Chat GPT – công cụ trí tuệ nhân tạo đột phá mà các doanh nghiệp có thể áp dụng để hợp lý hóa các quy trình khác nhau, tuy nhiên, công cụ này cũng có hạn chế riêng của nó. Hãy cùng tìm hiểu cách ChatGPT hoạt động và tác động của nó đối với các doanh nghiệp.
Sau hơn ba tháng được tung ra thị trường, ChatGPT – một hệ thống tự động hóa giao tiếp tự nhiên bằng lời nói hoặc văn bản (conversational AI) cực kỳ tiên tiến, và tạo ra tiếng vang lớn trong lĩnh vực phát triển ứng dụng tiềm năng trên thế giới – được công nhận là chatbot AI tốt nhất hiện có trên thị trường. Dù ChatGPT có nhiều tiện ích, nhưng công cụ này vẫn có những hạn chế và điều quan trọng là phải xem xét mức độ can thiệp giữa con người – máy móc ở một số khâu dịch vụ nhất định.
Dưới đây là một số hạn chế và ảnh hưởng của ChatGPT đến doanh nghiệp như: Doanh nghiệp không thể chỉ dựa vào ChatGPT để lập trình hoặc sáng tạo nội dung, các sự kiện sau năm 2021 không khả dụng, gây ra vấn đề cho những ứng dụng khác, thiếu tư duy phản biện và tính phức tạp, nội dung do AI tạo không đảm bảo được xếp hạng tốt. Trong một số trường hợp, phản hồi của ChatGPT cung cấp thông tin không chính xác, câu trả lời sai lệch và cụm từ bị lạm dụng; từ đó, ảnh hưởng xấu đến chất lượng tổng thể của nội dung.
Ví dụ: Chris Varner, Marketing Specialist tại WebFX, người đã sử dụng ChatGPT để soạn thảo các phác thảo và chỉnh sửa các đoạn code, đã thừa nhận thiếu sót này. Ông cho biết: “Vấn đề quan trọng nhất là độ chính xác của nội dung. Những mô hình này rất giỏi hiển thị những kết quả có vẻ chính xác, nhưng “chính xác” và “có vẻ chính xác” là hoàn toàn khác nhau. Thách thức lớn nhất là người dùng phải phân biệt được hai điều trên.” Tương tự, mã code do ChatGPT viết ra có thể sai, không đúng chức năng hoặc quá phức tạp. Vì vậy, doanh nghiệp không thể chỉ dựa vào ChatGPT để thực hiện toàn bộ quy trình.
Hơn nữa, ứng dụng này còn quá mới mẻ nên chưa có khung pháp lý nào để điều chỉnh từ các nhà quản lý. Các giải pháp của trí tuệ nhân tạo có thể mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, nhưng nó cũng có thể tạo ra những rủi ro. Các nguy cơ mà ChatGPT đang đặt ra cho thấy rõ ràng cần phải có một khung pháp lý vững chắc để bảo đảm AI xứng đáng có được độ tin cậy trên cơ sở những dữ liệu chất lượng cao với mục đích là làm sao thiết lập được một chuẩn mực thế giới về trí tuệ nhân tạo.
Theo dự thảo quy định của EU, ChatGPT được coi là một hệ thống trí tuệ nhân tạo ứng dụng rộng có thể sử dụng vào nhiều mục đích, bao gồm cả một số mục đích có tính rủi ro cao, chẳng hạn như trong đánh giá các rủi ro khi vay mượn tài chính. Với hệ thống quy định mới rất có thể sẽ khiến nhiều công ty trong lĩnh vực này phải giảm tốc độ phát triển trí tuệ nhân tạo vì sẽ phải tuân thủ theo các chuẩn mực ngặt nghèo dẫn đến giá thành sản phẩm bị đội cao.
Tác động trong tương lai của ChatGPT sẽ phụ thuộc vào cách các doanh nghiệp áp dụng và tích hợp vào hoạt động của mình.
Lý Vương Thảo