Hãng xe Honda của Nhật Bản đang cân nhắc thiết lập một chuỗi cung ứng riêng bên ngoài Trung Quốc để giảm bớt phụ thuộc vào nước này, theo nhật báo Sankei (Nhật Bản). Mazda, một nhà sản xuất ô tô khác của Nhật Bản, cũng yêu cầu các nhà cung cấp tăng sản xuất phụ tùng bên ngoài Trung Quốc.
Nhiều công ty lớn của Nhật Bản đã xây dựng các trung tâm sản xuất lớn ở Trung Quốc nhưng gần đây họ chứng kiến sản lượng bị ảnh hưởng bởi tình trạng phong tỏa kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, họ cũng lo lắng về tác động của căng thẳng ngày càng dâng cao giữa Washington và Bắc Kinh.
Năm ngoái, gần 40% sản lượng ô tô của Honda được thực hiện tại Trung Quốc. Hãng xe này đang chiếm 8,2 thị phần ô tô tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo Sankei, Honda sẽ tiếp tục duy trì chuỗi cung ứng tại Trung Quốc để phục vụ thị trường nội địa của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đồng thời xây dựng một chuỗi cung ứng riêng biệt cho các thị trường bên ngoài Trung Quốc.
Cũng theo Sankei, Honda có cơ sở sản xuất xe máy, ô tô và động cơ tại 24 quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Canada, Mexico và Thái Lan. Và “dường như Honda đang xem xét liệu có thể chuyển bớt hoạt động sản xuất phụ tùng từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, Ấn Độ và Bắc Mỹ hay không”.
Người phát ngôn của Honda nói công ty không cung cấp thông tin trên cho Sankei nhưng cho biết đang đánh giá và phòng ngừa rủi ro chuỗi cung ứng nói chung.
Người phát ngôn cho biết: “Xem xét lại chuỗi cung ứng ở Trung Quốc và phòng ngừa rủi ro là việc cần làm, nhưng điều này không hoàn toàn giống với mục tiêu tách rời chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc”.
Sau khi thông tin trên được đưa ra, ngay lập tức, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đăng bài xã luận cảnh báo việc tách rời chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc sẽ là điều phi thực tế đối với các công ty Nhật Bản như Honda vì chi phí kèm theo sẽ rất lớn.
Bài xã luận nhấn mạnh: “Nếu một công ty nước ngoài có sự hiện diện lớn ở Trung Quốc thực sự quyết định ‘giảm phụ thuộc’ vào Trung Quốc hoặc xây dựng một chuỗi cung ứng loại trừ Trung Quốc dưới sự can thiệp chính trị, họ sẽ phải trả một cái giá cực kỳ đắt”.
Hồi năm 2020, chính phủ Nhật Bản đã tung ra chương trình trợ cấp tài chính để khuyến khích các công ty nước này đưa hoạt động sản xuất trở về quê hương. Một số giám đốc điều hành và nhà phân tích nhận định sẽ rất khó để doanh nghiệp Nhật Bản đột ngột rời khỏi một thị trường nơi mà họ đã xây dựng được các trung tâm sản xuất và logistics ổn định.
Ngoài Honda, một số doanh nghiệp của Nhật Bản cũng đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc sau khi chứng kiến hoạt động của họ bị tác động bởi các lệnh phong tỏa được triển khai nghiêm ngặt ở Thượng Hải để kiểm soát Covid-19.
Hôm 12-8, Mazda cho biết sẽ yêu cầu các nhà cung cấp phụ tùng tăng dự trữ tồn kho tại Nhật Bản và tăng sản xuất các phụ tùng bên ngoài Trung Quốc sau khi các lệnh phong tỏa ở Trung Quốc gây gián đoạn chuỗi cung ứng, buộc công ty phải ngừng sản xuất trong nước trong 11 ngày vào hồi tháng 4. Mazda sẽ tìm cách đa dạng hóa sản xuất bên ngoài Trung Quốc khi ký hợp đồng với các nhà cung cấp để thiết kế các mẫu xe mới trong dài hạn.
Masahiro Moro, một lãnh đạo cấp cao của Mazda, nói: “Khi chúng tôi tiếp tục kinh doanh trên toàn cầu, chúng tôi phải quản lý những thay đổi hiện tại dựa trên nhận thức rằng chúng tôi không còn ở trong kỷ nguyên toàn cầu hóa như trước đây nữa”.
Yêu cầu trên của Madaza cho thấy rõ tính dễ bị tổn thương của chuỗi cung ứng do tác động của đại dịch Covid-19 và các căng thẳng địa chính trị.
Trước đó, Mazda báo báo cáo khoản lỗ hoạt động 19,5 tỉ yen (143 triệu đô la) trong quí đầu tiên của năm tài chính 2022-2023 (từ tháng 3 đến tháng 6) khi các biện pháp đối phó nghiêm ngặt Covid-19 ở Trung Quốc làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Mazda cho biết họ đưa linh kiện chip và các phụ tùng quan trọng đến Trung Quốc để lắp ráp, nhưng không thể nhận lại chúng từ Thượng Hải trong thời gian thành phố này bị phong tỏa vào tháng 4 và tháng 5.
Theo Takeshi Mukai, một lãnh đạo cấp cao khác của Madza, cho dù các nhà cung cấp trực tiếp của hãng xe này là các công ty Nhật Bản và châu Âu, họ cũng phải đưa một số phụ tùng sang Trung Quốc để hoàn thiện.
Trong một diễn biến khác, ngày 25-5, Honda cho biết sẽ cắt giảm sản lượng ở Nhật Bản đến 40% vào tháng 9 do các vấn đề logistics và chuỗi cung ứng tồn tại dai dẳng. Vào đầu tháng sau, nhà máy lắp ráp ô tô của Honda ở tỉnh Saitama sẽ cắt giảm sản lượng 40%, trong khi đó, hai dây chuyền lắp ráp ở nhà máy ở tỉnh Mie dự kiến giảm sản lượng khoảng 30%. Sau đó, mức cắt giảm sản lượng sẽ giảm dần. Theo giải thích của Honda, việc cắt giảm sản lượng là do thiếu chip và phụ tùng bị giao trễ trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoạn do tác động của đại dịch Covid-19. Điều này ảnh hưởng đến việc sản xuất nhiều loại xe như xe thể thao đa dụng Vezel, xe minivan Stepwgn và xe cỡ nhỏ Civic.
Cùng ngày, Honda thông báo nhà máy lắp ráp ô tô của hãng ở thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc) sẽ tiếp tục đóng cửa trong tuần này khi chính quyền địa phương gia hạn lệnh hạn chế sử dụng điện và đóng cửa nhà máy để ứng phó với tình trạng thiếu điện do hạn hán.
Theo Kinh tế Sài Gòn online (The Saigon Times)