Những nỗi lo về tình hình tại Trung Đông cùng tâm lý thận trọng liên quan đến triển vọng chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn đã kéo các thị trường châu Á đều giảm trong phiên 16/10.
Thị trường vàng đi xuống do hoạt động chốt lời
Giá vàng châu Á giảm chiều thứ Hai do áp lực bán chốt lời sau đợt tăng 3% trong phiên trước đó, khi xung đột giữa Israel và Lực lượng Hồi giáo Hamas nổ ra khiến các nhà đầu tư đổ xô tìm đến kênh trú ẩn an toàn và đẩy giá lên trên mức trần quan trọng 1.900 USD/ounce.
Vàng giao ngay giảm 0,9% xuống 1.913,59 USD/ounce vào lúc 14 giờ 12 phút (giờ Việt Nam) và giá vàng tương lai của Mỹ giảm 0,8% xuống 1.926,80 USD/ounce.
Trước đó cùng phiên, vàng – vốn được coi là khoản đầu tư an toàn trong những thời điểm nhiều bất ổn – đã đạt mức cao nhất kể từ ngày 20/9 là 1.934,82 USD/ounce sau khi tăng 3,4% vào thứ Sáu tuần trước (13/10). Đó là mức tăng theo ngày lớn nhất trong bảy tháng qua.
Nhà phân tích cấp cao Matt Simpson của Công ty Dịch vụ Đầu tư City Index cho biết với giá vàng tăng vọt, kim loại quý này có thể sẽ vẫn là tâm điểm của các nhà giao dịch đang tìm cách mua vào khi giá xuống quanh khoảng 1.900 USD-1.920 USD/ounce. Nhưng nếu căng thẳng ở Trung Đông tiếp tục leo thang, tình hình sẽ thay đổi.
Giá dầu giảm sau đợt tăng mạnh cuối tuần trước
Các nhà đầu tư đang chờ đợi xem liệu cuộc xung đột có lôi kéo thêm các quốc gia khác tham gia, khiến giá dầu tăng cao hơn nữa và giáng một đòn mới vào nền kinh tế thế giới hay không.
Ông Christopher Wong, Giám đốc Điều hành và Nhà Chiến lược Thị trường Ngoại hối của Ngân hàng OCBC, nhận định nếu tình hình xung đột bị giới hạn thay vì lan rộng, một số nhu cầu trú ẩn an toàn đối với vàng có thể giảm bớt.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,7% xuống 22,55 USD/ounce còn giá bạch kim giảm 0,4% xuống 877,68 USD/ounce.
Giá dầu châu Á đi xuống khi các nhà đầu tư đang chờ xem liệu xung đột Israel-Hamas có kéo theo các quốc gia khác tham gia và đẩy giá lên cao hơn nữa hay không.
Giá dầu Brent kỳ hạn giảm 33 xu (tương đương 0,4%) xuống 90,56 USD/thùng 14 giờ 45 phút (giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 0,3% hay 26 xu xuống 87,43 USD/thùng.
Cả hai loại dầu chuẩn này đều tiến gần 6% vào thứ Sáu tuần trước và đạt mức tăng phần trăm hàng ngày cao nhất kể từ tháng Tư, khi các nhà đầu tư đánh giá khả năng xung đột lan rộng hơn ở Trung Đông.
Tới hiện tại, một cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn từ Israel vẫn chưa bắt đầu sau thời hạn 24 giờ nước này đã thông báo để người dân ở nửa phía Bắc Dải Gaza di tản về phía Nam.
Khả năng xung đột ảnh hưởng các nước sản xuất dầu đã được tính vào giá ở một mức độ nào đó. Nhưng nếu một chiến dịch hành động quân sự trên bộ thực sự xảy ra và có tác động đến nguồn cung dầu, giá vàng đen có thể dễ dàng vượt quá 100 USD/thùng.
Cuộc xung đột ở Trung Đông hiện ít ảnh hưởng đến nguồn cung dầu khí toàn cầu và Israel không phải là nhà sản xuất lớn. Nhưng cuộc xung đột vẫn là một trong những rủi ro địa chính trị lớn nhất đối với thị trường dầu mỏ kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát hồi năm ngoái.
Ngoài ra, còn có những lo ngại về căng thẳng leo thang tiềm tàng liên quan đến Iran. Nhà phân tích Vivek Dhar của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia nhận định trong trường hợp nếu Iran có liên quan trực tiếp đến hành động của Hamas thì điều đó có thể thúc đẩy Mỹ thực thi đầy đủ các lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu của nước này.
Trong trường hợp Mỹ thực hiện đầy đủ các lệnh trừng phạt, mức tăng 0,5-1 triệu thùng/ngày trong nguồn cung toàn cầu đến từ xuất khẩu dầu của Iran trong năm nay có nguy cơ bị xóa bỏ.
Chứng khoán châu Á “nín thở” dõi theo tình hình Trung Đông
Thị trường châu Á đồng loạt sụt giảm hôm thứ Hai khi nỗi lo giá dầu “leo thang” làm phức tạp thêm nỗ lực kiềm chế lạm phát của các ngân hàng trung ương lớn.
Chứng khoán Nhật Bản nối bước chứng khoán Mỹ đi xuống trong phiên thứ Hai do lo ngại về sự leo thang xung đột giữa Israel và Hamas. Chỉ số Nikkei 225 chuẩn giảm 2,03% (tương đương 656,96 điểm) xuống 31.659,03 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm phiên thứ hai liên tiếp khi căng thẳng quân sự ở Trung Đông tiếp tục chi phối tâm lý nhà đầu tư. Chỉ số Kospi tại Seoul giảm 0,81% (19,91 điểm) và đóng cửa ở mức 2.436,24 điểm.
Tại Trung Quốc, các thị trường chính cũng không nằm ngoài xu hướng suy giảm của khu vực. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong giảm 0,97% (173,09 điểm) xuống 17.640,36 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải cũng mất 0,46% (14,29 điểm) xuống 3.073,81 điểm.
Chuyên gia Michael Hewson tại Công ty Dịch vụ Tài chính CMC Markets nhận định do tình trạng bất ổn kéo dài, rất khó để thị trường chứng khoán khởi sắc trừ khi căng thẳng hiện thời tại Trung Đông được xoa dịu.
Càng khiến tâm trạng thị trường ảm đạm là thông tin Nhà Trắng sẽ thắt chặt các quy định kiểm soát việc Trung Quốc tiếp cận sản phẩm chip và thiết bị sản xuất chip. Động thái này khiến tình trạng bế tắc tiếp tục kéo dài giữa các siêu cường, bất chấp những động thái nhằm giảm bớt căng thẳng trước đó.
Giới giao dịch cũng sẽ theo dõi chặt chẽ các bài phát biểu trong tuần này của một số quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bao gồm cả Chủ tịch Jerome Powell, nhằm tìm ra một số gợi ý về kế hoạch điều chỉnh lãi suất của họ.
Một số quan chức Fed trong những tuần gần đây bày tỏ ủng hộ việc giữ nguyên chi phí đi vay, làm dịu đi những lo ngại về khả năng Fed tiếp tục thắt chính sách chặt tiền tệ – điều mà một số nhà quan sát lo ngại có thể khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Theo TTXVN