hiep dinh evfta

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý II/2021, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 14,02 tỷ USD, tăng 2,8% so với quý I/2021 và tăng 21,8% so với quý II/2020.

Ngày 08 tháng 6 năm 2020 đánh dấu một cột mốc quan trọng khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (gọi tắt là EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (gọi tắt là EVIPA).Theo đó, Hiệp định EVFTA có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 08 năm 2021và mở ra những cơ hội, triển vọng quan trọng trong quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).

Có thể nói, Hiệp định EVFTA là một hiệp định thương mại toàn diện, chất lượng cao, mang lại nhiều lợi ích to lớn và thiết thực cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người tiêu dùng của cả Việt Nam và Liên minh châu Âu, tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ cho mối quan hệ đối tác hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU.

Ngoài những quy định và cam kết cơ bản như các Hiệp định thương mại thông thường như thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư,… EVFTA còn có các quy định mới như cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, trợ cấp, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý – thể chế.

Tại Chương 10 của Hiệp định, Việt Nam và  EU đã đưa ra các cam kết, nghĩa vụ hướng đến việc đảm bảo khuôn khổ cạnh tranh bình đẳng trong thương mại, đầu tư giữa hai Bên, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp hoạt động tại các quốc gia thành viên Hiệp định, ngăn chặn và loại bỏ hành vi kinh doanh phản cạnh tranh trên thị trường, thúc đẩy hiệu quả kinh tế và phúc lợi người tiêu dùng. 

Một số cam kết chính về cạnh tranh trong Hiệp định EVFTA

Các cam kết về cạnh tranh trong Hiệp định EVFTA gồm một số nội dung chính như sau:

Việt Nam và EU công nhận tầm quan trọng của môi trường cạnh tranh lành mạnh và các hành vi phản cạnh tranh có thể làm sai lệch sự vận hành đúng đắn của thị trường cũng như làm suy giảm lợi ích của quá trình tự do hóa thương mại. Trên cơ sở nguyên tắc đó, hai Bên cam kết áp dụng và duy trì khuôn khổ pháp luật cạnh tranh toàn diện trên cơ sở tự quyết nhằm xử lý các hành vi phản cạnh tranh như thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh và tập trung kinh tế gây cản trở cạnh tranh một cách đáng kể.

Việt Nam và EU duy trì cơ quan chịu trách nhiệm, được trang bị phù hợp và có thẩm quyền cần thiết để thực thi đầy đủ và hiệu quả pháp luật cạnh tranh. Luật Cạnh tranh phải được thực thi một cách minh bạch và không mang tính phân biệt đối xử, tôn trọng các nguyên tắc công bằng trong tố tụng cạnh tranh cũng như quyền bảo vệ của đối tượng điều chỉnh. 

\"evfta\"

Các cam kết về cạnh tranh tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp

Với những cam kết về cạnh tranh toàn diện, Hiệp định EVFTA đã tạo ra khuôn khổ pháp lý, cơ chế để các doanh nghiệp có cơ hội phát triển hoạt động kinh doanh, thương mại, đầu tư tại các nước thành viên trong môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, không phân biệt đối xử. Các cam kết về cạnh tranh trong EVFTA tạo lập môi trường cạnh tranh hiệu quả cho tất cả các chủ thể tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh trên thị trường, thúc đẩy hiệu quả kinh tế và phúc lợi người tiêu dùng. Mặt khác, các cam kết về chính sách và luật cạnh tranh trong EVFTA là những công cụ pháp lý hữu hiệu bảo về quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ thể tham gia kinh doanh trên phạm vi lãnh thổ các nước thành viên.

Theo đó, để đảm bảo hoạt động trong môi trường cạnh tranh hiệu quả, ngăn ngừa các hành vi phản cạnh tranh có khả năng làm sai lệch sự vận hành đúng đắn của thị trường hoặc làm giảm lợi ích trong hoạt động thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần lưu ý một số điểm như sau:

Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động, tăng cường tìm hiểu các cam kết về chính sách cạnh tranh trong EVFTA thông qua các hình thức như thông tin đăng tải trên cổng thông tin điện tử https://fta.moit.gov.vn/, các hội thảo, hội nghị, tập huấn và đào tạo hướng dẫn doanh nghiệp của cơ quan nhà nước; từ đó nâng cao hiểu biết, nắm rõ các nội dung, tuân thủ và thực thi các cam kết về cạnh tranh trong EVFTA;

Thứ hai, các doanh nghiệp cấn nắm rõ quy định về chính sách và pháp luật cạnh tranh các nước thành viên EVFTA trong quá trình hoạt động thương mại, đầu tư trong khuôn khổ Hiệp định; điều này sẽ giúp doanh nghiệp tránh được các rủi ro pháp lý có thể gặp phải liên quan tới vấn đề pháp luật cạnh tranh, chống độc quyền khi tham gia hoạt động thương mại trong khuôn khổ EVFTA. 

Thứ ba, việc nắm rõ các quy định pháp luật cạnh tranh và cam kết trong EVFTA giúp các doanh nghiệp kịp thời phát hiện, có thông tin đến cơ quan cạnh tranh về dấu hiệu các hành vi phản cạnh tranh trên thị trường; sử dụng các công cụ pháp lý về cạnh tranh để bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Thứ tư, các doanh nghiệp cần chủ động khai thác cơ hội, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại, đầu tư theo Hiệp định; thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, cạnh tranh về giá hàng hóa, dịch vụ, tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại đến các thị trường EU, v.v…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top