Sau bùng phát của đại dịch Covid-19, nhu cầu vay vốn của nhiều doanh nghiệp tăng mạnh để phục hồi sản xuất nhưng việc tiếp cận vốn vay ngân hàng đang gặp khó khăn. Một số doanh nghiệp đề nghị ngân hàng đánh giá lại tài sản đảm bảo là bất động sản để nâng hạn mức cho vay…
Tại chương trình Cà phê Doanh nhân lần thứ 63, do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức với chủ đề “Giải pháp vốn cho doanh nghiệp giai đoạn phục hồi kinh tế”, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó chủ tịch HUBA, nhận định kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi tích cực, doanh nghiệp cần vốn để khôi phục các chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy, mở rộng nhà xưởng, đổi mới máy móc, thiết bị sản xuất, đào tạo, tuyển dụng lại lao động mới… Dù nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp tăng mạnh nhưng việc tiếp cận nguồn vốn còn khó khăn.
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM, doanh nghiệp đang hết sức khó khăn do nguyên liệu đầu vào để sản xuất đang tăng cao, có loại vượt 40%, cùng với giá xăng dầu trong nước tăng cao kỷ lục. Nếu các doanh nghiệp áp vào giá thành chắc chắn sẽ đẩy giá bán sản phẩm lên cao.
“Chúng tôi đang \”khát\” vốn. Trước đây, chỉ cần khoảng 100 tỷ đồng để dự trữ nguyên vật liệu, giờ chi phí tăng đẩy tiền dự trữ thêm 50%, nghĩa là phải cần 150 tỷ đồng. Kiến nghị các ngân hỗ trợ để nâng hạn mức khoản vay cho doanh nghiệp bằng cách đánh giá lại tài sản đảm bảo là bất động sản để tăng nguồn vốn vay”, bà Chi nói.
Còn ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương Mại Tân Quang Minh, cho rằng trước giờ doanh nghiệp luôn coi nguồn vốn ngân hàng là chủ lực. Tuy nhiên, hiện nay việc tiếp cận nguồn vốn này đang rất khó. Ngay như chương trình hỗ trợ 2% lãi suất cho vay, doanh nghiệp làm sao để tiếp cận được, có phải làm đơn kiến nghị hay đề xuất cụ thể không?
Cho rằng giải pháp vốn cho doanh nghiệp hiện nay chính là cơ chế. Theo ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng-Thương mại Lê Thành, hơn bao giờ hết doanh nghiệp đang rất cần vốn để có thể phục hồi sau thời gian bị đình trệ do dịch Covid-19.
“Gói nhà ở xã hội, 100% vốn đều dành cho công nhân, trong khi chủ đầu tư không có nguồn vốn để xây dựng. Vốn thì có nhưng nhà đầu tư không tiếp cận được do không thuộc đối tượng được hưởng chính sách. Không có tiền xây dựng thì làm gì có nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động. Cuối cùng là mất khả năng thanh khoản, dòng tiền nghẽn”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Thực tế việc tiếp cận vốn hiện nay rất khó đối với nhiều doanh nghiệp dù Chính phủ đang triển khai gói hỗ trợ lãi suất cho vay 2% áp dụng cho những khoản vay mới, nhưng ngân hàng không còn room tín dụng thì cũng không thể giải ngân được.
Do đó, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó chủ tịch HUBA, kiến nghị ngân hàng thương mại cần có chính sách giúp doanh nghiệp vay vốn giúp tái đầu tư sản xuất, phục hồi phát triển.
Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng các doanh nghiệp cần đa dạng hóa nguồn vốn. Kênh vốn ngân hàng không phải là kênh huy động vốn duy nhất mà chỉ chiếm 47%, còn các nguồn khác như giải ngân FDI (14,8%), thị trường trái phiếu doanh nghiệp (21,5%), cổ phiếu, đầu tư công…
Để huy động vốn thành công, theo ông Lực các doanh nghiệp cần minh bạch hoạt động và báo cáo tài chính; thể hiện thiện chí hợp tác, phối hợp với tổ chức tín dụng trong cung cấp thông tin, cơ cấu lại nợ và xây dựng phương án kinh doanh phù hợp, đa dạng hóa nguồn vốn, chủ động tiếp cận chương trình phục hồi…
Để hỗ trợ doanh nghiệp, từ phía chính quyền, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết nhìn lại giai đoạn mở cửa phục hồi kinh tế sau dịch bệnh từ 13/10/2021 cho đến nay, các doanh nghiệp đang thi đua tích cực. Dù vậy, vẫn có một số ngành suy giảm lao động trên 20%. Do đó, TP.HCM sẽ có những chính sách hỗ trợ chuyển đổi để nâng năng suất, hiệu quả theo hướng giảm thâm dụng lao động, tăng công nghệ…
Theo VnEconomy