Kể từ năm ngoái, một loạt nước châu Âu công bố các dự án kho cảng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới hoặc mở rộng các dự án hiện có để ứng phó Nga bóp nghẹt nguồn cung khí đốtt qua đường ống. Tuy nhiên, châu Âu có nguy cơ lãng phí một khoản tiền khổng lồ khi các kho cảng này trở thành tài sản “mắc kẹt” do nhu cầu khí đốt giảm vào cuối thập niên này, theo Viện Phân tích tài chính và kinh tế năng lượng (IEEFA), có trụ sở ở Mỹ.

Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết từ bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027 để đáp trả Moscow liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraina.  Nhiều nước  thành viên EU đang nhanh chóng lên kế hoạch mua LNG từ các nước như  Mỹ và Qatar để thay thế cho nguồn cung khí đốt của Nga.

Một số nước gồm Đức, Ý, Hy Lạp, Hà Lan và Pháp đã công bố các dự án kho cảng LNG mới hoặc mở rộng sang các dự án hiện có để ứng phó Nga đóng cửa đường ống dẫn khí đốt sang châu Âu vô thời hạn..

Tại Ý, dự án cảng nhập khẩu LNG nổi và tái hóa khí Golar Tundra ở thành phố Tuscany đã chính thức đi vào hoạt động vào 19-3. Dự án đóng vai trò rất quan trọng đối với sự độc lập năng lượng của Ý và là một phần quan trọng trong kế hoạch của quốc gia này nhằm giảm sự phụ thuộc vào dòng chảy khí đốt của Nga sau cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Tuy nhiên, cuộc chạy đua xay dựng hạ tầng LNG để bảo đảm đáp ứng nhu năng lượng trong tương lai khiến các nước châu Âu có nguy cơ lãng phí một khoản tiền khổng lồ. Theo IEEFA, làn sóng xây dựng nhanh chóng như vậy sẽ khiến 50% tài sản kho cảng LNG đã lên kế hoạch xây dựng có nguy cơ bị bỏ phế vào cuối thập niên nay.

Trong báo cáo nghiên cứu được công bố hôm thứ 22-3, IEEFA cho  rằng công suất kho cảng LNG của các dự án LNG mới ở châu Âu có thể vượt xa nhu cầu khí đốt của khu vực  trong những năm tới.

Theo báo cáo, công suất kho cảng LNG của lục địa này sẽ vượt quá 400 tỉ mét khối (bcm) vào năm 2030. Con số này tăng từ 270 bcm vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, vào năm đó, nhu cầu LNG trên khắp châu Âu được dự đoán giảm xuống, chỉ còn khoảng từ 150 bcm-190 bcm mỗi năm, theo S&P Global Commodity Insights.

IEEFA cho biết sự không phù hợp giữa nhu cầu LNG trong tương lai của châu Âu và quy mô hạ tầng kho cảng LNG có thể dẫn đến công suất không sử dụng lên đến 200 bcm-250 bcm vào năm 2030 , tương đương khoảng một nửa tổng nhu cầu khí đốt của EU trong năm 2021.

“Đây là chính sách bảo hiểm không cần thiết và đắt đỏ nhất thế giới”,  Ana Maria Jaller-Makarewicz, nhà phân tích năng lượng của IEEFA và là tác giả của báo cáo nghiên, nói khi đề cập đến cuộc chạy đua xây dựng kho cảng LNG để phòng ngừa Nga dừng xuất khẩu khẩu khí đốt qua đường ống trong dài hạn.

Bà cảnh báo châu Âu phải cân bằng cẩn thận giữa các hệ thống hạ tầng khí đốt tự nhiên và LNG để tránh dư thừa công suất. Theo bà, nỗ lực tăng cường cơ sở hạ tầng LNG của châu  Âu có thể dẫn đến rủi ro các tài sản này bị “mắc kẹt”.

Nguy cơ tài sản bị “mắc kẹt” cao nhất là ở Tây Ban Nha với công suất kho cảng có thể trở nên dư thừa là 50 bcm, tiếp đến là Thổ Nhĩ Kỳ (44 bcm) và Anh (40 bcm). Báo cáo của IEEFA dự báo vào cuối thập kỷ này, châu Âu có thể chỉ sử dụng 36% tổng công suất kho cảng LNG trong khu vực.

Phát biểu hồi đầu tháng này, Cao ủy Năng lượng của EU Kadri Simson kêu gọi các nước và và doanh nghiệp EU ngừng ký hợp đồng mới mua LNG của Nga khi khu vực tìm cách giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Điện Kremlin.

“Tôi khuyến khích tất cả các nước thành viên và tất cả các công ty ngừng mua LNG của Nga và không ký bất kỳ hợp đồng khí đốt mới nào với Nga sau khi các hợp đồng hiện tại hết hạn”, bà Kadri Simson nói hôm ngày 9 -3.

Đặt cược lớn vào công suất LNG của EU cũng làm dấy lên những lo ngại về môi trường. Một nghiên cứu của Global Energy Monitor (GEM)  ảnh báo kế hoạch tăng gấp đôi công suất kho cảng nhập khẩu LNG của EU có nguy cơ làm hỏng các mục tiêu khí hậu,. Các nhà phân tích tại GEM lưu ý hết hầu hết hợp đồng mua LNG của châu Âu sẽ được giao bắt đầu từ năm 2026 và tiếp tục kéo dài 15-20 năm. Họ cho rằng việc tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt trong thời gian dài là sẽ khiến cuộc khủng hoảng khí hậu thêm trầm trọng.

Theo Kinh tế Sài Gòn online (The Saigon Times)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top