông qua tận dụng các cơ hội thị trường xuất khẩu do các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại.
Trong dài hạn, cần thống nhất nguồn lực từ Trung ương đến địa phương tập trung đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực như công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, ô tô, dệt may, da – giày, điện – điện tử, chế biến thực phẩm…
Tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, khoa học và côn nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường; cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai theo quy định của pháp luật.
“Hơn lúc nào hết, cần xây dựng chính sách thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài các dự án công nghiệp quy mô lớn, có gắn với chuyển giao và làm chủ công nghệ, tận dụng đối đa dòng vốn dịch chuyển trong thời gian tới”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Theo vneconomy.vn