Sáng nay (11-7), khi thị trường London vừa mở cửa, giá cà phê robusta giao trong tháng 9-2024 đã tăng 2,7%, lên 4.600 đô la Mỹ/tấn.
Hai ngày trước (9-7), giá loại cà phê này cũng đã tăng lên mức kỷ lục mới là 4.667 đô la Mỹ/tấn. Thị trường hoảng loạn trước thông tin sản lượng cà phê xuất khẩu trong nửa đầu năm của Việt Nam, nhà sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Hôm 9-7, giá cà phê robusta giao tháng 9 trên Sàn giao dịch liên lục địa ( ICE) châu Âu ở London tăng lên mức cao kỷ lục mới 4.667 đô la Mỹ/tấn. Giá tăng sau khi Tổng Cục hải quan Việt Nam công bố số liệu cho thấy, xuất khẩu cà phê trong tháng 6 chỉ đạt 70.202 tấn, giảm 11,5% so với tháng 5. Sản lượng cà phê xuất khẩu tích lũy trong 6 tháng đầu năm của Việt Nam đạt 893.820 tấn, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá cà phê robusta thoái lùi trong phiên giao dịch hôm sau đó (10-7), với mức giảm gần 3%, xuống còn 4.490 đô la/tấn. Dù vậy, mức giá này đang cao hơn khoảng 60% so với hồi đầu năm sau khi tăng 58% vào năm 2023.
Thị trường cà phê robusta bước vào chu kỳ tăng giá mạnh mẽ trong 18 tháng qua khi các nhà sản xuất lớn như Việt Nam chật vật đáp ứng nhu cầu đang tăng nhanh.
Robusta thường được sử dụng để chế biến cà phê phê hòa tan. Tuy nhiên, loại cà phê có vị đắng gắt hơn và giá rẻ hơn này cũng ngày càng được các nhà rang xay sử dụng nhiều để pha trộn với arabica.
“Sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam giảm trong tháng 6 tiếp tục phản ánh các điều kiện thị trường nội địa thắt chặt ở nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới”, người phát ngôn của Công ty kinh doanh cà phê I & M Smith (Nam Phi) cho biết.
Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê của Việt Nam tăng gần gấp ba trong hai thập niên đầu của thế kỷ này, đạt đỉnh 31,58 triệu bao (mỗi bao 60 kg) trong niên vụ 2021-2022.
Tuy nhiên, sản lượng cà phê của Việt Nam suy giảm trong những năm gần đây, chỉ đạt 29 triệu bao (bao gồm cà phê arabica) trong niên vụ 2023-2024. USDA dự báo, sản lượng cà phê robusta của Việt Nam trong niên vụ 2024-2025 đạt 27,9 triệu bao, giảm so với 28 triệu bao của niên vụ trước đó.
Trong năm nay, nông dân trồng cà phê Việt Nam năm nay bị ảnh hưởng bởi đợt hạn hán tồi tệ nhất trong gần 10 năm do tác động của hiện tượng thời tiết El Nino. Điều này làm giảm triển vọng cho vụ thu hoạch diễn ra vào tháng 11 tới.
Giuseppe Lavazza, Chủ tịch Công ty cà phê Lavazza (Ý), cho biết giá cao hơn kết hợp với chi phí vận chuyển tăng do tình trạng gián đoạn ở kênh đào Suez và đồng đô la Mỹ mạnh hơn, khiến chi phí của công ty tăng hơn 800 triệu euro trong hai năm qua.
Ông cũng lưu ý, với Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) có hiệu lực vào cuối năm nay, rất nhiều công ty rang xay ở châu Âu đang mua cà phê sớm hơn để tránh yêu cầu chứng minh chuỗi cung ứng không liên quan đến đất rừng bị phá sau năm 2020.
Nông dân Brazil chạy đua sản xuất cà phê robusta
Nhu cầu cà phê tiếp tục tăng trên toàn cầu bất chấp giá tăng. Báo cáo trong tháng này Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) ước tính, mức tiêu thụ cà phê toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 tăng 2,2%.
Công ty I & M Smith cho biết, nhiều dự báo khác cho thấy, nhu cầu tiếp tục tăng trong niên vụ 2024-2025, với tốc độ chậm hơn một chút là 1,25%. Theo I & M Smith, sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ các thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và các nước Trung Đông, những nơi ghi nhận mức tiêu thụ cà phê nội địa tăng đáng kể.
Những thách thức mà các nhà sản xuất cà phê robusta của Việt Nam đang đối mặt tạo cơ hội cho Brazil, nước chủ yếu trồng cà phê arabica nhưng đang mở rộng sản xuất cà phê robusta, có khả năng chịu được thời tiết khô hạn tốt hơn.
“Brazil hiện trồng rất nhiều cà phê robusta và có thể trong một vài năm nữa sẽ trở thành nhà sản xuất robusta hàng đầu cà phê, quan trọng hơn cả Việt Nam”, Giuseppe Lavazza, Chủ tịch Công ty cà phê Lavazza (Ý) nói.
Năm ngoái, Brazil sản xuất khoảng 21,5 triệu bao cà phê robusta, cao gần mức kỷ lục. Các nhà phân tích dự đoán, cà phê robusta ở Brazil sẽ chứng kiến vụ mùa bội thu trong năm nay, bất chấp một số phàn nàn ban đầu của nông dân về năng suất.
“Tôi biết rằng với mức giá cà phê robusta cao như thế này, nông dân Brazil đang ráo riết chạy đua sản xuất ngày càng nhiều cà phê robusta”, Giuseppe Lavazza nói.
Dù vậy, có một số thông tin kém tích cực đối với triển vọng giá cà phê trong thời gian tới. Báo cáo của ICO cho biết, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 5 đã tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 11,78 triệu bao. Xuất khẩu cà phê toàn cầu từ tháng 10-2023 đến tháng 5-2024 tăng 10,9% so với một năm trước đó, lên 92,73 triệu bao.
Ngoài ra, theo thông tin mới nhất của Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe), xuất khẩu cà phê của Brazil trong niên vụ 2023-2024, kết thúc vào tháng 6 vừa qua, đạt mức kỷ lục 47,3 triệu bao, tăng 32,7% so với niên vụ trước. Doanh thu xuất khẩu cà phê cũng tăng 20,7% lên mức 9,83 tỉ đô la Mỹ, cao nhất trong lịch sử.
10 khách hàng lớn đã tăng mua cà phê của Brazil trong niên vụ vừa qua. Trong đó, Mỹ là khách hàng lớn nhất, nhập khẩu 7,062 triệu bao cà phê của Brazil, tăng 2,8% so với niên vụ trước.
Theo Chủ tịch Cecafé, Márcio Ferreira, kết quả này đạt được nhờ bối cảnh thay đổi trên thị trường cà phê, liên quan đến sự khan hiếm nguồn cung từ các nước sản xuất cà phê lớn khác cũng như căng thẳng kéo dài trong lĩnh vực hậu cần.
“Về mặt tích cực, với vụ thu hoạch tốt hơn, Brazil đã mở rộng thị phần trong thương mại cà phê toàn cầu. Brazil đã chiếm lĩnh những khoảng trống khi nguồn cung từ các nhà sản xuất cà phê khác như Indonesia và Việt Nam giảm”, Ferreira giải thích.
Theo Reuters, Nasdaq, Cultivar, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn