Ngành mỹ phẩm và hàng miễn thuế của Hàn Quốc từ lâu phụ thuộc vào những vị khách chi tiêu bạo tay từ Trung Quốc đến thăm nước này theo tour đoàn. Dù Bắc Kinh đã dỡ bỏ các hạn chế biên giới, các doanh nghiệp trong ngành này chưa chứng chiến khách đoàn Trung Quốc quay trở lại đáng kể. Họ đang đứng trước áp lực đa dạng hóa khách hàng mục tiêu để giảm phụ thuộc vào khách Trung Quốc.
Khi chính phủ Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm du lịch đến Hàn Quốc theo tour đoàn đối với công dân nước này hồi tháng 8, doanh nghiệp mỹ phẩm và cửa hàng miễn thuế ở “xứ sở kim chi” đã kỳ vọng rất lớn về khả năng tăng lượng khách từ nước láng giềng tăng đột biến sau nhiều năm “chôn chân” ở quê nhà do đại dịch.
Nhưng sau 3 tháng, có rất ít dấu hiệu về cái gọi là “cơn bùng nổ chi tiêu đến từ Trung Quốc”. Các chuyên gia cho rằng, trong những năm qua, mô hình du lịch và chi tiêu của khách Trung Quốc đã thay đổi theo hướng đa dạng hơn. Theo họ, các nhà bán lẻ Hàn Quốc cần định hình lại chiến lược kinh doanh để giảm sự phụ thuộc vào khách Trung Quốc.
“Sau khi kết thúc kỷ nguyên Covid-19, khách Trung Quốc đang có xu hướng thích thực hiện các chuyến đi cá nhân đến Hàn Quốc để trải nghiệm văn hóa, chẳng hạn như ghé thăm các nhà hàng địa phương và tham quan vùng nông thôn, thay vì đến các khu mua sắm và địa điểm nổi tiếng”, Kim Mi-Jeong, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu doanh nghiệp nhỏ Hàn Quốc, cho biết trong báo cáo gần đây.
Kim Mi-Jeong giải thích, sự thay đổi trong xu hướng du lịch như vậy chủ yếu được thúc đẩy bởi thế hệ Millennials và Thế hệ Z, những người sinh ra từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2010. Họ chiếm phần lớn khách Trung Quốc đến thăm Hàn Quốc trong năm nay.
Viện Nghiên cứu doanh nghiệp nhỏ Hàn Quốc dự báo khách Trung Quốc đến thăm Hàn Quốc sẽ đạt hơn 1,8 triệu trong năm nay, vẫn kém xa con số hơn 6 triệu lượt vào năm 2019
Theo dữ liệu của Tổ chức Du lịch Hàn Quốc, trong số khoảng 1,05 triệu khách Trung Quốc đến thăm Hàn Quốc trong 8 tháng đầu năm, những người ở độ tuổi 20 và 30 chiếm gần 60%.
“Xu hướng thực hiện cái gọi là ‘chuyến hành hương’, tức chuyến đi cho phép các cá nhân xem ngôi sao yêu thích của họ biểu diễn hoặc tham quan những địa điểm có liên quan đến bộ phim truyền hình yêu thích của họ gia tăng. Cùng với sự phổ biến ngày càng tăng của văn hóa K-pop, giới trẻ Trung Quốc đang ngày càng đi du lịch với động cơ và mối quan tâm rõ ràng”, giáo sư Lee Hoon, hiệu trưởng Trường Cao học Du lịch quốc tế thuộc Đại học Hanyang (Hàn Quốc), nhận xét.
Kinh tế Trung Quốc suy yếu và sự phục hồi chậm của các tuyến hàng không kết nối với Hàn Quốc, đồng nghĩa với việc giá vé cao hơn, cũng góp phần khiến lượng khách đoàn của Trung Quốc không phục hồi như kỳ vọng.
Bốn tàu du lịch hoạt giữa Trung Quốc và thành phố cảng Incheon của Hàn Quốc, chủ yếu phục vụ các chuyến du lịch theo đoàn, đã hoạt động trở lại vào ngày 12-8. Nhưng tỷ lệ lấp đầy trung bình của các tàu này tính đến ngày 25-9 là dưới 20% so với trước đại dịch.
Sự thay đổi trong xu hướng du lịch như vậy khiến những doanh nghiệp Hàn Quốc, trước đây dựa vào chi tiêu của khách Trung Quốc đi theo tour đoàn, gặp khó khăn. Chẳng hạn, hoạt động kinh doanh của ngành công nghiệp mỹ phẩm và cửa hàng miễn thuế của Hàn Quốc, giảm sút rõ rệt trong quí 3.
Lợi nhuận hoạt động quí 3 của Hotel Shilla, một công ty kinh doanh khách sạn và cửa hàng miễn thuế ở Hàn Quốc, chỉ đạt 7,7 tỉ won (5,9 triệu đô la Mỹ), giảm 71% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi lĩnh vực khách sạn của Hotel Shilla đạt lợi nhuận hoạt động là 24 tỉ won, lĩnh vực kinh doanh hàng miễn thuế của công ty lại lỗ hoạt động 16,3 tỉ won, làm giảm hiệu quả hoạt động chung.
Lotte Duty Free báo cáo doanh thu 1,5 nghìn tỉ won trong nửa đầu năm, giảm 38,6% so với một năm trước đó. Theo một lãnh đạo trong ngành, khoảng 80% doanh số bán hàng trong lĩnh vực kinh doanh hàng miễn thuế ở Hàn Quốc đến từ khách nước ngoài. Người này cho biết: “Không quá lời khi nói rằng khách Trung Quốc đóng góp 90% doanh số mà các cửa hàng miễn thuế Hàn Quốc kiếm được từ khách nước ngoài”.
Một nhóm khách Trung Quốc có tỷ lệ chi tiêu cao nhất cho hàng miễn thuế là “daigong”, một từ tiếng Hàn dùng để ám chỉ những cá nhân mua số lượng lớn hàng hóa ở Hàn Quốc để bán lại ở Trung Quốc.
Theo Hiệp hội kinh doanh hàng miễn thuế Hàn Quốc, ngành này chỉ đạt doanh thu 1,14 nghìn tỉ won trong tháng 8, giảm 27,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các công ty mỹ phẩm Hàn Quốc cũng có doanh số bán hàng phụ thuộc phần lớn vào người tiêu dùng và du khách Trung Quốc. Trong quí 3, hãng mỹ phẩm Amorepacific, có trụ sở ở Seoul, công bố lợi nhuận hoạt động giảm 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 17,3 tỉ won. Đối thủ cùng thành phố, LG Appliance & Health Care, báo cáo lợi nhuận hoạt động giảm mạnh 32,4%, xuống còn 128,5 tỉ won.
Các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp mỹ phẩm và kinh doanh hàng thuế của Hàn Quốc cần phải giảm bớt sự phụ thuộc vào người tiêu dùng Trung Quốc. Kim Joo-deok, giáo sư của Đại học Phụ nữ Sungshin, nói: “Đặc biệt đối với ngành kinh doanh làm đẹp, người tiêu dùng Trung Quốc không còn thấy các sản phẩm K-beauty hấp dẫn như trước”.
Ông cho biết, các sản phẩm làm đẹp của Trung Quốc đã trở nên rẻ hơn rất nhiều và chất lượng của chúng cũng tăng cao hơn giờ hết. Ông nói thêm, tiêu dùng theo chủ nghĩa dân tộc cũng đang thu hút sự chú ý của người dân Trung Quốc. Theo ông, các công ty mỹ phẩm Hàn Quốc cần đa dạng hóa mục tiêu khách hàng sang các quốc gia khác như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Hàn Quốc dự kiến tiếp tục chứng kiến xu hướng số lượng khách Trung Quốc đi du lịch độc lập tăng lên nhờ sự thuận tiện trong việc tìm kiếm thông tin du lịch trên điện thoại thông minh, trong khi các ứng dụng dịch thuật cũng giúp giảm bớt rào cản ngôn ngữ.
“Khách Trung Quốc ngày càng thích đi du lịch độc lập”, giáo sư Lee Hoon nhận định và cho biết ngành kinh doanh hàng miễn thuế của Hàn Quốc cần chỉnh chiến lược bán hàng để phù hợp với xu hướng như vậy.
Theo Korea Herald, Korea Economic Daily