Qua nghiên cứu mới đây của Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho thấy, để giải quyết với tình trạng thất thu ngân sách từ thương mại điện tử, chính phủ một số nước yêu cầu những nhà cung cấp nước ngoài bán hàng hóa qua thương mại điện tử tại nước đó cần phải đăng ký và thu hộ thuế giá trị gia tăng từ người tiêu dùng.
Nhiều nước sớm thu thuế thương mại điện tử
Thời gian qua, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) đã phát triển rất nhanh chóng và trở nên phổ biến ở các quốc gia trên thế giới. Các quốc gia đưa ra quy định chặt chẽ nhằm hướng tới quản lý thuế có hiệu quả hơn đối với hoạt động TMĐT.
Qua nghiên cứu của Viện Chiến lược và chính sách tài chính mới đây cho thấy, để giải quyết với tình trạng thất thu ngân sách từ TMĐT, chính phủ một số nước yêu cầu những nhà cung cấp nước ngoài bán hàng hóa qua TMĐT tại nước đó cần phải đăng ký thuế.
Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu những nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ qua TMĐT ngoài khu vực EU khi bán hàng hóa vào trong khối EU cần đăng ký thuế và thu hộ thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ người tiêu dùng hàng hóa trong khu vực EU.
Tại Anh đã thực thi nhiều biện pháp bổ sung nhằm giải quyết tình trạng xói mòn thuế GTGT thông qua hình thức mua bán trực tuyến. Các nền tảng kinh doanh TMĐT như eBay, Amazon có trách nhiệm đảm bảo khách hàng ở nước ngoài của mình phải đăng ký thuế tại Anh.
Tại Đức, dự luật được thông qua năm 2018 quy định các nền tảng TMĐT phải chịu trách nhiệm pháp lý về thuế GTGT chưa thanh toán của người bán ở Đức.
Các kết quả rất tích cực về số thu thuế GTGT được ghi nhận, tại Chile thu được 65 triệu USD trong 5 tháng đầu ban hành quy định, EU thu được 14,8 tỷ EUR trong 4 năm đầu tiên, Úc thu được 1 tỷ AUD (khoảng 618 triệu EUR) trong 2 năm đầu, Liên bang Nga thu được 21,4 tỷ RUB (khoảng 241 triệu EUR) trong 2 năm đầu…
Ở châu Á, từ ngày 1/7/2020, Chính phủ Indonesia đã bắt đầu thu thuế GTGT từ các hoạt động TMĐT ở nước này. Mức thuế suất thuế GTGT áp dụng ở mức 10% trên giá trị các khoản thanh toán.
Tại Malaysia, từ ngày 1/1/2020, một cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài phải tính thuế dịch vụ ở mức 6% đối với dịch vụ kỹ thuật số được cung cấp cho người tiêu dùng ở Malaysia.
Tại Thái Lan, các nhà cung cấp dịch vụ điện tử ở nước ngoài và các nhà khai thác các nền tảng điện tử cung cấp dịch vụ cho người nhận ở Thái Lan phải đăng ký thuế giá trị gia tăng (GTGT) ở nước này nếu doanh thu hằng năm đạt 1,8 triệu Bạt (hơn 49.000 USD) cho năm tính thuế đó. Quy định này áp dụng cho các giao dịch từ ngày 1/9/2021.
Philippines là quốc gia có quy định về thuế đối với TMĐT khá sớm so với các nước khác trong khu vực, kể từ năm 2013 là giai đoạn đầu của TMĐT, Chính phủ nước này đã ban hành các quy định cho người bán và người mua trực tuyến. Bất kể kênh bán trực tuyến hay trực tiếp, các nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ đều phải chịu thuế GTGT với mức thuế suất 12%.
Có thể thấy, nhiều quốc gia đã ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phục vụ tốt công tác quản lý thuế đối với TMĐT.
Các quốc gia cũng đẩy mạnh hợp tác, phối hợp quốc tế trong thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT nhằm tăng cường giảm thất thu thuế và tránh rủi ro đánh thuế hai lần nếu không có sự thống nhất các nguyên tắc về thuế.
Hoàn thiện cơ chế đảm bảo công bằng giữa các loại hình kinh doanh
Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm một số nước, Viện Chiến lược và chính sách tài chính cho rằng, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý theo hướng đảm bảo nguyên tắc công bằng giữa loại hình kinh doanh truyền thống và kinh doanh TMĐT.
Các cơ chế, chính sách về thuế phải tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động TMĐT phát triển, không tạo ra rào cản đối với người tiêu dùng.
Đối với thuế gián thu, cụ thể là thuế GTGT, việc đánh thuế đối với hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các dịch vụ số được cung cấp qua các giao dịch TMĐT, các nền tảng số…, cho đến nay đã có nhiều thông lệ quốc tế tốt.
Thời gian tới cần tăng cường trách nhiệm phối hợp của các cơ quan quản lý (như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước…) và các bên liên quan (doanh nghiệp công nghệ thông tin, sàn giao dịch TMĐT…) để chia sẻ, kết nối thông tin, nhằm trao đổi, thu thập một cách nhanh chóng, đầy đủ và chính xác các thông tin về các hoạt động TMĐT.
Bên cạnh đó, thực hiện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế TMĐT và tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, có kết nối với các ngành ngân hàng, viễn thông; đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các dịch vụ thuế điện tử, đặc biệt là hóa đơn điện tử tại 57 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, góp phần thúc đẩy tăng thu ngân sách nhà nước và chống thất thu ngân sách, chống gian lận trục lợi thuế. Hóa đơn điện tử sẽ góp phần mang lại lợi ích cho các cơ quan quản lý trong thu thuế qua TMĐT và giám sát nguồn thu thuế tốt hơn.
Theo Thời báo Tài chính Việt Nam