Số liệu lạm phát tháng 4 vừa công bố của nhiều nước tạo ra những kỷ lục mới. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ tăng lên 4,2% từ mức 2,6% của tháng trước, tăng cao nhất của thước đo lạm phát trong 13 năm trở lại đây. Trong khi đó, chỉ số lạm phát tháng 4 của Anh tăng gấp đôi tháng trước, đạt 1,5%.
Thật ra không cần dữ liệu của Mỹ và Anh, giới chuyên gia kinh tế có thể dễ dàng dự đoán lạm phát tháng 4 của nhiều nền kinh tế sẽ tăng mạnh vì sức ép lạm phát từ cả 2 phía chi phí và sức cầu đều tăng.
Chi phí tăng khắp nơi
Chỉ số Baltic Dry Index ở mức trên 2800, hơn gấp đôi so với mức khởi điểm của năm 2021, phản ánh chi phí vận tải đường biển tăng rất mạnh. Trong khi đó, xét về giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, chỉ số Bloomberg Commodity Index cũng tiếp tục tăng mạnh, từ mức dưới 80 đầu năm 2021 lên trên 90, tăng trên 12%.
Chỉ số này cho thấy tính trung bình, giá các hàng thương phẩm đầu vào cho sản xuất như đồng, sắt, bắp, ngô, cà phê, lúa mì, đậu nành đều kéo nhau tăng mạnh. Giá đồng trong tháng 4 đã vượt qua mức 10.000USD/tấn, cao nhất trong 10 năm qua, trong khi hơn 1 năm trước, giá đồng chỉ 4.000USD/tấn.
Mặt hàng thép cũng đang tăng giá, khi tại nhiều nước giá thép đã tăng 40-50% so với cuối năm 2020 và dự báo còn tiếp tục ở mức cao, bất chấp nỗ lực hạ giá thép của chính phủ một số nước như Trung Quốc.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch vừa công bố báo cáo, dự báo đà tăng của giá thép có thể chững lại, nhưng sẽ khó giảm nhanh vì giá quặng sắt vẫn tăng và các biện pháp điều chỉnh liên quan đến môi trường tiếp tục làm sản lượng thép bị kềm chế.
Việc Trung Quốc quyết tâm giảm khí thải carbon đã dẫn đến công suất sản xuất thép ở một số nhà máy thép chủ lực của nước này bị hạn chế ở mức 50%, hoặc thấp hơn. Fitch dự báo sản lượng thép của Trung Quốc sẽ giảm khoảng 30 triệu tấn trong năm nay.
Dù hãng phân tích dữ liệu GlobalData nhận định, sản lượng quặng sắt toàn cầu sẽ tăng trung bình 3,7%/năm giai đoạn 2021-2025, nhưng không đồng nghĩa tình trạng thiếu quặng sắt và thép sẽ được giải quyết sớm, tức đà tăng giá của quặng sắt và thép sẽ chậm lại.
Tiến trình cắt giảm sản xuất thép ở Trung Quốc vì lý do môi trường, xu thế đẩy mạnh xây dựng hạ tầng mới ở Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc hướng tới “xanh hóa” hạ tầng và nền kinh tế, sẽ giữ cho nhu cầu vật liệu xây dựng ở mức cao thời gian nữa.
Nói cách khác, giá các mặt hàng này có thể không tăng nhanh, hoặc giảm một chút, nhưng vẫn sẽ giữ ở mức cao. Vì vậy, dự đoán lạm phát chỉ bật lên vài tháng rồi giảm nhanh trở lại có thể không thành hiện thực.
Nhu cầu tăng với tốc độ cao nhất
Nhu cầu tăng với tốc độ cao nhất
Số liệu bán lẻ cao chót vót của nước Anh tăng 9,2% trong tháng 4, phản ánh sự hồi phục trong nhu cầu hàng hóa và dịch vụ nước này. Theo tổng cục thống kê của Anh, đây là mức tăng chưa từng thấy kể từ thập niên 1990.
Chỉ số PMI của Anh và châu Âu cao hơn 50, phản ánh nền kinh tế tiếp tục mở rộng. Sự hồi phục mạnh mẽ của tiêu dùng và sản xuất ở châu Âu có lẽ mới ở giai đoạn đầu, khi nền kinh tế khu vực này bắt đầu mở cửa trở lại sau thời gian dài phong tỏa vì dịch bệnh.
Sức cầu bị nén trong thời gian dài sẽ bắt đầu bung ra như lò xo, trong khi nguồn cung và lượng lao động sẵn sàng tìm việc làm chưa thể phục hồi ngay được.
Chủ một quán ăn ở Anh cho biết hiện người kiếm việc ở nhà hàng có thể nhận được 4-5 lựa chọn cùng lúc vì các nhà hàng đang rất khát lao động. Nhưng họ chẳng vội gì phải đi làm khi vẫn lãnh tiền hỗ trợ của chính phủ.
Vì thế, giá thuê lao động ngành dịch vụ ăn uống tăng có khả năng 10-15%. Chi phí tăng, sức cầu tăng, lạm phát tăng là tất yếu.
Khủng hoảng chip toàn cầu
Hiện một khả năng tăng giá khác đang đe dọa: tăng giá hàng loạt sản phẩm do thiếu chip. Việc thiếu chip để sản xuất điện thoại, xe điện, đã nghiêm trọng tới mức được hình dung như một “cơn điên” và nhiều công ty công nghệ đang đi thu gom chip.
Điều quan trọng, không như các mặt hàng khác có thể tăng nguồn cung dễ dàng, nhà máy chip đúng tiêu chuẩn đòi hỏi lượng đầu tư khổng lồ về vốn và nhân lực có trình độ.
Theo Reuters, tâm lý hoảng loạn mua vào do lo thiếu chip cũng góp phần đẩy nhu cầu đối với linh kiện quan trọng này tăng vọt. Các công ty sợ giá chip tăng sẽ khiến họ gặp khó trong việc cân đối chi phí sản phẩm trong tương lai.
Giá chip tăng sẽ được đẩy vào chi phí sản xuất, có nghĩa nhiều mặt hàng sử dụng chip như điện thoại thông minh, máy vi tính, máy chơi game, tivi thông minh, chắc chắn sẽ tăng giá.
Các hãng sản xuất hàng điện tử gia dụng như điều hòa, tủ lạnh buộc phải cắt giảm sản xuất vì không có đủ nguồn cung chip để đáp ứng đơn hàng. Sắp tới có thể đến các hãng công nghệ tiên tiến hơn và có lợi nhuận biên cao hơn. Nguồn cung các sản phẩm này vì vậy sẽ giảm, trong khi nhu cầu của người dân vẫn tăng lên. Giá tăng là tất yếu.
Lạm phát: Lo ngắn hay dài?
Lạm phát không phải không dự đoán được, nhưng có vẻ như nó kéo dài lâu hơn dự đoán. Các nhà kinh tế đều đoán được giá sẽ tăng trong tháng 3 và 4, nhưng mức tăng vượt ngoài dự đoán của đa số họ.
Quan trọng hơn, các lực đẩy giá tăng không có vẻ nhanh chóng giảm trở lại như dự đoán trước đây. Cụ thể, Phó Thống đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Richard Clarida, thừa nhận là “bất ngờ” trong họp báo sau khi công bố số liệu lạm phát ở Mỹ gần đây.
Điều này làm dấy lên tranh luận về liệu Fed có sai hay không với nhận định mức tăng lạm phát tháng 4, dù là ngoài dự đoán, vẫn sẽ chỉ là “tạm thời”.
Cho đến lúc này, không ai có thể chắc chắn lạm phát tăng mạnh của tháng 4 ở nhiều nước chỉ là tạm thời và ngắn hạn hay không. Các “nút cổ chai” đối với đầu cung hiện tại rõ ràng có thể kéo dài hơn dự đoán và tiếp tục duy trì đến hết mùa hè.
Trong khi đó, lượng cầu có tăng tạm thời cũng trở thành câu hỏi (trước đây người ta tin lượng cầu sẽ sụt giảm trở lại sau khi bật lên 1 hoặc 2 tháng khi kinh tế bỏ phong tỏa).
Đó là vì những khoản tiền chi cho hạ tầng của Mỹ và Nhật Bản đã bắt đầu quay vòng trong nền kinh tế.
Khác với giai đoạn 2007-2009, lần này tiền thật sự đã đi vào trong sản xuất và xây dựng. Nhưng liệu nó có đẩy vòng quay tiền tệ của nền kinh tế lên hay không vẫn là ẩn số.
Còn nếu phản ứng bằng cách hãm phanh tốc độ bơm tiền qua chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế từ đầu dịch đến nay, lãi suất và thanh khoản của thị trường tài chính sẽ ra sao? Đó là những câu hỏi khó.