Các sản phẩm điện tử hoạt động dựa vào chip như máy tính cá nhân, đồ chơi, hàng điện tử tiêu dùng, thiết bị gia dụng… sẽ ngày càng đắt đỏ hơn khi các ông lớn trong ngành chip như TSMC, Samsung và Intel đang xem xét tăng giá bán để có nguồn vốn phát triển kinh doanh, theo các nhà phân tích.

Nhà phân tích bán dẫn Peter Hanbury của hãng tư vấn quản lý Bain & Co. nói với hãng tin CNBC: “Các công ty đúc chip đã tăng giá 10-20% trong năm qua. Chúng tôi dự báo sẽ có một đợt tăng giá nữa trong năm nay, nhưng ở mức nhỏ hơn, khoảng từ 5-7%”.

Các nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới tăng giá bán một phần vì họ có thể làm được như vậy trong bối cảnh nguồn cung chip thiếu hụt. Ngoài ra, họ tăng giá bán vì cần vốn để đầu tư cho các hoạt động vốn đang ngày càng trở nên tốn kém hơn.

“Các hóa chất được sử dụng để sản xuất chip đã tăng 10-20%… Tương tự, lực lượng lao động cần thiết để xây dựng các cơ sở sản xuất bán dẫn mới cũng bị thiếu hụt, vì vậy, mức lương của họ đang tăng lên”, Hanbury nói.

Mới đây, TSMC đã cảnh báo khách hàng lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm rằng họ chuẩn bị tăng giá các sản phẩm chip.

TMSC, nhà sản xuất gia công chip lớn nhất thế giới, có trụ sở tại Tân Trúc, Đài Loan (Trung Quốc) được cho là đang có kế hoạch tăng giá ở mức một con số phần trăm. Công ty này giải thích lý do tăng giá là do lạm phát cao, chi phí gia tăng và cần nguồn lực tài chính để phục vụ các kế hoạch mở rộng sản xuất.

Trong một diễn biến khác, Bloomberg dẫn các nguồn tin cho biết, Samsung (Hàn Quốc), nhà sản xuất chip lớn thứ hai thế giới, cũng sẽ tăng giá sản xuất chip lên tới 20%.

“Với tình hình thiếu hụt chip tiếp tục kéo dài, các nhà sản xuất có thể tính phí cao hơn khi khách hàng thúc giục họ nhanh chóng mở rộng công suất để đảm bảo nguồn cung”, Hanbury nói và cho biết thêm rằng ông kỳ vọng sự thiếu hụt sẽ bắt đầu giảm bớt đối với một số loại chip nhất định vào cuối năm nay.

Trong cuộc trò chuyện với CNBC, nhà phân tích Glenn O’Donnell của hãng nghiên cứu thị trường Forrester Research cho rằng giá chip tăng sẽ không làm ai ngạc nhiên trong bối cảnh kinh tế hiện tại. Ông dự báo trong ngắn hạn, giá chip sẽ tăng khoảng 10-15%, hoặc tăng với tốc độ tương đương với lạm phát.

Trong hai năm qua, những tác động của đại dịch Covid-19 là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu chip toàn cầu.

O’Donnell nói: “Các nhà sản xuất chip phải đối mặt với các vấn đề về nguồn cung đang ngày càng nghiêm trọng hơn do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Và nhu cầu vẫn đang ở mức cao trong khi nguồn cung vẫn bị hạn chế. Giá năng lượng, bao gồm cả điện cũng đang tăng mạnh. Sản xuất chip lại đòi hỏi sử dụng một lượng điện năng khổng lồ”.

Bất chấp cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng gia tăng, các công ty sản xuất hàng điện tử, nơi tiêu thụ phần lớn chip, có thể phải chuyển các chi phí tăng thêm sang cho người tiêu dùng bằng cách tăng giá bán.

“Giá chip tăng sẽ gây thêm căng thẳng cho tất cả các khách hàng hạ nguồn, những bên này sẽ phải chuyển chi phí của những đợt tăng giá sang người tiêu dùng của họ dù điều này sẽ khó khăn trong môi trường hiện tại. Nếu không làm như vậy, họ phải chấp nhận mức lợi nhuận thấp hơn,” Hanbury nói.

O’Donnell dự báo máy tính cá nhân, ô tô, đồ chơi, hàng điện tử tiêu dùng, thiết bị gia dụng và nhiều sản phẩm khác sẽ đắt hơn do tác động của giá chip.

“Biên lợi nhuận của các sản phẩm này vốn đã bị thu hẹp, vì vậy, các nhà sản xuất không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng giá bán”, O’Donnell nói.

Syed Alam, Giám đốc bộ phận bán dẫn toàn cầu tại hãng tư vấn Accenture, nhận định mức độ tăng giá sẽ phụ thuộc vào tỷ trọng chi phí chip trong tổng giá thành sản phẩm. Ông nói thêm rằng giá hàng điện tử cũng sẽ phụ thuộc vào khả năng của các nhà sản xuất trong nỗ lực cắt giảm chi phí trong các lĩnh vực khác và tình hình cạnh tranh của từng loại sản phẩm.

Alam nói: “Nhìn vào những yếu tố này, các sản phẩm sử dụng chip cao cấp hơn như GPU (bộ xử lý đồ họa) và CPU (bộ xử lý trung tâm) cao cấp có khả năng tăng giá”.

Nhưng theo Hanbury, một số ngành hàng điện tử đang bắt đầu chứng kiến nhu cầu giảm và các công ty trong ngành này sẽ gặp khó khăn trong việc chuyển những khoản chi phí tăng thêm cho khách hàng. Ông giải thích: “Ví dụ, thị trường điện thoại thông minh (smartphone) đã chứng kiến nhu cầu giảm, vì vậy, các hãng smartphone sẽ không thể chuyển chi phí tăng thêm quá nhiều sang khách hàng”.

Theo Kinh tế Sài Gòn online (The Saigon Times)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top