unnamed file
Mỗi hiệp định thương mại tự do (FTA) \”khủng\” mà Việt Nam tham gia lại quy định về chứng nhận xuất xứ hàng hoá để được hưởng ưu đãi thuế quan khác nhau. Doanh nghiệp cần nắm rõ các lợi thế, điểm cộng để từ đó làm chủ các “sân chơi” này.

CPTPP, EVFTA với quy định “mở”

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), với những quy định về xuất xứ rất “mở”, sẽ là điều kiện thuận lợi để hàng Việt dễ dàng bước vào các thị trường nội khối tiềm năng. Hiệp định này quy định ba phương pháp để xác định xuất xứ của một hàng hóa. Đó là: hàng hóa có xuất xứ thuần túy, hàng hóa được sản xuất từ nguyên liệu trong khu vực CPTPP và quy tắc cụ thể đối với từng mặt hàng (PSR).

Bên cạnh đó, quy tắc cộng gộp cho phép các nước CPTPP được coi nguyên liệu của một hoặc nhiều nước CPTPP khác như là nguyên liệu của nước mình khi sử dụng nguyên liệu đó để sản xuất ra một hàng hóa có xuất xứ CPTPP.

Đáng chú ý, với mục tiêu tạo thuận lợi thương mại tối đa, giảm thời gian giao dịch và chi phí xuất nhập khẩu, Hiệp định CPTPP đã cho phép người xuất khẩu, người sản xuất và người nhập khẩu được tự chứng nhận xuất xứ. Đây là điểm rất mới so với các FTA truyền thống trước đây mà Việt Nam đã ký kết.

Còn đối với, FTA Việt Nam – EU (EVFTA), theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), quy định về chứng nhận xuất xứ hàng hoá trong FTA này tuy phức tạp nhưng lại linh hoạt xuất xứ với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực và đang được doanh nghiệp Việt tận dụng hiệu quả.

Có thể thấy, so với các FTA khác mà Việt Nam đang tham gia, quy định về quy tắc xuất xứ trong EVFTA có nhiều điểm mới hơn. EVFTA cho phép áp dụng cơ chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) và cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Hơn nữa, EU cho phép Việt Nam chuyển đổi từ GSP sang EVFTA với lộ trình 7 năm.

\"qtxx\"

Hiểu rõ về quy tắc xuất xứ trong các FTA sẽ giúp doanh nghiệp làm chủ “sân chơi” này

Đáng lưu ý, EVFTA cho phép một số nhóm hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam sang EU được cộng gộp xuất xứ, giúp giảm bớt một phần áp lực về tiêu chí nguyên phụ liệu và gia tăng xuất khẩu sang EU. Ví như nhóm hàng dệt may, được phép cộng gộp nguyên liệu từ Hàn Quốc, Nhật Bản hay nhóm hàng thủy sản, được phép cộng gộp, sử dụng mực và bạch tuộc nguyên liệu từ các nước ASEAN để sản xuất mực và bạch tuộc chế biến xuất khẩu sang EU.

RCEP: Quy tắc xuất xứ là một “điểm cộng” nổi trội

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, nếu như quy định về chứng nhận xuất xứ hàng hoá để được hưởng ưu đãi theo các hiệp định như CPTPP, EVFTA… có phần gây khó khăn cho hàng xuất khẩu Việt Nam thì ở Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) quy tắc xuất xứ lại là một “điểm cộng” tương đối dễ dàng cho chúng ta.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên (Bộ Công thương) cho hay, quy tắc xuất xứ trong RCEP được coi là lợi thế của Việt Nam. Trong Hiệp định RCEP, các quy tắc về thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại được thống nhất và tăng cường nên không tạo ra cam kết mở cửa thị trường cũng như áp lực cạnh tranh mới. Ngược lại, quy tắc đó đều hướng đến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. “RCEP tạo điều kiện để doanh nghiệp các nước thành viên dễ dàng khai thác lợi ích của các hiệp định đã có và thúc đẩy chuỗi sản xuất trong khu vực” – ông Thái nhấn mạnh.

Theo đó, trong Hiệp định RCEP, hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu đáp ứng một trong ba trường hợp là hàng hóa có xuất xứ thuần túy tại một nước thành viên; hàng hóa được sản xuất chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ từ một hay nhiều nước thành viên; hàng hóa sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ nhưng đáp ứng quy định tại quy tắc cụ thể mặt hàng.

Riêng trong quy tắc cụ thể mặt hàng, ngoài việc áp dụng quy tắc hàm lượng giá trị giá khu vực (RVC) hoặc quy tắc chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC), một số dòng hàng hóa chất được áp dụng quy tắc phản ứng hóa học tương đương với quy tắc RVC hoặc CTC.

Bên cạnh đó, đối với quy trình cấp và kiểm tra chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa bao gồm: C/O, chứng từ tự khai báo xuất xứ hàng hóa của nhà xuất khẩu đủ điều kiện, chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa của nhà xuất khẩu. Việt Nam cùng với các nước thành viên RCEP (trừ Campuchia, Lào, Myanmar) bắt đầu triển khai thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ của nhà xuất khẩu không quá 10 năm sau ngày thực thi hiệp định.

Tuy nhiên, cần nói thêm là quy tắc xuất xứ trong các hiệp định đều có những điểm khá phức tạp, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực sản xuất, chế biến sâu, tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong khu vực hoặc phát triển các nguồn nguyên liệu từ trong nước. Hơn thế nữa, theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất là Việt Nam cần đáp ứng quy định xuất xứ bằng cách phát triển công nghiệp hạ nguồn. Khi các ngành công nghiệp này phát triển sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng quy định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường FTA.

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top