san thuong mai dien tu

Trong báo cáo về vị thế của hàng Việt trên sàn thương mại điện tử của iPrice Group, hàng có thương hiệu Việt Nam hiện chỉ chiếm 17% lượt tìm mua trên các sàn thương mại điện tử.

Thông tin đáng chú ý này vừa được bộ phận nghiên cứu iPrice Insights trụ sở Malaysia công bố. Đơn vị này đã tiến hành phân tích gần 1 triệu lượt truy cập trên thương mại điện tử trong trong năm 2020 và nửa đầu 2021, tập trung vào 4 sàn thương mại điện tử đa ngành lớn nhất Việt Nam.

Kết quả khảo sát của iPrice Group cho thấy, có đến 83% số sản phẩm được quan tâm là hàng ngoại nhập. Và hàng có thương hiệu Việt Nam chỉ chiếm 17% lượt tìm mua trên các sàn thương mại điện tử.

Đáng chú ý là xu hướng tìm kiếm hàng Việt có dấu hiệu suy giảm từ 2020 sang 2021, điều này phần nào cho thấy doanh nghiệp trong nước đang chưa thể tận dụng hiệu quả kênh thương mại điện tử dù kênh này tăng trưởng mạnh trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, nếu xét riêng ngành hàng bách hóa, nông sản, doanh nghiệp Việt lại có lợi thế, tỷ trọng hàng thương hiệu Việt bán chạy trên 2 sàn thương mại điện tử là Sendo đạt hơn 80%, Tiki đạt hơn 60%.

Năm 2020, tỉ lệ hàng hóa mang thương hiệu Việt trong top 1.200 sản phẩm bán chạy chỉ chiếm 20% . Trong đó, Sendo là sàn được người dùng tìm kiếm các sản phẩm thương hiệu Việt nhiều nhất với 25%, theo sau là Tiki (23%), Lazada Việt Nam (18%) và Shopee Việt Nam (13%).

Bước sang nửa đầu năm 2021, các mặt hàng thuộc thương hiệu trong nước chỉ còn chiếm 14% các sản phẩm được người tiêu dùng tìm mua, cho thấy một sự suy giảm rõ so với năm 2020. Dẫn đầu trong chỉ số này giữa các sàn năm 2021 tiếp tục là hai sàn nội địa Tiki (21%) và Sendo (16%).

Trong khi đó, Sendo ghi dấu ấn trong năm 2021 với các chương trình Gian Hàng Việt phối hợp cùng Bộ Công Thương và tích cực xúc tiến đưa nông sản các tỉnh lên sàn trong mùa dịch.

Lãnh đạo Sendo cũng kỳ vọng, mong muốn đưa Sendo thành địa chỉ kinh doanh trực tuyến của các thương hiệu Việt Nam.

Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch sàn thương mại điện tử Sendo cho rằng những con số trên không thể nói rằng hàng Việt đang lép vế bởi hàng ngoại nhập.

\”Trên kinh nghiệm, tôi thấy 20% là sát thực tế. Song nếu ai cho rằng hàng Việt lép vế do kém chất lượng, do người tiêu dùng không ủng hộ thì tôi không đồng ý.

Lý do thật là bởi doanh nghiệp Việt chưa quan tâm thương mại điện tử đúng mức. Hai năm cùng Bộ Công Thương đưa hàng Việt lên thương mại điện tử, chúng tôi gặp nhiều đơn vị hoàn toàn dựa vào bán lẻ truyền thống, chứ ít nghĩ đến thương mại điện tử”, Chủ tịch Sendo thông tin.

Nông sản đang nóng trên các sàn

Theo báo cáo thương mại điện tử Quý II/2021 từ iPrice và số liệu từ Google, lượt tìm kiếm từ khóa liên quan đến cửa hàng tạp hóa trực tuyến tăng 223% trong Quý II/2021 và tăng 11 lần trong tháng 7 so với các tháng trước đó.

Trong đó, các mặt hàng nông sản đặc sản đã trở thành nhóm ngành bán chạy trên các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là Sendo và Tiki.

Số liệu từ Cục Thương mại điện từ và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, Cục đã hỗ trợ thành công gần 20 địa phương cả nước tiêu thụ sản phẩm địa phương nói chung, nông sản tới vụ nói riêng qua việc phương thức phân phối kết hợp online – offline.

Các chương trình thúc đẩy bán hàng nông sản, đặc sản vùng miền địa phương qua “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” trên các Sàn thương mại điện tử đã được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với các Sở Công Thương địa phương và các nền tảng thương mại điện tử lớn như Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Lazada, Postmart… triển khai, tiêu biểu như: chương trình Đặc sản Sơn La, Ngày hội xứ Dừa – Bến Tre, Phiên chợ Nông sản Việt, Tuần lễ Nông sản Việt, Chương trình đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều Hải Dương, vải thiều Bắc Giang, Na Chi Lăng, Bưởi Phúc Trạch . . .

Ngoài các loại sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương đang được triển khai và mở rộng, hàng nghìn tấn nông sản Xoài Mận Sơn La, Bơ Đắc Lắc, Nho Ninh Thuận, Lê Tai Nung Lào Cai, Bưởi Da xanh Bến Tre, Sầu riêng RI6 Trà Vinh, Hành tím Sóc Trăng, Vải thiều Hải Dương, vải thiều Bắc Giang… đã được tổ chức tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử qua các mô hình thương mại điện tử khác nhau.

Riêng trong Chương trình đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều Bắc Giang đã có tới trên 9.000 tấn vải thiều được giao tới tay người tiêu dùng cả nước thông qua các sàn thương mại điện tử với gần 1 triệu đơn hàng (không kể các nền tảng xã hội khác).

Và tại chương trình này, lần đầu tiên mô hình kết hợp giữa thương mại truyền thống và thương mại điện tử đã được triển khai hết sức hiệu quả giữa BigC/Go với Tiki; Vinmart, Foodmap với Lazada. Mô hình này đã nhanh chóng được nhân rộng trong thời gian qua với các hình thức kết hợp ngày càng đa dạng, linh hoạt với tình hình thức tế. Vừa qua bưởi Phúc Trạch cũng tiêu thụ trên 1.000 tấn qua các nền tảng thương mại điện tử, góp phần tháo gỡ khó khăn cho bà con đất Hương Khê, Hà Tĩnh.

Với các bước triển khai mạnh mẽ và đồng bộ trên các kênh thương mại điện tử, kết hợp giữa thương mại điện tử và  thương mại truyền thống, việc ứng dụng công nghệ đã phát huy tối đa được lợi thế của các bên. Thương mại điện tử sẽ là thị trường cực kỳ tiềm năng cho các doanh nghiệp trong nước muốn mở rộng thị trường xuất khẩu.

Theo tapchicongthuong.vn

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top
Scroll to Top