Phiên giao dịch cuối tuần trước, thị trường chứng khoán phục hồi tích cực kèm theo thanh khoản tốt tạo đà cho các chỉ số tiếp tục đi lên. Tuy nhiên, chuyên gia chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư nên cơ cấu lại danh mục đầu tư để kết thúc năm giao dịch an toàn nhất cho dòng vốn.
Phục hồi nhưng chưa đủ mạnh
Theo nhận định của chuyên gia chứng khoán tại SSI Research, sau những phiên đi ngang, phiên giao dịch cuối tuần (17/12), chỉ số VN-Index duy trì sắc xanh trong toàn bộ thời gian giao dịch và ghi nhận mức cao nhất quanh ngưỡng 1.488 điểm. Tuy nhiên, đợt khớp lệnh ATC cuối phiên, VN-Index thu hẹp đáng kể biên độ tăng, khi các quỹ ETF ngoại hoàn tất kỳ cơ cấu quý 4/2021. Các mã cổ phiếu giảm mạnh tác động lên chỉ số là VCB giảm 2,6%, cùng giảm là HPG, MSN, VNM,… khiến VN-Index chỉ tăng 0,22%, đạt 1.479,79 điểm.
Điểm tích cực của phiên là khối lượng giao dịch trên HOSE cải thiện mạnh và cao hơn mức bình quân MA20 phiên, đạt trên 1 tỷ đơn vị. Nhóm cổ phiếu chứng khoán đồng thuận tăng giá, qua đó trở thành điểm sáng của thị trường trong phiên cuối tuần. Nhóm cổ phiếu xây dựng và bất động sản dù phân hóa nhưng lại có sự phục vụ tích cực ở những mã lớn như VHM, VIC tăng trên 2%; KDH và DIG tăng trên 4%… Nhóm bán lẻ cũng vẫn phân hóa, khi FRT tăng trần và hình thành đỉnh mới của cổ phiếu thì MWG, PNJ, DGW chỉ đứng giá tham chiếu.
Theo chuyên gia chứng khoán tại Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, VN-Index vượt qua tuần biến động mạnh, áp sát 1.480 với thanh khoản cải thiện. Dòng tiền không có dấu hiệu bị rút khỏi thị trường, ngược lại thanh khoản thậm chí đã tốt hơn tạo nên sự tích cực cho tuần tới.
VNDIRECT nhận định, kịch bản sát nhất với tình hình hiện tại của VN-Index là áp sát 1.500 điểm để kết thúc năm tài chính 2021. Tuy nhiên, cũng không ngoại trừ VN-Index có thể rung lắc từ việc chốt chỉ số NAV – đại điện cho giá trị thị trường của mỗi cổ phần doanh nghiệp sẽ diễn ra. Dù vậy, sẽ không khiến VN-Index có thể giảm quá mạnh trong thời điểm này. Vùng điểm hỗ trợ trong trường hợp rung lắc ngắn hạn sẽ là mốc 1.460 – 1.465.
Hạ tỷ trọng vay margin
Trong những phiên cuối cùng của năm tài chính 2021, cả SSI Research và VNDIRECT đều nhận định, thị trường chứng khoán chưa ổn định để tăng điểm mạnh.
Theo SSI Research, với việc chỉ số VN-Index đã lùi lại thu hẹp đà tăng vào cuối phiên ngày 17/12, cho thấy động lực để thị trường bứt phá khỏi giai đoạn đi ngang hiện tại chưa đủ mạnh. Chỉ số VN-Index vẫn cần một phiên tăng điểm tốt vượt vùng kháng cự 1.482 điểm với khối lượng giao dịch tăng lên vượt đường trung bình MA50 ngày, để thoát khỏi trạng thái đi ngang hiện tại. Khi đó, nhà đầu tư (NĐT) mới có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu ở các nhịp điều chỉnh.
Chuyên gia của VNDIRECT nhận định đây là thời điểm không quá thuận lợi để NĐT kiếm lãi lớn cùng thị trường. Cũng tương tự doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các tổ chức, tự doanh sẽ cần chốt danh mục, thực hiện báo cáo cuối năm. Ở khía cạnh của công ty chứng khoán sẽ cắt giảm vay margin trên thị trường để thực hiện báo cáo tài chính quý 4 và của cả năm 2021. Thị trường đang có sự tích cực trong ngắn hạn, ủng hộ cho NĐT cơ cấu lại danh mục, nhưng phân hóa sẽ rất rõ rệt và điều này không dễ tìm kiếm lợi nhuận từ việc mua bán cổ phiếu. Tác động từ nghiệp vụ của các tổ chức sẽ ảnh hưởng đến cung cầu tự nhiên của cổ phiếu, do đó VNDIRECT khuyến nghị NĐT nên cơ cấu lại danh mục và nguồn vốn đầu tư, có thể bằng tối đa sức mua tiền mặt, không dùng nguồn vay margin để bảo toàn thành quả cả năm 2021.
Cũng theo VNDIRECT dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc vào năm 2022 nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, nhu cầu phục hồi và các chính sách tài khóa hỗ trợ, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng mạnh. Kinh tế phục hồi năm 2022 báo hiệu tốt cho các ngân hàng sẽ là đại diện tiêu biểu cho sự hồi sinh kinh tế Việt Nam. Rủi ro chính là việc xuất hiện các biến thể mới của chủng virus SARS-CoV-2 là Omicron cản trở sự hồi phục của nền kinh tế và lạm phát cao hơn dự kiến sẽ cản trở việc mở rộng cho vay.
Theo Kinhtedothi