Thị trường lao động Nhật Bản khả năng suy thoái khi thiếu hụt hàng triệu công nhân, và đội ngũ nhân sự các công ty ngày càng già.
Các cuộc khảo sát ở khu vực kinh tế tư nhân cho thấy tình trạng thiếu lao động đang nghiêm trọng hơn trong nhiều thập kỷ tới. Một nghiên cứu ước tính mức thiếu hụt là hơn 11 triệu lao động vào năm 2040. Đến tháng 7/2023, Nhật Bản có khoảng 67 triệu lao động.
Trong ngắn hạn, tình trạng thiếu lao động hiện rõ trong lĩnh vực dịch vụ sau khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như chăm sóc điều dưỡng và xây dựng đang gặp khó khăn.
Một cuộc khủng hoảng tiềm tàng cũng đang rình rập ngành logistics sau kế hoạch áp đặt giới hạn tối đa 960 giờ lái xe một năm, bắt đầu từ tháng 4/2024. Chính sách khiến tình trạng thiếu tài xế càng trầm trọng. Liên đoàn các Hiệp hội cho thuê taxi Nhật Bản và Hiệp hội xe buýt Nihon đang nỗ lực tuyển dụng công dân nước ngoài.
“Một thách thức nghiêm trọng mà doanh nghiệp xe buýt đang đối mặt và cần giải quyết là thiếu tài xế”, Hiệp hội xe buýt Nihon cho biết. Vì có quá ít tài xế nên ngành vận tải hành khách không thể đáp ứng kịp nhu cầu du lịch sau đại dịch.
Hơn một thập kỷ qua, Nhật Bản chứng kiến ngày càng nhiều phụ nữ và người già tham gia lực lượng lao động. Các công ty nước này ngày càng trông cậy vào những người lao động lớn tuổi. Năm ngoái, gần 40% doanh nghiệp – gấp đôi tỷ lệ một thập kỷ trước đó – cho phép nhân viên làm việc cho đến 70 tuổi trở lên.
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, năm 2022, tỷ lệ các công ty có chương trình tuyển dụng người từ 70 tuổi trở lên đã tăng hơn gấp đôi trong một thập kỷ, lên 39%. Giai đoạn này, tỷ lệ doanh nghiệp có độ tuổi nghỉ hưu bắt buộc từ 65 trở lên cũng tăng 12 điểm phần trăm, lên 25%.
Sau lần sửa đổi pháp luật năm 2013, các công ty được yêu cầu tuyển dụng nhân viên cho đến 65 tuổi nếu họ mong muốn. Các doanh nghiệp ban đầu phản đối vì sợ chi phí cao hơn. Tuy nhiên, giờ họ cạnh tranh nhau thuê lao động lớn tuổi để đối phó với tình trạng thiếu nhân sự trầm trọng.
Năm ngoái, người trong độ tuổi lao động chiếm 59% dân số Nhật Bản, giảm 9 điểm phần trăm so với năm 2000. Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông, năm ngoái, số người có việc làm từ 65 tuổi trở lên là 6,39 triệu, chiếm tỷ lệ cao kỷ lục 10,6% trong tổng số lao động có việc làm.
Các ngành có tỷ lệ người lớn tuổi làm việc cao cũng đối mặt với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng. Ví dụ trong ngành xây dựng và chăm sóc điều dưỡng đang có hơn 15% là người lớn tuổi, và hơn 10% trong ngành vận tải. Khoảng 30% tài xế taxi và xe buýt trong lĩnh vực vận tải có độ tuổi từ 65 trở lên.
Ukita Sangyo Kotsu, nhà điều hành đội taxi ở Akita, miền Bắc Nhật Bản, tuyển dụng khoảng 25 tài xế, hầu hết đều từ 65 tuổi trở lên. Tadakatsu Ukita, Chủ tịch công ty cho biết chỉ có một người nộp đơn xin việc trong hai tháng. “Với việc những người trẻ rời khỏi tỉnh, chúng tôi không thể tồn tại nếu không có lao động cao tuổi”, ông nói. Trong số 47 tỉnh của Nhật Bản, Akita có tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên cao nhất.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, những người từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% lực lượng lao động ở Mỹ và 4% ở Đức, thấp hơn nhiều so với 10,6% ở Nhật Bản. Khi số lượng người lao động cao tuổi ngày càng tăng thì tai nạn lao động cũng tăng theo.
Tổng số vụ tai nạn liên quan đến nhân viên từ 60 tuổi trở lên vào năm 2022 là khoảng 38.000 vụ, tăng 26% so với 5 năm trước đó. “Các công ty phải đầu tư vào tự động hóa và các phương tiện khác để giúp người cao tuổi làm việc ít đòi hỏi thể lực hơn”, Takashi Sakamoto, nhà phân tích tại Recruit Works Institute, nói.
Nhật Bản cũng mở cửa đón nhiều lao động nước ngoài, nhưng nhiều công ty dường như có ít sự lựa chọn vì sự suy yếu gần đây của đồng yen khiến việc thuê lao động nước ngoài trở nên khó khăn hơn, theo Nikkei. Các chuyên gia đặt câu hỏi liệu Nhật Bản có thể cạnh tranh với các quốc gia khác, nơi người lao động có thể được trả lương cao hơn hay không, theo Japan Times.
Đáng chú ý, thách thức lớn của Nhật Bản là nhu cầu việc làm ngày càng tăng, lương vẫn đứng yên. Tại nước này, hệ thống việc làm dựa trên thâm niên, năng suất thấp và việc nhiều người không muốn nhảy việc đã khiến tăng trưởng tiền lương chậm chạp trong nhiều năm.
Vì vậy, chính phủ nước này đang ngày càng nghiêm túc hơn trong việc cải cách, nhấn mạnh nhu cầu đào tạo lại và thúc đẩy dịch chuyển trên thị trường lao động. “Nếu nhiều người chuyển từ công ty này sang công ty khác, nhiều công ty sẽ trả lương cao hơn để thu hút những công nhân trẻ, có tay nghề cao”, Takuya Hoshino, nhà kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, cho biết.
Sự chú ý ngày càng tập trung vào tính bền vững của tăng trưởng tiền lương, vốn đang tăng tốc với tốc độ nhanh nhất trong ba thập kỷ. Thủ tướng Fumio Kishida hiện muốn thấy mức tăng lương sẽ “cao hơn vài điểm phần trăm” so với tỷ lệ lạm phát của đất nước.
Ngoài ra, trong khi một số lĩnh vực đang thu được lợi ích từ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI), với các công ty có kế hoạch tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực này, đồng thời vẫn còn sự bất ổn về tác động lâu dài đến thị trường lao động.
Viện nghiên cứu Mitsubishi ước tính 9,7 triệu việc làm sẽ bị mất vào năm 2035 do ảnh hưởng của số hóa, bao gồm cả AI. Tuy nhiên, lao động vẫn sẽ thiếu hụt trong năm đó do nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi xanh và kỹ thuật số cũng như nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của quốc gia.
Trong nỗ lực bảo vệ an ninh kinh tế quốc gia, Nhật Bản đang hướng tới khôi phục lĩnh vực sản xuất chip. Theo ước tính của Viện nghiên cứu Mitsubishi, số lượng kỹ sư chuyên nghiệp sẽ phải tăng mạnh để nước này tăng gấp đôi thị phần trong ngành bán dẫn, lên mức 15% vào năm 2035.
Một thách thức cho thị trường lao động ở Nhật Bản nói chung là tỷ lệ công nhân có nhiệm vụ không theo quy trình, hoặc nhiệm vụ “sáng tạo”, so với công việc theo quy trình thấp hơn so với các nước như Mỹ và Anh. Dự kiến, nước này sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt chuyên gia kỹ thuật nghiêm trọng.
Theo các nhà kinh tế, nhiều công nhân lành nghề hơn mới có thể thúc đẩy năng suất lao động của Nhật Bản, mang lại lợi ích tích cực cho nền kinh tế. Năng suất lao động của nước này thấp nhất trong G7. Hiện lạm phát gia tăng do chi phí nhập khẩu cao hơn đã thúc đẩy các công ty tăng lương. Trong khi, AI có thể giảm khối lượng công việc của con người, tăng hiệu quả và cắt giảm chi phí lao động.
“Nhật Bản đang đi đúng hướng ở chỗ họ loại bỏ hình thức tuyển dụng dựa trên thâm niên và thúc đẩy các chương trình đào tạo lại kỹ năng. Nhưng có những giới hạn đối với những gì chính sách của chính phủ có thể thực hiện. Trách nhiệm thuộc về các công ty và người lao động”, chuyên gia Takuya Hoshino của Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, nhận định.
Phiên An (theo Japan Times, Nikkei)