van phuc silk e1720294007998

Hà Nội xác định làng nghề là điểm nhấn trong thập kỷ công nghiệp văn hóa, đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, trở thành điểm đến không thể thiếu cho du khách trong và ngoài nước khi thăm Thủ đô.

Mang lại giá trị kinh tế 24.000 tỷ đồng mỗi năm

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Trong đó, có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống đã được UBND TP công nhận, thuộc địa bàn 25 quận, huyện, thị xã.

Mỗi làng nghề của Hà Nội đều mang một bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Các làng nghề truyền thống của Hà Nội ngày càng có sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những nghệ nhận, thợ lành nghề qua từng sản phẩm đặc trưng.

Có thể kể tới như: sản phẩm mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ); nón làng Chuông (huyện Thanh Oai); sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động (huyện Thường Tín); lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông); gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm); tò he Xuân La (huyện Phú Xuyên)…

Sự phát triển tương đối ổn định của các làng nghề đang mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn. Giá trị sản xuất của các làng nghề Hà Nội hiện nay đạt trên 24.000 tỷ đồng. Đặc biệt còn tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động nông thôn.

Triển khai đồng bộ các giải pháp
Trong những năm gần đây, TP rất quan tâm đến chính sách phát triển làng nghề, trong đó đặc biệt chú trọng một số chính sách về đào tạo nghề, truyền nghề, dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề. Các chính sách hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các làng nghề, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã và đang giúp các làng nghề trở thành những điểm du lịch hấp dẫn.

Mặc dù vậy, đánh giá khách quan cho thấy, quy mô sản xuất trong làng nghề tại Hà Nội hiện nay vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, tự phát; thiết bị sản xuất chủ yếu thủ công, lạc hậu; năng lực, trình độ tổ chức quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh còn hạn chế; tính cạnh tranh của một số sản phẩm làng nghề chưa cao, tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô…

UBND TP Hà Nội xác định làng nghề là điểm nhấn trong thập kỷ công nghiệp văn hóa, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, là điểm đến không thể thiếu với du khách trong nước và quốc tế khi thăm Thủ đô.

Nhằm bảo tồn và phát triển bền vững làng nghề trên địa bàn Hà Nội, UBND TP đề nghị trong thời gian tới, các sở, ban, ngành của TP và UBND cấp huyện cần xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước để tích hợp quy hoạch làng nghề với quy hoạch chung của Thủ đô.

Rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề Hà Nội đủ mạnh, đồng bộ trên cơ sở Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được ban hành. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề, làng nghề đến các tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh đó, các sở ngành, UBND cấp huyện cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ mang tính đột phá đối với từng mắt xích trong chuỗi cung ứng sản phẩm ngành nghề, làng nghề.

Tăng cường hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế để thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm đặc thù, khác biệt, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng đương đại, nhằm tăng tính cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu và nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Theo Báo Kinh tế & Đô thị

Scroll to Top