Niềm tin của các nhà đầu tư vào Đức đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp, khi triển vọng tăng trưởng xấu đi, làm dấy lên lo ngại nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) có thể rơi vào suy thoái.
Theo hãng tin Bloomberg, chỉ số tâm lý kinh tế của Đức được đo bởi Viện nghiên cứu kinh tế ZEW đã giảm từ mức 4,1 trong tháng 4 xuống -10,7 trong tháng 5. Đây là lần đầu tiên trong năm nay, chỉ số này rơi xuống mức dưới 0. Hãng tin cho biết chỉ số về các điều kiện kinh tế của Đức cũng đang cũng xấu đi.
Dữ liệu trên được đưa ra trong bối cảnh sản lượng sản xuất sụt giảm sâu hơn dự kiến trên hầu hết các ngành công nghiệp ở Đức. Đơn đặt hàng mới cho các công ty sản xuất đã giảm 10,7% trong tháng 3 so với tháng trước, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020.
Chủ tịch ZEW Achim Wambach cho biết trong một tuyên bố: “Các chuyên gia thị trường tài chính dự đoán tình hình kinh tế vốn đã bất lợi sẽ càng tồi tệ hơn trong 6 tháng tới. Kết quả là, nền kinh tế Đức có thể rơi vào suy thoái, mặc dù ở mức độ nhẹ”.
Trong khi đó, các nhà kinh tế dự đoán ngành công nghiệp Đức sẽ dậm chân tại chỗ thay vì phục hồi như kỳ vọng, làm giảm triển vọng phục hồi kinh tế.
Ông Carsten Brzeski, Giám đốc phân tích vĩ mô toàn cầu của Ngân hàng ING, cho biết trong một báo cáo với khách hàng: “ZEW hôm nay gửi một thông điệp đáng lo ngại. Ba lần giảm liên tiếp là một xu hướng mới, một xu hướng đáng lo ngại..”.
Trong báo cáo quốc gia hôm 17/5, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng các điều kiện tài chính thắt chặt hơn và cú sốc giá năng lượng tăng cao đã bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng của Berlin trong ngắn hạn.
Theo IMF, Tổng sản phẩm Quốc nội của Đức dự kiến sẽ “gần bằng 0 vào năm 2023, trước khi tăng dần lên 1% – 2% trong giai đoạn 2024 – 2026, khi tác động của việc thắt chặt tiền tệ dần biến mất và nền kinh tế điều chỉnh để thích nghi với cú sốc năng lượng”.
Theo Thời báo Tài chính Việt Nam